Vượt sóng dữ, xác lập chủ quyền
Theo tư liệu tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa tại Lý Sơn, ngay từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thanh niên 2 làng An Vinh, An Hải của huyện đảo này được kêu gọi tham gia Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (tức Trường Sa). Mỗi năm, triều đình cử 70 người giỏi nghề biển ra khơi vào tháng 2 tại cửa biển Sa Kỳ và trở về vào tháng 8 tại thành Phú Xuân - Huế. Qua thời gian, bất chấp gian lao, sóng gió, nhiều thế hệ lính Hoàng Sa vượt biển khai thác sản vật quý, thu lượm của cải từ tàu thuyền bị đắm và quan trọng nhất là đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc và dựng bia xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thuở ấy, hành trang của những người lính chỉ gồm đôi chiếu cói, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây cùng thẻ bài có khắc tên họ, quê quán. Mỗi đội gồm 5 thuyền câu, dong buồm 3 ngày, 3 đêm thì đến Hoàng Sa.
Biển khơi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy trong khi phương tiện thời bấy giờ rất thô sơ, không đủ khả năng chống chọi trước giông bão. Do đó, chiếu mang theo để lót nằm nhưng chẳng may có chuyện bất trắc thì sẽ dùng bó xác, nẹp bằng tre, dùng dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Nếu xác trôi vào đất liền, nhìn vào thẻ bài thì có thể biết được danh tính. Thế nên, dân gian có câu ca dao: “Hoàng Sa trời bể mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về” hay xót xa hơn: "Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây".
Qua thời gian, rất nhiều lính Hoàng Sa “không thấy về”, mộ gió trên đảo Lý Sơn ngày một nhiều thêm. Dưới lớp cát trắng của những nấm mộ này là hình nhân được chiêu hồn tử sĩ, làm từ đất sét và cây dâu. Suốt 400 năm qua, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, ngư dân trên đảo lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nhớ ơn những hùng binh mở cõi và sưởi ấm vong linh người bỏ mạng ngoài khơi.
Công lao của Hải đội Hoàng Sa góp phần quan trọng trong việc thu thập tư liệu thực hiện bản đồ lãnh thổ, trong đó, phải kể đến Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ theo lệnh vua Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838. Ngoài thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa tại các bản đồ của nhiều triều đại trước có từ thế kỷ XVI thì với bản đồ này, vị trí núi, sông, biển, đảo thuộc lãnh thổ, lãnh hải nước ta có tọa độ địa lý gần chính xác như hiện nay, bao gồm 2 địa danh Hoàng Sa, Trường Sa; chứng tỏ nhà Nguyễn thể hiện rõ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo trên.
Tri ân hải đội có công xác lập chủ quyền, các vua nhà Nguyễn ban sắc truy phong Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và những người lính là “Hùng binh Hoàng Sa”.
Bảo tàng giữa trùng khơi
Tại nơi đội hùng binh năm xưa ra khơi mở cõi, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được xây dựng để thế hệ hôm nay hiểu, cảm phục và trân trọng sự hy sinh của tiền nhân. Nơi đây tập trung gần như đầy đủ tư liệu, hình ảnh có giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Công trình có diện tích khoảng 400m2, được khánh thành vào năm 2010, trưng bày hơn 100 hiện vật về Hải đội Hoàng Sa cùng nhiều bản đồ, tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là tượng đài đội Hoàng Sa hiên ngang, thể hiện ý chí kiên cường của những người con đất Việt trong hành trình chinh phục biển Đông. Tượng gồm 3 vị: Đứng giữa là Cai đội với một tay chỉ thẳng hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ “Vạn lý Hoàng Sa”; 2 người lính thì 1 người cầm giáo, mặc quân phục, làm nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi; người còn lại vác lưới trên vai tượng trưng cho việc đánh bắt ngoài khơi. Phía sau tượng đài có dòng chữ trong chiếu chỉ của vua Minh Mạng vào năm 1836: Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu (nghĩa là cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu).
Các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử tại nhà trưng bày
Tại đây, khách tham quan có thể tìm hiểu những hiện vật, tư liệu sống động như ghe câu đưa binh phu ra biển; chiếu cói, dây mây, nẹp tre bó xác; linh vị Cai đội, Chánh đội thủy quân, suất đội và thủy thủ đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hình ảnh 2 quần đảo trên các bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền;... Những thông tin, chứng cứ lịch sử tại nhà trưng bày góp phần khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Hàng trăm năm trước, trên hòn đảo nhỏ bé giữa biển trời mênh mông này, từng có bao cuộc đưa tiễn kẻ ở - người đi, không hẹn ngày về vì non sông, bờ cõi. Không chỉ riêng nhà trưng bày, trên hòn đảo này còn rất nhiều dấu ấn lịch sử gắn liền với đội Hoàng Sa Bắc Hải. Mỗi ngọn núi, hòn đá, rạn san hô,... nơi đây như cũng lưu giữ ký ức về hải đội kiêu hùng. Do đó, du lịch Lý Sơn không chỉ để thưởng ngoạn thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa địa phương mà một khi đặt chân lên huyện đảo này, nhất định phải đến Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Khi hiểu được những gian lao cha ông ta nếm trải thuở vượt trùng khơi mở cõi, ta càng tự hào, thêm yêu biển, đảo quê hương./.