Trước khi được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ vào cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông lần đầu tiên vào năm 2005 ở đảo Trường Sa Lớn, tôi chỉ nhìn thấy những mô hình cột mốc chủ quyền này trong khuôn viên Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và một số nơi khác trên đất liền.
Khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Cảm giác được đứng dưới chân, bên cạnh cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông thật lạ, vừa thiêng liêng vừa bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào. Thiêng liêng vì bởi để khẳng định được cột mốc chủ quyền của Tổ quốc ở nơi đầu sóng này đã có không ít máu xương, công sức của bao thế hệ cha anh đổ xuống. Tự hào vì được là một trong những người may mắn tận mắt nhìn thấy, được chạm tay vào cột mốc sừng sững hiên ngang với lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển Đông.
Không ai bảo ai, mọi người khi đến với Trường Sa, với các điểm đảo đều lưu lại ít nhất một bức ảnh bên những cột mốc chủ quyền. Và ấn tượng mạnh mẽ để lại trong lòng những người con dân nước Việt là tình yêu biển đảo, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc thiêng liêng trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ. Ai cũng chung tâm trạng bồi hồi, xúc động khi nhớ đến những tấm gương hy sinh anh dũng, thầm lặng của bao thế hệ tiền nhân đã không tiếc máu xương để giữ gìn toàn vẹn bờ cõi Tổ quốc; và càng cảm phục thế hệ chiến sĩ hôm nay đang ngày đêm chắc tay súng tiếp tục giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khác với trên đất liền, ở Trường Sa, hầu hết các hoạt động của quân và dân trên đảo đều diễn ra ở khu vực cột mốc chủ quyền, như: Chào cờ, ra quân huấn luyện, ký kết thi đua, giao lưu văn hóa, văn nghệ… “Hàng ngày, nhìn cột mốc chủ quyền sừng sững, uy nghiêm trên đảo phấp phới cờ đỏ sao vàng năm cánh, như nhắc nhở những người lính chúng tôi và mọi người dân của đảo càng phải có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi đầu sóng”, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân đại tá Bùi Đình Dương cho biết.
“Không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của quân dân trên đảo, bên cột mốc chủ quyền, những đêm trăng thanh gió mát, quân và dân trên đảo còn mang đàn ghi ta cùng nhau ca hát, ngân nga những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước…, nhất là về tình yêu người lính càng làm cho không khí trên đảo thêm rộn ràng, lãng mạn”, đại úy Lê Mạnh Cường, người gắn bó với đảo Nam Yết trong một thời gian dài chia sẻ.
Trên đảo Nam Yết và một số đảo lớn ở Trường Sa hiện vẫn còn lưu giữ dấu tích chủ quyền của Việt Nam - đó là những tấm bia đá chủ quyền được xây dựng từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Và nằm ngay trung tâm hòn đảo, Nhà văn hóa đảo Nam Yết có một bảo tàng thu nhỏ với những hiện vật khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. “Cột mốc chủ quyền” và những “địa chỉ đỏ” ở nơi đầu sóng ngọn gió này đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây thêm vững tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên đảo Nam Yết khẳng định.
Còn trên đảo Sơn Ca có một vườn hoa mang tên người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cùng bức tượng bằng đá của ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có một điều rất đặc biệt và thú vị là những viên gạch tại đây được thiết kế riêng, chỉ dùng để xây dựng các công trình mới trên các hòn đảo chủ quyền ở Trường Sa. Trên từng viên gạch đều in hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một lời khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cùng với vườn hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiện trên quần đảo Trường Sa còn có rất nhiều biểu tượng, công trình tượng trưng cho ý chí chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đảo Trường Sa Lớn; tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở đảo Song Tử Tây; chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca hay chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh... Những công trình này thực sự đã trở thành những cột mốc văn hóa quan trọng trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Trung tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Chúng tôi luôn quán triệt cán bộ chiến sĩ nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; giữ vững niềm tin, ý chí sắt đá bảo vệ, xây dựng đất nước trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, thực hiện tự vệ chính đáng của mình khi Tổ quốc bị xâm phạm”.
Cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây tọa lạc ở vĩ độ 11o25’55”N Kinh độ 114o18’00’’ E - Ảnh: XUÂN HIẾU
Những vọng gác canh giữ chủ quyền
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, cùng với xây dựng các công trình phòng thủ và các nhà giàn bảo vệ các bãi cạn ở thềm lục địa của Tổ quốc…, việc xây dựng các ngọn hải đăng cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc đánh dấu chủ quyền của Việt Nam trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện tại đã có 9 ngọn hải đăng gắn với tên của từng hòn đảo được xây dựng ở Trường Sa (3 đảo chìm và 6 đảo nổi) do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam quản lý. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế trên khu vực quần đảo Trường Sa, những ngọn hải đăng này được ví như những cột mốc, là những vọng gác canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hải đăng Song Tử Tây là ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng vào tháng 10/1993 bên cạnh các công trình quân sự, dân sinh trên đảo. Ngọn hải đăng này có chiều cao khoảng 36m, tầm chiếu xa khoảng 22 hải lý, chớp đơn với chu kỳ 15 giây. Trước khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, nhìn từ xa, hình ảnh một ngọn hải đăng có màu xám sẫm trải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách của thời gian và biển cả, sừng sững giữa màu xanh bao la của biển cả sẽ đập vào mắt của mọi người trước tiên.
Tiếp sau Hải đăng Song Tử Tây là Hải đăng Đá Lát được xây năm 1994 có chiều cao tháp đèn 42m, đặt trên đảo chìm Đá Lát, nằm ở vị trí cực tây quần đảo Trường Sa. Hải đăng này phát ánh sáng trắng, chu kỳ chớp 5 giây. Thân đèn có màu trắng - đỏ xen kẽ.
Hải đăng Đá Tây cũng được xây dựng năm 1994, nằm trên đảo chìm cùng tên. Ngọn “đèn biển” này có thân màu xám sẫm. Chiều cao tháp đèn là 20m, tâm sáng 22m. Chu kỳ chớp 10 giây.
Hải đăng An Bang có tháp hình trụ màu xám sẫm, chiều cao tháp đèn là 24,9m, được xây dựng năm 1995. Hải đăng có tác dụng chỉ vị trí đảo An Bang, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí. Đèn phát ánh sáng trắng, mỗi chu kỳ chớp kéo dài 10 giây.
Hải đăng Tiên Nữ được xây dựng năm 2000, với chiều cao tháp đèn 22,1m, thân đèn màu vàng chanh. Đèn có ánh sáng trắng, chu kỳ 10 giây.
Hải đăng Trường Sa Lớn được xây dựng năm 2009, có tầm hiệu lực 14,4 hải lý ban ngày và 18,5 hải lý ban đêm. Thân đèn màu vàng, tháp đèn cao 14,2m, tâm sáng 25m, phát ánh sáng trắng, chớp đơn với chu kỳ 10 giây.
Hải đăng Sơn Ca nằm trên đảo cùng tên, được xây dựng cùng năm với Hải đăng Trường Sa Lớn. Ngọn đèn biển này có tháp hình trụ màu vàng - đỏ, chiều cao tháp đèn là 28m. Đèn chớp trắng nhóm 2, chu kỳ 12 giây.
Hải đăng Sinh Tồn được xây dựng năm 2012 có tháp hình vuông màu vàng, chiều cao tháp đèn là 24,9m. Còn Hải đăng Nam Yết được xây dựng năm 2013, có thân màu trắng - đỏ - trắng, chiều cao tháp đèn là 24,9m, chu kỳ chớp 15 giây.
Ngư dân Đặng Cu Em (khu phố 4, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), thuyền trưởng tàu cá PY-90018TS, cho biết: “Bà con ngư dân chúng tôi thường xuyên vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa. Ban ngày thì nhìn vào hình dáng, chiều cao và màu sắc; còn ban đêm thì căn cứ vào chu kỳ chớp của đèn mà nhận ra đó là hải đăng nào. Những ngọn đèn biển này là người bạn đồng hành của bà con ngư dân, định hướng cho tàu thuyền hoạt động, góp phần khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.
Non sông Việt Nam là một dải thống nhất; biển, trời Việt Nam là một khối không thể tách rời. Bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một hành trình dài của cả dân tộc. Và một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương của dân tộc ta, đó chính là những công trình kỳ vĩ được dựng lên giữa biển khơi bao la. Mỗi công trình đều thể hiện bản lĩnh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc hành trình bảo vệ chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa, một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.