Trong những năm qua, nhiều đơn vị, tổ chức trong cả nước đã không ngừng quan tâm, đầu tư hỗ trợ cho quân và dân Trường Sa phát triển các dự án về nông nghiệp để nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất. Nhờ đó, bảo đảm được nguồn thực phẩm tươi, đặc biệt là rau xanh, góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo.
Nhưng có lẽ lần đầu tiên có đơn vị đặt vấn đề áp dụng nông nghiệp hữu cơ để trồng rau xanh ở Trường Sa. Dự án “Thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ trên quần đảo Trường Sa” do Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ (trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) triển khai thực hiện gần đây là một dự án như vậy.
Để hiểu sâu về dự án này cũng như tính khả thi của dự án, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thông tin với độc giả xung quanh Dự án “Thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ trên quần đảo Trường Sa” mà Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ triển khai gần đây?
Ông Nguyễn Văn Cường: Thực hiện Kế hoạch 490/KH-HC, ngày 16/1/2018, giữa Cục Hậu cần Hải quân và Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là Viện Nông nghiệp hữu cơ), do Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt, bắt đầu từ ngày 14/5/2018 đến ngày 21/06/2018, đoàn công tác của Viện Nông nghiệp hữu cơ đã tới Trường Sa để khảo sát thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu để có các phương án, giải pháp tối ưu, lấy mẫu vi sinh vật bản địa, đồng thời cho thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Trước đó, giữa Viện Nông nghiệp hữu cơ và Cục Hậu cần Hải quân đã thống nhất kế hoạch chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thử nghiệm Hệ sinh thái hữu cơ trên 3 đảo Sinh Tồn, Cô Lin và Len Đao; Giai đoạn 2 đưa vi sinh vật bản địa có ích cho cây trồng quay trở lại đảo.
Trong chuyến đi, Đoàn công tác Viện Nông nghiệp hữu cơ đã vận chuyển theo 10 tấn giá thể phân giun, 1.000 gói phân nano Goldtech, 15 tháp rau hữu cơ ứng dụng công nghệ Mỹ, 24 chai vi sinh có lợi cho cây trồng có tỉ lệ vi sinh cao, các loại nấm đối kháng khác, hạt giống và giun giống. Đặc biệt, trong đó có 1.000 bầu cỏ Vetiver đã được thuần dưỡng trong điều kiện có muối.
Tại đảo Sinh Tồn, đoàn công tác đã cho triển khai trồng thử 500 bầu cỏ vetiver ở các vị trí khác nhau để thử độ thích nghi của cỏ. Cỏ Vetiver là một loại cỏ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay để chống sạt lở cho các công trình đê kè.
Về cỏ Vetiver, theo đánh giá của chúng tôi, Trường Sa nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, là vùng khí hậu rất thích hợp để loài cỏ này phát triển. Khi rễ đạt 4-5m, chúng có thể chịu được 10-12 tháng không mưa. Vetiver sinh trưởng, ngoài chống cát bay, giữ đất, giữ nước, chúng cũng là nguồn thức ăn cho vật nuôi như: Bò, dê, thỏ... Và chất thải từ các vật nuôi này chính là nguồn cung đầu vào cho nuôi giun quế tại đảo. Và giun quế ngoài việc tạo chất mùn tự nhiên cải tạo cho đất, thì nó cũng chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng để chăn nuôi con vật khác như: gà, vịt...
Phần lá cỏ Vetiver được tận dụng làm rơm phủ sinh mùn cho đất, làm phân hữu cơ tự nhiên trồng rau màu trên đảo. Khi trưởng thành, 1 ha cỏ Vetiver có thể cho từ 80-120 tấn cỏ khô. Đây là nguồn phân mùn vô cùng dồi dào tại chỗ cho đảo. Vetiver có thể là giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước thải hồi quy, có thể ứng dụng Vetiver trong xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt. Hàng cỏ dày, cao cũng có thể được vận dụng cơ động trong huấn luyện, chiến đấu. Điều quan trọng, với bộ rễ phát triển mạnh, có thể ăn sâu 3-4m, Vetiver có thể chống chịu được mùa hạn. Nếu được trồng với số lượng lớn, đan dày vào nhau xung quanh đảo thì với tính năng lọc nước, xử lý môi trường của rễ cỏ, chúng tôi cho rằng, rễ cỏ có thể làm giảm lượng muối khi nước biển ngấm vào đảo và làm ngọt hóa đảo.Thực tiễn thử nghiệm trước khi mang ra Trường Sa, chúng tôi đánh giá cao về khả năng chống chịu hạn của cỏ Vetiver.
Bên cạnh đó, với 6,5 tấn giá thể phân trùn được phân bổ cho đảo Sinh Tồn, chúng tôi tạo ra một khu vườn riêng được trải toàn bộ bằng phân trùn quế, cấy vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật đối kháng sâu bệnh lên giá thể; xung quanh, chúng tôi trồng cỏ Vetiver để ngăn hơi muối từ ngoài biển thổi vào. Giá thể sau khi cấy vi sinh vật, được nuôi trùn quế ngay bên cạnh để bổ sung dinh dưỡng cho đất từ nguồn lá phong ba dồi dào
Phóng viên: Do điều kiện thời tiết ngoài vùng huyện đảo khắc nghiệt, nên việc tăng gia sản xuất rau xanh rất khó khăn. Vậy tính khả thi của dự án này trong việc tạo ra nguồn thực phẩm tươi, đặc biệt là rau xanh, cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cường: Đúng vậy, ngoài hiệu quả cải tạo sinh thái nói chung mà tôi đã trình bày ở trên, theo chương trình của dự án, tại Sinh Tồn và các đảo chìm, chúng tôi lắp đặt 9 tháp rau hữu cơ. Với cấu trúc hình trụ có nhiều hốc trồng xung quanh, tháp rau hữu cơ có số cây trồng gấp 7-10 lần diện tích tương tự áp dụng trồng cây trong chậu. Ở giữa tháp dùng nuôi giun (trùn) quế để tạo dinh dưỡng lâu bền cho đất. Dưới đế tháp có ngăn hứng nước, việc tưới cho cây sẽ không bị rửa trôi, không lãng phí nước. Đây là ứng dụng rất phù hợp với môi trường đảo chìm, thiếu nước ngọt, không có đất. Nếu được áp dụng đồng loạt mỗi tháp rau sẽ được gắn bánh xe để bộ đội có thể cơ động di chuyển khi có mưa bão.
Song hành với việc lắp đặt và thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ, chúng tôi sẽ lấy mẫu vi sinh vật tại các đảo để tìm ra những vi sinh vật có lợi cho cây trồng như: Phân giải lân, cố định đạm... Việc này phục vụ cho giai đoạn tiếp theo của dự án, chuyển vi sinh vật bản địa quay trở lại nơi nó đã thích nghi để tưới trở lại đất, phục vụ cho việc trồng cây và trồng rau. Với việc tạo ra chế phẩm sử dụng vi sinh cố định đạm, phân giải lân, vi sinh đối kháng bệnh, chúng tôi nghĩ có thể giảm, tiến tới thay thế hoàn toàn vận chuyển phân bón vô cơ ra đảo, vận chuyển sẽ gọn nhẹ hơn hàng trăm lần.
Phóng viên: Và đến nay tín hiệu khả thi bước đầu của dự án như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cường: Tính đến ngày 11/7, qua trao đổi điện thoại, Ban chỉ huy đảo Sinh Tồn, Len Đao, Song Tử Tây đều cho biết, cỏ Vetiver sinh trưởng phát triển tốt, hệ sinh thái hữu cơ bao gồm vườn rau trên đất ở Sinh Tồn và các tháp rau hữu cơ đều phát triển tốt. Giun phát triển ổn định. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng của Dự án.
Nếu thành công, Dự án sẽ góp phần xử lý rác thải rau muống biển bỏ đi, lá phong ba rụng hàng ngày sẽ nhanh chóng biến thành nguồn phân hữu cơ. Chi phí chở đất, phân trồng rau từ đất liền ra sẽ giảm. Ngoài ra, nếu được trồng đại trà, cỏ Vetiver sẽ đem lại nguồn sinh khối che phủ đất, làm phân hữu cơ đáng kể và cũng là căn cứ để phát triển vật nuôi tại chỗ trên đảo nổi.
Qua phản ánh của các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, vào mùa khô, bò ở đây thường thiếu cỏ, ăn cả thùng giấy, vải… Với tính năng chịu hạn, rất có thể, cỏ Vetiver vẫn phát triển được qua mùa khô, có thể làm rơm dự trữ cho bò. Nếu lượng sinh khối từ lá cỏ đủ lớn, có thể ứng dụng nuôi thỏ để tăng khẩu phần thức ăn tươi cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông! Chúc Dự án của Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ triển khai ở huyện đảo Trường Sa thành công!