Khẳng định vai trò cảnh sát biển
Ông Nghĩa cho rằng, thực tiễn 20 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong quản lý, bảo vệ biển, đảo như: Thường xuyên hiện diện, tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia (điển hình như vụ HD 981 năm 2014); Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trong đó bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam; Tổ chức hàng trăm lượt tìm kiếm, cứu nạn hàng nghìn ngư dân trên biển. Bên cạnh đó CSBVN còn là đầu mối liên lạc thực hiện Hiệp định chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCAAP); Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cũng cho biết, hiện nay tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp khó lường liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh, trật tự, an toàn trên biển, có tác động trực tiếp đến vùng biển Việt Nam. CSBVN có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và là một trong những lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.
Theo ông Nghĩa, việc cho ý kiến lần thứ hai để vừa hoàn chỉnh Dự thảo Luật Cảnh sát biển và Quốc hội tiếp tục thông qua trong kỳ này. Trước hết Thường vụ Quốc hội đã làm việc với ban soạn thảo và một số cơ quan để rà soát lại các chương của luật, gửi ý kiến 63 đoàn ĐBQH, rà lại những phát biểu ĐBQH cả kỳ họp thứ 5, phối hợp với Ủy ban Quốc hội (Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề về xã hội và các ban liên quan) để xin ý kiến. Trên cơ sở đó và lắng nghe ý kiến thông qua giám sát, hội thảo của những người có kinh nghiệm, đặc biệt những lĩnh vực hoạt động trên biển, phối hợp các bộ ngành để huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ ngành. Vì lĩnh vực trên biển theo ông Nghĩa hiểu khá lớn, với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành. Đến nay, luật trình Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu, chỉnh lý, tập trung vào một số nội dung lớn.
Tăng cường phối hợp
Qua báo cáo thẩm tra, Thường vụ Quốc hội đã chủ yếu tập trung vào xác định địa vị pháp lý của cảnh sát biển, xác định rõ chức năng là lực lượng vũ trang, xác định 7 nhiệm vụ trong Luật Cảnh sát biển, phạm vi hoạt động của cảnh sát biển thì cũng có một số ý kiến ví dụ xác định rõ luôn ranh giới hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
“Đây là nội dung mà các đại biểu cần quan tâm, trong khi giải trình cũng xác định rõ vì vùng biển của chúng ta không những rộng, lớn mà còn có một số điểm chưa xác định rõ về biên giới trên biển do lịch sử để lại. Thứ hai, mỗi lực lượng như hải quân, biên phòng có những nhiệm vụ chức năng riêng, còn cảnh sát biển nhiệm vụ chủ yếu là thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của chúng ta, và cũng là lực lượng hợp tác quốc tế. Đấy chính là nội dung mà các lực lượng khác không thể đảm nhận được. Từ đó, chúng ta thấy được phạm vi, bảo đảm được các lực lượng để ngư dân có chỗ dựa, niềm tin, hoạt động trên vùng biển thuận lợi”- ông Nghĩa nói.
“Ngoài ra, một số nội dung ví dụ như đưa vào các chế độ chính sách, xây dựng lực lượng cảnh sát biển, xác định lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để tiến kịp với đảm bảo, thích ứng nhiệm vụ hiện nay trên vùng biển Việt Nam… tôi thấy lần này cơ bản được các đại biểu đồng tình”- ông Nghĩa nêu quan điểm.
Một số kỹ thuật luật pháp chúng ta cần phải tính, thảo luận như một số nội dung có đưa các cấp đặc thù, thành lập mới các đơn vị đào tạo cảnh sát biển… quan điểm của ông Nghĩa lĩnh vực nào của Chính phủ thì để Chính phủ trình. Hoặc những về đề gì liên quan đến phụ cấp thì luật pháp của Quân đội Nhân dân đã quy định. Có lẽ phải tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh sửa lần cuối để đảm bảo địa vị pháp lý cảnh sát biển – một lực lượng hết sức quan trọng hiện nay, bảo vệ quyền, chủ quyền trên biển Đông chúng ta.