Giới thiệu sách “An ninh môi trường và hòa bình ở biển Đông”
Ngày cập nhật 15/08/2018

 

“An ninh môi trường và hòa bình ở biển Đông” của Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chủ biên, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.

 

Biển Đông luôn chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng đối với khu vực và thế giới, chứa đựng các lợi ích không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt, đây là nơi tích tụ các lợi ích “vốn có” đối với các nguồn tài nguyên và giá trị môi trường, sinh thái biển; đối với tự do hàng hải, hàng không trong, qua và trên Biển Đông. Chính vì thế, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước, đặc biệt là các nước lớn trong lịch sử, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển; an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không.

Trong những năm gần đây, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã leo thang ở Biển Đông, làm gia tăng sự căng thẳng, ảnh hưởng đến lợi ích nhiều mặt của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Bên cạnh các nguy cơ xung đột, khu vực biển này hàng ngày phải đối mặt với những thách thức “an ninh phi truyền thống” (non-traditional security), như: cướp biển, thiên tai, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, v.v… 

An ninh môi trường Biển Đông là một dạng an ninh phi truyền thống và đã trở thành một bộ phận của an ninh biển (an ninh quốc gia, an ninh khu vực và toàn cầu). An ninh môi trường ở Biển Đông liên quan đến sự sống còn, đến sự phát triển và bảo đảm an ninh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Các nguồn tài nguyên và môi trường Biển Đông và vùng bờ của Việt Nam có tầm quan trọng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 50% dân số sống ở 28 tỉnh ven biển và khoảng 30% dân số sống ở 115 huyện ven biển và 14 huyện đảo của nước ta. 

Mục đích của cuốn sách là góp thêm thông tin về mối quan hệ và tính liên kết của các vấn đề môi trường, tài nguyên với các căng thẳng và xung đột ở Biển Đông. Trên cơ sở đó, bàn luận về cách tiếp cận và giải pháp đảm bảo an ninh môi trường và các nguồn tài nguyên trong bối cảnh mới ở Biển Đông. Đồng thời, góp phần tuyên truyền thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn 2016-2030 về “Bảo tồn và sử dụng lâu bền đại dương, biển và tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững”.

Nội dung của cuốn sách được kết cấu gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Biển Đông và các lợi ích cơ bản. Trong phần này, các tác giả đi sâu trình bày đặc trưng môi trường tự nhiên và hệ thống các đảo trên Biển Đông; vị thế trọng yếu của Biển Đông; các lợi thế tĩnh của Biển Đông; vấn đề khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Chương 2: Căng thẳng về chủ quyền. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích các lợi ích đan xen ở Biển Đông và tham vọng của các nước lớn; vai trò trung tâm của ASEAN ở Biển Đông; vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông; cục diện Biển Đông liệu có thay đổi gì hay không?

Chương 3: An ninh môi trường Biển Đông. Trong chương này, các tác giả đưa ra quan niệm và phân tích các vấn đề an ninh môi trường biển; vấn đề an ninh môi trường và phát triển bền vững biển; các vấn đề chung về an ninh môi trường Biển Đông; nguy cơ hủy hoại các hệ thống rạn san hô giữa Biển Đông; tranh chấp ngư trường trong Biển Đông; thiên tai và sự cố môi trường biển; các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong Biển Đông.

Chương 4: Bảo đảm an ninh môi trường vì một Biển Đông “xanh”. Phần này, các tác giả đã nêu lên một thông điệp mới cho hòa bình đó là Biển Đông xanh; phân tích phán quyết môi trường trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; các thể chế hợp tác về môi trường Biển Đông hiện nay. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra định hướng giải pháp quản trị an ninh môi trường Biển Đông; tiếp cận “ngoại giao khoa học biển” vì hòa bình ở Biển Đông.

Cuốn sách là tài liệu thực sự hữu ích, xin giới thiệu tới bạn đọc.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 625