Thực tiễn quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam
Ngày cập nhật 11/09/2018

Cũng như các quốc gia có biển trong khu vực và trên thế giới, vùng bờ nước ta rộng lớn, trải hơn 3.200 km đường bờ biển và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, không chỉ là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế, mà còn là nơi có mật độ dân cư đông nhất cả nước, nơi hội tự của nhiều ngành kinh tế trọng yếu.

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, đa dạng về sinh học, sinh thái, giàu tài nguyên và các giá trị, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và vai trò quan trọng về vị thế quốc phòng - an ninh, vùng bờ nước ta đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức, gia tăng dân số,… Đặc biệt hơn, vùng biển ven bờ là khu vực chịu thiệt hại nặng nhất dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nước biển dâng. Lợi ích giữa việc sử dụng các tài nguyên biển vùng bờ của các nhóm đối tượng về kinh tế, du lịch, vận tải biển… luôn mâu thuẩn với hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các nhà quản lý, khoa học. Chínhvì vậy, quản lý tổng hợp vùng bờ đã được áp dụng, nhằm giải quyết xung đột về lợi ích giữa các bên liên quan.

Quản lý tổng hợp vùng bờ là một cách tiếp cận đa ngành, đòi hỏi cần phải quản lý hiệu quả hệ sinh thái và phối hợp huy động sự tham gia,đóng góp của tất cả các bên liên quan.

QLTHVB, đã được bắt đầu từ khá sớm ở Hoa Kỳ (1972) cùng với việc nước này ban hành Bộ luật quản lý vùng bờ. Đến năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Môi trường và Phát triển (Rio de Janeiro) QLTHVB mới được chính thức đưa vào Chương 17 của Chương trình Nghị sự 21 (Agenda – 21) và khuyến khích các quốc gia trên thế giới áp dụng. QLTHVB đòi hỏi cách tiếp cận mới, liên ngành và mức độ thống nhất hành động cao giữa các bên liên quan (stakeholders) và giữa cộng đồng với Chính phủ. QLTHVB còn là một quá trình phát triển liên tục nhằm đạt được sự phát triển bền vững, bao gồm đánh giá toàn diện, xây dựng mục tiêu, quy hoạch và quản lý hệ thống ven bờ biển và tài nguyên -môi trường, có xét đến các yếu tố truyền thống, văn hoá, lịch sử và mâu thuẫn lợi ích sử dụng.

Sau gần bốn thập kỷ, QLTHVB đã thu được những kết quả nhất định và một số nước đã đạt được kết quả tốt ở quy mô quốc gia, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được tài nguyên và môi trường như Thụy Điển, Singgapo. Ở Đông Nam Á, Philipines là nước đi đầu trong việc áp dụng phương thức quản lý này, tiếp đó là Hạ Môn (Trung Quốc).

Ở Việt Nam, tiếp cận QLTHVB đến nay đã gần 20 năm, kể từ khi thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng phương án quản lý tổng hợp vùng bờ biển Việt Nam góp phần đảm bảo an toàn môi trường và phát triển bền vững” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện giai đoạn 1996-1999. Một số dự án điểm sau đó đã được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của một số nước và tổ chức quốc tế, như: Dự án tại Đà Nẵng  từ năm 2000 đến 2006 trong khuôn khổ chương trình khu vực về quản lý môi trường các biển Đông Á. Dự án Việt Nam - Hà Lan về QLTHVB Việt Nam giai đoạn 2000-2006 thực hiện ở ba điểm trình diễn gồm ­Nam Định, Thừa Thiên - Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu.v.v.v

Cùng với những hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như PEMSEA, GIZ…, và sự nỗ lực của Chính phủ và các cấp các ngành của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) về QLTHVB bằng việc thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, pháp luật.

Quản lý tổng hợp vùng bờ được thực hiện thông qua một số  công cụ như  chính sách và tổ chức quản lý (bao gồm Cơ chế điều phối đa ngành, Chiến lược/KHHĐ QLTHVB, phân vùng sử dụng/quy hoạch vùng bờ…); nhóm công cụ giám sát đánh giá (lập báo cáo hiện trạng vùng bờ, hệ thống quản lý thông tin tổng hợp; đánh giá tính dễ bị tổn thương, đánh giá rủi ro môi trường, chương trình quan trắc môi trường tổng hợp), các công cụ truyền thông và nâng cao nhận thức và công cụ tài chính (Cơ chế tài chính bền vững). Việt Nam đã và đang từng bước áp dụng các công cụ này vào thực tiễn QLTHVB và đã đạt được một số kết quả nhất định. Về cơ cấu tổ chức, ở cấp trung ương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã được thành lập 10 năm; ở cấp địa phương, đến nay đã có 25/28 tỉnh ven biển thành lập Chi cục Biển và Hải đảo(gồm Nghệ An, Tiền Giang và Tp. Hồ Chí Minh). Về chính sách, pháp luật, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành. Tiếp theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9 tháng 10 năm 2007 phê duyệt “Chương trình Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” là cơ sở cho việc triển khai QLTHVB chính thức ở Việt Nam, hàng loạt các văn bản mới ban hành như Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược được phê duyệt tại Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2016; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thông qua vào tháng 07/2015; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/ 2017 về lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Việc Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật quy hoạch đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp tổng thể trong tổ chức không gian lãnh thổ ở các cấp độ khác nhau. Theo Luật quy hoạch, quy hoạch không gian biển là quy hoạch cấp quốc gia, do Chính phủ tổ chức lập và trình Quốc hội phê duyệt. Nội dung của quy hoạch không gian biển bao gồm việc “định hướng bố trí sử dụng không gian các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đây được xem là công cụ quan trọng, cần thiết để thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ hiệu quả, là định hướng và tổ chức không gian cho việc khai thác, sử dụng các tài nguyên trong vùng bờ trong phạm vi vùng đất ven biển thuộc các huyện, xã ven biển và vùng nước ven biển cách bờ 6 hải lý, từ đó nhằm bảo đảm tính tổng thể, sự hài hòa về lợi ích giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, việc triển khai QLTHVB trên thực tế ở nước ta gặp nhiều khó khăn chủ yếu do sự phân bổ không hợp lý về nguồn lực cho thực hiện QLTHVB; công tác điều phối QLTHVB ở cấp quốc gia/địa phương chưa hiệu quả; chưa có sự liên kết các giữa các sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; thiếu nguồn tài chính bền vững (từ trung đến dài hạn) và sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên quan; thời điểm tiến hành và sự cam kết của chính quyền. Những hạn chế trong việc triển khai áp dụng phương thức QLTHVB hiện nay ở Việt Nam là:

·  Chưa quy hoạch, phân vùng sử dụng tài nguyên và không gian vùng bờ: Dẫn đến nảy sinh nhiều xung đột, mẫu thuẫn về lợi ích trong việc khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên vùng bờ giữa các ngành và địa phương.

·  Thiếu hiểu biết về khái niệm và cách tiếp cận mới trong quản lý tài nguyên biển, cụ thể là phương thức QLTH và quy hoạch không gian biển. Phương thức quản lý tổng hợp vẫn đang còn là những vấn đề ‘mới’ đối với các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách Việt Nam. Các địa phương chưa triển khai thống nhất, đồng bộ QLTHVB, do thiếu hướng dẫn cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

·  Năng lực hạn chế: Đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay thiếu kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tạo ra sự thay đổi hiệu quả. Phần lớn cán bộ chưa được đào tạo một cách quy củ, bài bản về các kỹ năng, phương pháp, các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực quản lý mới này.Vẫn còn thiếu sự định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện từ phía trung ương (từ các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia kỹ thuật). Sự dè dặt tham gia của lãnh đạo kể cả cấp Trung ương và địa phương cũng có thể làm giới hạn thành công của việc áp dụng phương thức quản lý mới.

·  Thiếu các nguồn thông tin, dữ liệu cần thiết: Nguồn thông tin cần thiết, hỗ trợ cho QLTHVB rất phong phú. Tuy nhiên các nguồn thông tin, dữ liệu này còn phân tán tại nhiều cơ quan quản lý. Nhiều thông tin, dữ liệu chưa đạt được độ tin cậy và chưa được hệ thống hóa. Thiếu các cơ chế chia sẻ và tiếp cận nguồn thông tin.

·  Thiếu nguồn tài chính bền vững để triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp trung ương xuống địa phương và giữa các địa phương ven biển còn hạn hẹp và thiếu tập trung.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Ở Việt Nam, QLTHVB đang ngày càng được quan tâm, chấp nhận và áp dụng vào thực tế để trở thành một giải pháp hiệu quả cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và bờ. Những kết quả bước đầu thu được khi áp dụng các mô hình quản lý tổng hợp tại các địa phương rất đáng khích lệ. Đây chính là bước khởi động cơ sở để mô hình này nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo, cộng đồng dân cư và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, việc nhân rộng và vận hành một mô hình quản lý dù đã được chứng minh qua thực tiễn mở ra cơ hội lớn cũng như thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Để triển khai thành công QLTHVB ở Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết đồng thời các vấn đề sau:

·        Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế liên quan tới QLTHVB.

·        Tăng cường năng lực: Năng lực điều phối của các cơ quan trung ương và năng lực thực hiện tại các địa phương.

·        Đa dạng hóa các nguồn tài chính cho QLTHVB, đảm bảo nguồn tài chính ổn định và có kế hoạch.

·        Đánh giá, rút ra kinh nghiệm và bài học cụ thể làm cơ sở cho việc mở rộng phạm vi.

·        Khuyến khích các cơ quan khoa học-kỹ thuật, trường học, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội cũng như cộng đồng dân cư ven biển… tham gia rộng rãi vào quá trình QLTHVB với một cơ chế làm việc mềm dẻo, linh hoạt nhưng thống nhất, làm cơ sở cho việc hình thành mạng lưới tư vấn hiệu quả bởi các vấn đề quan tâm được xem xét từ nhiều góc độ.

·    Nâng cao nhận thức về giá trị của tài nguyên vùng bờ và nhu cầu quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên thiên nhiên ở đới bờ theo hướng bền vững là cơ sở để tiếp thu và áp dụng QLTHVB vào thực tiễn; nâng cao nhận thức cần được thực hiện cho tất cả các bên liên quan, bao gồm các cấp ra quyết định, các nhà quản lý, các khu vực kinh tế và cộng đồng dân cư.

·    Chia sẻ thông tin, bài học và kinh nghiệm thực tế tốt về QLTHVB ở các nước trong khu vực và ở Việt Nam. Tổ chức các chuyến học tập trao đổi kinh nghiệm tại các điểm trình diễn về QLTHVB cho cán bộ lãnh đạo địa phương và các đợt khảo sát, tập huấn cho cán bộ về kinh nghiệm thực hành QLTHVB ở các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng.

 

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 2.486