Từ công viên Trường Sa...
Trong gió trời hanh nhẹ của những ngày đầu xuân, chúng tôi đến Viện Hải dương học. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, chúng tôi háo hức khám phá công viên Trường Sa đặt tại đây.
|
Trên bờ biển dài khoảng 300m, nằm phía đông của viện, công viên Trường Sa hiện lên với nhiều cảnh vật, mô hình được sắp đặt hài hòa thể hiện được phần nào hình ảnh, sức sống ở quần đảo Trường Sa. Ngay trên con đường dẫn xuống công viên, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là mô hình cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa nổi bật với hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh trên nền gạch màu đỏ. Cạnh đó là cây bàng vuông cao quá đầu, lá xanh mướt được các nhà khoa học đem về từ quần đảo Trường Sa. Chạm vào từng chiếc lá, thân cây, chúng tôi như chạm vào cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trên đảo.
Bước xuống công viên, trên bờ cát thoai thoải hình cánh cung, chúng tôi lặng đi khi dọc bờ biển là 4 viên đá san hô được đặt trên những phiến đá mô phỏng những ngọn sóng. Đây là những mảng san hô lấy từ các đảo: Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn, Nam Yết có khắc hình cột mốc chủ quyền của từng đảo do UBND huyện đảo Trường Sa và Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân tặng Bảo tàng Viện Hải dương học năm 2013.
|
Ấn tượng nhất ở công viên là bản đồ địa hình đáy quần đảo Trường Sa (theo mô hình 3D) giả đá cao hơn 2,5m, rộng khoảng 2m. Bản đồ thể hiện chi tiết từng vị trí, độ sâu của đảo lớn, đảo nhỏ, các bãi cạn, đồi ngầm. Nhìn vào bản đồ, người xem hình dung rõ 3 cụm đảo Trường Sa gồm, phía bắc với các đảo và bãi đá: Song Tử, Thị Tứ, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn...; phía đông và đông nam gồm: Bình Nguyên, Vĩnh Viễn, Vành Khăn, Tốc Tan, Phan Vinh...; phía nam và tây nam là Đá Lát, Trường Sa lớn, An Bang, Thuyền Chài...
Thạc sĩ Phạm Bá Trung - Phòng Địa chất - Địa mạo biển, Viện Hải dương học, người thiết kế chính tấm bản đồ cho biết, phải mất 2 tháng anh mới hoàn thiện được bản đồ trên máy tính. Khi đưa cho thợ làm, anh phải giám sát từng chút, bởi nếu thợ làm sai người xem sẽ hình dung không chính xác về Trường Sa. “Cái khó của việc tạo bản đồ chính là số liệu không đầy đủ. Tôi phải thu thập các số liệu trong các chuyến đi khảo sát, nghiên cứu của viện nhiều năm, trên cơ sở đó mới có thể thành lập được bản đồ. Điểm đặc biệt của bản đồ là khi quan sát, người xem có thể hình dung các đảo được hình thành từ nhiều độ sâu khác nhau, có đảo sâu hơn 4.000m; thấy được đảo Gạc Ma - nơi các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc”, anh Trung chia sẻ.
Bạn Nguyễn Hải Dương - sinh viên Trường Đại học Nha Trang xúc động: “Đây là lần đầu tiên em được xem bản đồ địa hình đáy biển 3D về Trường Sa. Tấm bản đồ như bức tranh thu nhỏ, sinh động giúp du khách, nhất là học sinh, sinh viên có kiến thức tổng quát về Trường Sa”.
… đến khu trưng bày
Không chỉ có công viên Trường Sa, tại Viện Hải dương học còn có khu trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.
|
Được bố trí nằm ở đường hầm ăn sâu vào lòng núi, giáp với Khu du lịch Bảo Đại, ở bên ngoài khu trưng bày là tấm bản đồ về huyện Trường Sa được ghép từ những hạt cà phê do Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang thực hiện. Với kích thước 18m2, trọng lượng nặng 600kg, do 200 người ghép thành, năm 2011, bản đồ này đã đạt được kỷ lục là bản đồ ghép bằng hạt cà phê lớn nhất và có đông người ghép nhất ở Việt Nam.
Đón du khách từ những bước chân đầu tiên ngay khi bước vào đường hầm là mẫu vật con trai khổng lồ dài gần 1m, nặng 145kg, thu được ở vùng biển Trường Sa vào tháng 4-1991. Kế đến là những quần thể hệ thống hồ nuôi sinh vật biển sống đẹp sặc sỡ với các loại động vật giáp xác, họ loài cá, động vật thân mềm, rạn san hô… được đưa về từ Trường Sa, Hoàng Sa. Đặc biệt là loài cá Demo (khoang cổ), được Viện Hải dương học đem về cho sinh sản nhân tạo. Khám phá hết vẻ đẹp của quần thể sinh vật biển sống, du khách còn được chiêm ngưỡng các mẫu sinh vật chết rất quý hiếm thu được ở 2 quần đảo trong những lần đi thực địa, nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài như: cá thu, cá mặt trăng, cá mập, cá giống sam, ốc xà cừ, ốc gai trắng, ốc kim khôi, các loài san hô… Ngoài ra, khu trưng bày còn giới thiệu rất nhiều mẫu địa chất biển được lấy từ 2 quần đảo trên trong những chuyến điều tra, khảo sát. Trong đó nổi bật là bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989. Chị Mokretcova Nina - du khách Nga cho biết: “Trên các phương tiện truyền thông, tôi có nghe nói về Hoàng Sa và Trường Sa. Khi tới Viện Hải dương học, tôi có tham quan khu trưng bày và công viên Trường Sa, nghe hướng dẫn viên thuyết trình, tôi được hiểu thêm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 hòn đảo này”.
|
Khu trưng bày còn có nhiều ấn phẩm tiêu biểu bằng sách báo, tạp chí, ảnh chụp, ảnh vẽ và bản đồ nghiên cứu, khảo sát, đo đạc và xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo đã công bố trong nước và ngoài nước của Việt Nam; các tài liệu, tư liệu lịch sử về các đợt nghiên cứu, khảo sát khoa học tại 2 quần đảo này...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, hơn 95 năm qua, những đợt khảo sát, nghiên cứu của viện đã và đang góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với đó, nhiều năm nay, bảo tàng của viện đã trưng bày rất nhiều mẫu vật của 2 quần đảo. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều người biết đến. Vì thế, để giúp du khách hiểu rõ hơn các giá trị kinh tế, tài nguyên biển đảo, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng... của hai quần đảo, tháng 9-2017, viện xây dựng thêm công viên Trường Sa. “Hiện nay, viện vẫn có nhiều hoạt động, dự án thu nhập thêm các mẫu vật về Trường Sa và Hoàng Sa. Dự kiến năm 2018, viện sẽ khánh thành tòa nhà 4 tầng, trong đó sẽ đưa toàn bộ các mẫu vật, tài liệu về Trường Sa và Hoàng Sa ở khu trưng bày về tòa nhà này. Mong rằng tất cả du khách đến với nơi này sẽ ấm lòng hơn vì Hoàng Sa, Trường Sa không còn là hình ảnh xa xôi mà lúc nào cũng gần gũi trong vòng tay của chúng ta”, ông Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
Ngồi giữa công viên Trường Sa, chúng tôi bỗng nghe vang vọng đâu đó bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Phải, Trường Sa không hề xa, các nhà khoa học đã và sẽ tiếp tục mang sức sống của Trường Sa về trong lòng thành phố.