Nắp nhựa, mảnh vụn nhựa - sát thủ đại dương
Ngày cập nhật 05/01/2019
Kết quả mô phỏng quỹ đạo của những nắp chai nhựa bằng mô hình OSCURS sau 1 năm

Những chai nhựa đựng đồ uống và chất lỏng khi dùng xong thường chai một nơi, nắp một nẻo. Nắp nhựa, chai nhựa, mảnh vụn nhựa đáng lẽ ra nó phải được trở về nơi tái chế của nó nhưng phần lớn chúng lại có mặt khắp mọi nơi trên trái đất. Từ những ngóc ngách trong ngõ cho đến đầu con phố; từ xóm làng hẻo lánh tới nơi phần hoa đô thị; từ con sông nhỏ cho tới biển cả đều có mặt chúng. Trông chúng nhỏ bé, tưởng chừng như vô hại đấy thôi nhưng chúng chính là những sát thủ trong đại dương cả đấy. Những sinh vật phù du nhỏ xíu hay những loài to lớn như cá nhà táng, cá voi đều có thể là nạn nhân của chất thải nhựa ở biển.

 

Đường đi của những nắp nhựa trên biển và đại dương

Đa phần rác thải nhựa khi trôi dạt ra biển đều trôi nổi lập lờ trên mặt nước. Ước khoảng 90% rác thải trôi nổi trên biển và đại dương có thành phần xuất xứ từ nhựa. Chúng trôi từ chỗ này tới chỗ khác, từ năm nay sang năm khác, từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Dưới tác động của ánh sáng và sóng biển, nhựa sẽ bị phân mảnh thành những mảnh nhỏ. Một phần của những mảnh vụn nhựa này sẽ chìm lắng xuống đáy đại dương, một phần sẽ kết thúc hành trình trong dạ dày của những sinh vật biển và các loài chim biển. Nhiều thành phần nhựa với các kiểu hình dạng khác nhau vô tình trở thành những cái bẫy, chúng làm cho sinh vật biển không bơi được, hoặc làm cho chúng không ăn thức ăn được, hoặc cuốn chặt lấy thân thể của chúng.  

Theo nghiên cứu thu được từ Charles Moore, kết quả mô phỏng hàng triệu nắp chai nhựa sau một năm (từ ngày 1/1/1967 đến ngày 30/12/1967) cho thấy, các nắp chai nhựa từ Mỹ sẽ di chuyển dọc theo dòng chảy của California và kết thúc quanh vĩ độ ngang với vùng Cabo San Lucas. Ngoài ra, các nắp chai nhựa từ Nhật Bản sẽ trôi thẳng vào Thái Bình Dương.

Kết quả mô phỏng sau mười năm trôi dạt của những nắp chai nhựa cho thấy, hầu hết các nắp chai nhựa từ Mỹ sẽ trôi dạt đến tận vùng biển Philippines trong khi đó các nắp chai từ vùng biển Nhật Bản trôi dạt ra xa về phía đông. Và sau hai mươi năm (từ ngày 1/1/1967 đến ngày 25/12/1986) thì nhiều mảnh vỡ của chúng đã có mặt ở khắp phía bắc Thái Bình Dương. Những hình ảnh như thế này cung cấp thêm cho chúng ta về thảm kịch ô nhiễm biển và đại dương toàn cầu hiện tại, mà nguyên nhân chủ yếu gây ra bởi nền văn hóa tiêu dùng hiện đại của chúng ta.

Những cái chết đến từ nhựa và nắp chai nhựa

Trên hai hòn đảo Kure và đảo Midway năm giữa vùng xoáy Thái Bình Dương. Những con chim hải âu ở đây thường nhầm lẫn những nắp chai nhựa và mảnh vụn nhựa là thức ăn của chúng. Nhiều con chim mẹ cũng nhầm lẫn nhựa là thức ăn mà vô tình mớm cho những con chim con đồ nhựa như nắp chai nhựa. Nhiều con chim con đã chết trước khi chúng kịp trưởng thành để cất cách trên bầu trời. 

Hàng trăm con chim nhỏ đang chết và con số không ngừng tăng lên hàng năm. Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp hàng trăm bức ảnh khác nhau của những chú chim đã chết với bụng đầy rác thải nhựa. Nhìn bức ảnh xác con chim hải âu con mới bốn tháng tuổi chết trên hòn đảo Midway thật là đau lòng. Bụng nó chứa toàn là nhựa và nhựa, phần lớn trong số đó là nắp chai nhựa, thậm chí có cả bật lửa, mồi câu mực bằng nhựa,... Giá như loài chim biết phân biệt được thức ăn và đồ nhựa thì tốt biết chừng nào. Nhiều loài chết do rác thải nhựa trước khi kịp trưởng thành, một tin sốc của các nhà khoa học mới đưa ra là có đến 40% rùa con chết vì rác thải nhựa [3].

Những con vật to lớn cũng có số phận không kém như những con chim hải âu. Năm 2016, người ta đã thấy xác chết của mười ba con cá nhà táng (một loại cá to lớn như cá voi) ở Đức với bụng chứa đầy rác thải nhựa [2]. Xác cá nhà táng cũng được tìm thấy ở thành phố Davao, Philippin [4] và nhiều nơi trên thế giới. Trong năm nay, người ta cũng đã phát hiện một con cá nhà táng chết ở bờ biển Cabo de Palos thuộc Murcia, Tây Ban Nha với bụng chứa đến 29 kg nhựa [5]. Một con cá voi hoa tiêu chết ở Thái Lan với bụng chứa đến 8 kg nhựa [6]. Cách đây chỉ mấy ngày thôi, một con cá nhà táng được tìm thấy đã chết ở vùng Sulawesi, Indonesia; người ta đã tìm thấy dép, túi nilon, chai và cốc nhựa trong bụng của nó với tổng khối lượng lên đến 5,9 kg [7]. Cũng có nhiều xác cá voi trôi dạt vào các bãi biển ở Việt Nam, tuy nhiên chưa thấy báo cáo nào đề cập đến rác thải nhựa trong dạ dày của chúng.

Bông ngoáy tai chứa thành phần nhựa nhìn thấy được bằng mắt trong bụng con sữa

Rác thải biển đang làm nguy hại hơn 800 loài, 40% động vật có vú ở biển và 44% các loài chim biển bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của các mảnh vụn ở biển và đại dương. Rác thải nhựa giết chết tới 1 triệu con chim biển, 100.000 động vật có vú biển, rùa biển và vô số cá mỗi năm [8]. Các động vật quý hiếm như rùa biển, hải cẩu, sư tử biển, cá voi, cá heo và chim biển rất dễ bị tổn thương do nguồn ô nhiễm rác thải nhựa ở biển. Rác thải nhựa vẫn còn trong hệ sinh thái của chúng ta trong nhiều năm, đe dọa hàng ngàn sinh vật biển mỗi ngày. Nếu như không có biện pháp ngăn ngừa thì đến năm 2050, lượng rác thải nhựa ở biển sẽ nhiều hơn cá ở biển.

Nhiều loài cá cần phải mổ xẻ để thấy được các mảnh nhựa, nhiều loài cần có dụng cụ phân tích trong phòng thí nghiệm để phát hiện ra các hạt vi nhựa nhưng cũng có những loài nhìn thấy được ngay bằng mắt thường như sữa biển. Nhựa đang đe dọa đại dương của chúng ta, nhựa đang đe dọa các loài sinh vật biển và nhựa đang de dọa chúng ta trên những đĩa thức ăn hải sản. 

Vậy thì ngay từ bây giờ bạn phải hành động đi thôi “Less plastic, please!”.

Tài liệu tham khảo

 

1. http://www.foresightusa.com/single-post/2014/08/25/Where-Does-Your-Trash-Go-

2. https://www.theinertia.com/environment/13-sperm-whales-found-dead-with-stomachs-full-of-plastic-trash/

3. https://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-6164019/Plastic-killing-40-baby-sea-turtles-shocking-research-reveals.html?fbclid=IwAR1HKDiisPDsntX9gRFklKwo6kvChHkyju_841GUqJmZi9Iiq0pxtfwnxTU

4. https://news.abs-cbn.com/news/12/20/16/plastic-kills-sperm-whale-in-davao

5. https://www.independent.co.uk/environment/plastic-pollution-killed-sperm-whale-dead-spain-beach-bags-blue-planet-a8293446.html

6. https://www.theguardian.com/environment/2018/jun/03/whale-dies-from-eating-more-than-80-plastic-bags

7. https://www.theguardian.com/environment/2018/nov/20/indonesia-dead-whale-had-1000-pieces-of-plastic-in-stomach

8. Factsheet: Marine pollution. The ocean conference. United nations, New York, 5-9 June 2017.

9. https://whatzviral.com/you-will-want-to-recycle-everything-after-seeing-these-photos/?fbclid=IwAR1cgSr3D-TF2cAXj6UFgR6NDWPIMBqKtc42_TNvei1Rim1HyKGkVOK6oGE

 

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 356