Chọn giải pháp cấp bách cho đầm Lập An
Ngày cập nhật 10/08/2018
Chiều về trên đầm Lập An. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Gần đây, địa hình đáy đầm Lập An (huyện Phú Lộc) bị bồi lắng nghiêm trọng, làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước và đe dọa hệ sinh thái đang có trong đầm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự bồi lắng đầm Lập An và đề ra nhiều giải pháp cải thiện tình hình.

 

Bồi lắng nghiêm trọng

Đầm Lập An (huyện Phú Lộc) là một hệ ven bờ hoàn chỉnh, có cả núi đồi, đồng bằng, mặt nước và vị trí giao thông thuận lợi nên rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hàu. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên đầm Lập An từ trước đến nay là sinh kế quan trọng nhất của hơn 12.000 dân địa phương.

Tuy nhiên, do bị bồi lắng nghiêm trọng ở khu vực cửa đầm nên việc trao đổi nước giữa đầm và biển ngày càng giảm, làm tăng ô nhiễm môi trường nước. Một số vị trí lòng đầm bị bồi lắng, cạn dần...

Tìm giải pháp hữu ích và cấp thiết nhằm giải cứu kịp thời đầm Lập An, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt hàng đề tài nghiên cứu về sự bồi lắng trong lòng đầm cho các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện.

Theo kết quả đo đạc thực địa của nhóm nghiên cứu, sự bồi lắng ở đầm Lập An do 3 nguyên nhân chính, từ biển, từ hệ thống sông suối trên lưu vực và từ bùn cát rửa trôi từ các cồn cát xuống đầm cùng với hoạt động của con người. Tổng lượng bùn cát bồi lắng từ năm 2007 đến năm 2015 tính toán được là 367.400m3, với diện tích rộng 5,26km2. Khu vực có xu thế bồi lớn nhất là Loan Lý, với độ dày khoảng 1,7m. Đây cũng là nơi có hoạt động hút hàu vôi diễn ra thường xuyên, tạo ra các bãi và hố sâu xen kẽ. Bùn cát từ biển cũng tham gia vào quá trình bồi lắng hằng năm ở đầm Lập An theo mùa. Trung bình, hằng năm lượng bùn cát từ biển gây bồi lắng cửa đầm hơn 85.000m3.

Ưu tiên giải pháp cấp bách

Chúng tôi đến thăm đầm Lập An mùa nước cạn. Từ sáng sớm, khách đã về đông trên con đường rải nhựa ôm theo bờ của đầm. Nắng trong veo, khách tranh thủ chụp ảnh cưới, “nuôi” phây (FB), hoặc thong thả thưởng thức cà phê và ngắm cảnh nước non hữu tình. Càng trưa, lượng khách về càng đông để tránh nắng ở những nhà hàng nổi trên sông. Thật dễ để nhận ra rằng, những nhà hàng nổi trên mặt nước đang khiến không gian và tầm nhìn của đầm Lập An bị thu hẹp. Nếu không được quản lý chặt chẽ, đầm Lập An còn phải chịu thêm áp lực xả thải không nhỏ từ hoạt động kinh doanh này.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đề xuất nhiều giải pháp tương ứng nhằm giảm thiểu sự bồi lắng đầm, đồng thời phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường, như: tăng thảm phủ thực vật và lựa chọn phương pháp canh tác, sử dụng đất hợp lý; chuyển đổi ngành nghề của người dân, cơ cấu ngành nghề của địa phương và phục hồi, bảo tồn rừng ngập mặt khu vực đầm Lập An; xây dựng kè mỏ hàn chắn sóng; quy hoạch, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đầm Lập An.

TS. Nguyễn Lê Tuấn, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: UBND huyện Phú Lộc và thị trấn Lăng Cô cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp trên. Trong đó, chú trọng giải pháp nghiêm cấm triệt để hoạt động khai thác hàu vôi trong đầm, chỉnh trị và ổn định cửa đầm, khôi phục diện tích rừng ngập mặn xung quanh đầm và thường xuyên giám sát chất lượng môi trường tại các cống xả thải của khu vực nuôi tôm xung quanh đầm, khu vực gần các nhà hàng nổi.

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm chất lượng nước trong đầm Lập An, cũng như đảm bảo tính bền vững và mỹ quan cho đầm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, chính quyền huyện Phú Lộc hiện đang cố gắng đưa tất cả các hộ nuôi hàu vào vùng quy hoạch, đồng thời chuyển việc nuôi hàu với giá thể nuôi từ vỏ xe, sang nuôi bằng bè tre và vỏ hàu tự nhiên gắn vào bè tre âm dưới mặt nước. Tuy nhiên, việc này còn cần nhiều kinh phí và thời gian. Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho rằng, không nên làm kè kiên cố bằng bê tông để chắn sóng, mà chỉ nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nên bàn thêm giải pháp nạo vét lòng đầm nếu lượng bùn cát bị bồi lắng quá nhiều.

Ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, theo quy luật tự nhiên thì đầm nào rồi cũng “chết”. Tuy nhiên, sự "chết" ấy đến sau 10 năm, 100 năm hay nhiều hơn nữa thì vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là tính toán đến tốc độ bồi lắng trong đầm Lập An và đưa ra những cảnh báo cụ thể đối với những nguy cơ đang tác động trực tiếp đến sự sống còn của đầm Lập An. Để đảm bảo tính bền vững cho đầm Lập An, chỉ riêng những giải pháp trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu thôi vẫn chưa đủ. Quan trọng nhất là phải chọn ra được những giải pháp cấp bách để ưu tiên thực hiện. Vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà khoa học và các nhà quản lý.

 

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 6.817