Sau nhiều ngày neo đậu tránh áp thấp, cuối cùng tàu HQ 571 cũng được lệnh nhổ neo đến với Nam Yết. Từ đảo Sơn Ca, bắt đầu lúc 14 giờ, con tàu xuôi dòng xuôi gió hơn 2 tiếng sau là đến nơi nhưng phải neo lại 1 đêm chờ trời sáng. Trưởng đoàn thông báo qua hệ thống loa trên tàu: “Để bảo đảm an toàn, sáng mai xuồng đưa bộ đội lên đảo trước, tiếp đó là lương thực, thực phẩm, hàng hóa các loại. Anh chị em các báo, đài lên đảo sau cùng. (Khác với những lần trước, bao giờ báo chí cũng được “ưu tiên” lên đảo trước - PV). Thời gian ở lại trên đảo là 2 ngày 1 đêm”.
Bát ngát dừa xanh
Khi bình minh dần ló dạng, mọi người cùng lên boong tàu cũng là lúc hòn đảo dần dần hiện lên giữa bạt ngàn sóng vỗ. Nhìn từ xa, Nam Yết như một dải lụa xanh nổi lên trên mặt biển. Đảo có dạng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo trục đông - tây với chiều dài khoảng 650m, chiều rộng khoảng 200m. Xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng. Bên ngoài bờ đảo là bãi cát vụn san hô. Là một phần của một rạn san hô vòng lớn nên mặt ngoài (phía nam) của Nam Yết rất dốc và sâu, trong khi mặt trong (phía bắc, hướng vào vụng biển) thì thoải đều và nông.
Sau khi điểm tâm sáng, mọi người trên tàu lần lượt xuống xuồng lên đảo theo kế hoạch ban đầu. Chỗ ở của “khách đất liền” được bộ đội bố trí chẳng kém gì… ở khách sạn, thậm chí còn “sang” hơn vì được hưởng trọn những ngọn gió biển trong lành, mát rượi. Và ai cũng bất ngờ trước phong cảnh nên thơ, ngập tràn màu xanh ở nơi ngàn trùng này.
Đảo trưởng, trung tá Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nam Yết cách bán đảo Cam Ranh khoảng 326 hải lý về phía đông nam, nếu tàu chạy liền một mạch thì mất khoảng 48 tiếng là đến nơi. Nhưng trước khi đến đảo này, tàu thường ghé Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca trước.
Nói về màu xanh “diệu kỳ” và cái tên “đảo dừa” của Nam Yết, người sĩ quan chỉ huy có thâm niên 7 năm ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa này cho biết: Đây là cả một quá trình lao động miệt mài của bao thế hệ quân và dân trên đảo, với sự đầu tư, quan tâm hỗ trợ rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước.
“Đảo này không có nước ngọt. Lớp cát mặt và lớp đá vôi san hô không có khả năng giữ nước nên sau mỗi trận mưa nước ngấm dần ra biển. Để giữ nước đủ cho sinh hoạt quanh năm, bộ đội phải xây bể chứa. Phần lớn lượng mưa trút xuống đảo đều được giữ lại bởi hệ thống bể chứa này, vừa dùng cho nấu ăn, tắm giặt hàng ngày và để tưới cây. Trước đây, khi chưa có hệ thống bể chứa, để giữ màu xanh trên đảo, bộ đội phải chắt chiu từng giọt nước ngọt, thậm chí nhường cả phần nước sinh hoạt của mình để tưới cho cây”, Đảo trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết.
Đảo Nam Yết có diện dích hơn 10ha thì cây xanh chiếm tới hơn 2/3 diện tích. Đảo có ngọn hải đăng, trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần, đảm bảo nơi ăn ở, sinh hoạt cho bộ đội và người dân trên đảo. Bên cạnh những loại cây quen thuộc của đảo xa như phong ba, bão táp, bàng vuông…, dừa ở đây chiếm đa số với nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Dừa có mặt khắp đảo, mọc thành rừng, sai trái và nhiều nước.
Dọc các đường đi lối lại trên đảo, dừa đứng thành từng hàng thẳng tắp. Dừa xuất hiện và sống trên đảo đã từ lâu nên nhiều cây thân to, sần sùi và cao chót vót. “Trên đảo có vườn ươm dừa và nhiều loại cây khác. Hàng năm, đảo đều tổ chức ngày hội trồng dừa vào dịp Tết Nguyên đán gắn với Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Ngoài ra, đơn vị còn phát động phong trào toàn đảo thi đua xây dựng “đảo xanh, sạch, đẹp”. Theo đó, mỗi cán bộ chiến sĩ phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ từ 5-10 cây xanh, trong đó có dừa”, trung tá Chính trị viên Phó đảo Nam Yết Ngô Văn Xô cho biết thêm.
Đưa chúng tôi đi quanh đảo, thượng úy Đỗ Văn Đoàn (quê Hải Phòng) người có 6 năm ở đảo, trong đó có 4 năm ở “đảo dừa” tâm sự: “Chúng tôi xác định mỗi cây xanh trên đảo như một người bạn nên luôn dành thời gian để chăm sóc, đặc biệt là cây dừa - hình ảnh của làng quê Việt Nam. Giữ màu xanh trên đảo cũng là giữ sự sống và môi trường biển trong lành”.
Đối với quân và dân trên đảo, những sản phẩm từ dừa được sử dụng vào nhiều việc. Lá dừa được dùng để lợp chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Sọ dừa khô làm gáo múc nước hay gắn thêm ốc biển làm thành những hộp quà nho nhỏ gửi về tặng đất liền… Đặc biệt, dừa Nam Yết rất nhiều nước, có vị ngọt thanh rất đặc trưng. Bước chân lên đảo mà được bộ đội mời ly nước dừa thì không có loại nước giải khát nào bằng.
Khu bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam
Theo số liệu thống kê, trên vùng biển Trường Sa có khoảng 382 loài san hô cứng thuộc 70 giống, 15 họ đã được tìm thấy. Đây là nơi có số loài san hô khá cao, ngang bằng với số lượng loài phát hiện được trên toàn dải ven biển Việt Nam và bằng khoảng một nửa số loại san hô trên toàn thế giới.
Trong đó, vùng biển Nam Yết có 246 loài san hô, được đánh giá là nơi phong phú nhất về thành phần loài san hô và xuất hiện cả san hô đỏ vô cùng quý hiếm. Vùng biển này còn sở hữu 492 loài thực vật và động vật phù du, 86 loài rong, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, nhiều loài rùa biển… cùng các loài sinh vật biển quý hiếm như bào ngư, tôm hùm, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, vích, đồi mồi...
Bãi cỏ biển có diện tích 10ha, gồm hai loài: cỏ bò biển (Thalassia hemprichii) và cỏ xoan (Halophila ovalis). Trên cạn có 19 loài thực vật như dừa, mù u, bàng vuông, phong ba... và 10 loài chim biển, trong đó có những loài không thể tìm thấy ở đâu khác tại Việt Nam, như hải âu mặt trắng, chim điên bụng trắng, chim điên chân đỏ...
Thảm thực vật trên đảo tuy nghèo nàn nhưng hệ cây thân gỗ phát triển khá tốt nhờ đất cát có trộn lẫn phân chim giúp rễ cây có điều kiện phát triển. Đặc biệt, trên đảo Nam Yết có cây bàng vuông 8 nhánh tuổi thọ hơn 300 năm, cao 15m, được công nhận là “Cây di sản” và nhiều cây cổ thụ khác có tuổi thọ hàng chục đến hàng trăm năm. Những cây cổ thụ này có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, sinh học, cảnh quan môi trường, là “nhân chứng” khẳng định chủ quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết: Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 742/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo phụ lục I “Danh sách các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2015” đính kèm quyết định này, Khu bảo tồn biển Nam Yết, bao gồm đảo Nam Yết và vùng phụ cận với tổng diện tích 35.000ha, trong đó diện tích biển 20.000ha. Đây là khu bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam.
Theo đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Khu bảo tồn biển Nam Yết góp phần bảo vệ các hệ sinh thái và nguồn lợi biển rất dồi dào tại Việt Nam, góp phần vào các cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Quân chủng Hải quân đang phối hợp xúc tiến xây dựng chương trình du lịch biển Trường Sa. Lúc đó, Nam Yết và một số đảo khác ở quần đảo Trường Sa sẽ là những điểm đến lý tưởng. Vì vậy, việc phát triển cây xanh các đảo, bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển là cực kỳ cần thiết và rất quan trọng.
Đã nhiều tháng trôi qua nhưng trong tôi vẫn in đậm hình ảnh về “đảo dừa” Nam Yết. Dừa không chỉ tô điểm cho vẻ đẹp của đảo, mà như thách thức thiên nhiên khắc nghiệt của biển cả và luôn song hành cùng những người lính đảo. Ở nơi ấy, lính đảo đang hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đảo Nam Yết đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của đoàn Trường Sa anh hùng.
Đảo đã vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa năm 1975 và 1979. Năm 1985, đảo vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng nhất; năm 2003 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Ngày 22/12/2004, Nam Yết được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung tá, Chính trị viên đảo Nam Yết Nguyễn Văn Ký
|
XUÂN HIẾU