|
|
Chung tấm lòng vì tình yêu Trường Sa Ngày cập nhật 21/09/2018 | Ủng hộ chương trình “Xây dựng nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”. Ảnh: A.B |
Cùng với cả nước, khi nghe lời kêu gọi ủng hộ “Xây dựng nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” trên quần đảo Trường Sa nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Huế đã cùng nhau chung tay đóng góp. Dù ít, dù nhiều nhưng tấm lòng của người đóng góp luôn tâm niệm đó là trách nhiệm hướng về nơi đầu sóng ngọn gió, biên cương, chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Được phát động bởi UBMTTQ Việt Nam chương trình kêu gọi ngay lập tức đã nhận được sự lan tỏa. Trên địa bàn TP. Huế, UBMTTQ Việt Nam TP. Huế đã gửi thư kêu gọi đến các tổ chức, cá nhân và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Không những thế, nhiều cơ quan đơn vị xem đợt vận động này như một đợt sinh hoạt chính trị, tích cực vận động cán bộ, công chức, đảng viên... thể hiện lòng yêu nước bằng cách đóng góp ngày lương, ngày công lao động.
Theo UBMTTQ Việt Nam TP. Huế, chỉ trong ngày đầu phát động, đã nhận được sự ủng hộ 100% cán bộ tham gia như Thành ủy Huế, cũng có đơn vị cá nhân nắm thông tin chậm, dù đã quá thời hạn thu nhận như vẫn thiết tha đề nghị ban tổ chức tiếp nhận. Đặc biệt có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo, cảm động hơn là nhiều em thiếu nhi đã dành số tiền học bổng, đập ống tiết kiệm để đóng góp. Chỉ trong vòng một tháng, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang, người dân... trên địa bàn TP. Huế đã đóng góp được số tiền hơn 340 triệu đồng.
Đa số khi được hỏi đều cho biết, khi nhắc đến Trường Sa cảm thấy rất xúc động bởi từng đọc, xem rất nhiều hình ảnh, thước phim về nơi tiền tiêu Tổ quốc. Vì thế mà việc ủng hộ, đóng góp cũng như sự lan tỏa của chương trình diễn ra rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Điều này đã tạo ra sự chuyển biến rõ ràng trong nhận thức và tình cảm của mọi người dành cho biển đảo quê hương. Trong sự lan tỏa đó, có những em học sinh như Ngô Lê Hạnh Dung (Trường THPT chuyên Quốc Học) đã trích một phần tiền 200.000 đồng mà mình nhận được học bổng để ủng hộ, hay em Trần Hải Minh (Trường Tiểu học Lê Lợi) dùng 115.000 đồng tiền tiết kiệm để gửi đóng góp cho công trình.
Một góc Trường Sa - nơi chương trình “Xây dựng nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” sẽ được khởi công không lâu nữa. Ảnh: A.B
Tại buổi tổng kết chương trình “Xây dựng nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” trên quần đảo Trường Sa vào một ngày giữa tháng 9, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP. Huế cho biết, xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, cuộc vận động với ý nghĩa sâu sắc đã đi vào tâm tư tình cảm của người dân, đánh thức lòng tự tôn dân tộc, thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh với chủ quyền quốc gia trên từng tất đất, hải đảo. Trong đó, phải kể đến những phường có tỉ lệ người dân tham gia ủng hộ cao như Trường An, Phước Vĩnh, Vỹ Dạ, Tây Lộc, Thuận Hòa...
Bằng hành động tự giác, nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, đơn vị... đã gửi đến ban tiếp nhận không chỉ là vật chất, tiền bạc mà còn gửi gắm cả niềm tin vào sứ mệnh bảo vệ từng tất đất của Tổ quốc, thể hiện chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của mọi công dân Việt Nam.
Chương trình được phát động tại TP. Huế từ ngày 1 đến 31/8 đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của 81 tổ chức, cơ quan, đơn vị. Dự tính toàn bộ số tiền hơn 340 triệu sẽ đóng vào quỹ “Xây dựng nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Công trình sẽ là nơi tránh, trú bão cho ngư dân; nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo; có kết hợp với quốc phòng...
Dự kiến công trình do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thiết kế, thi công; có 3 tầng, trong đó có 1 tầng bán hầm và 3 tầng nổi. Thiết kế công trình thể hiện rõ biểu trưng của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, có bản sắc văn hóa, có công năng sinh hoạt tiện lợi, là nơi gặp gỡ, đón tiếp các đoàn từ đất liền ra, đồng thời kết hợp được cả công trình phòng thủ. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép, chịu được điều kiện khắc nghiệt trên đảo.
Vị trí xây dựng dự kiến xây ở các điểm đảo chìm, kết hợp với các công trình đã có thành cụm công trình đảo chìm trở thành nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nơi tránh trú bão của ngư dân. Nếu thuận lợi về thời tiết thì xây dựng trong 6-9 tháng.
Công trình này là sự kết nối không gian văn hóa giữa các dân tộc Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, giữa đất liền với hải đảo, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, quyết tâm của nhân dân Việt Nam về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia.
|
Theo baothuathienhue.vn Các tin khác
|
|
Lượt truy cập - trang truyền thông Truy câp tổng 985.492 Truy câp hiện tại 2.363
|