Hai năm trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố về môi trường biển do Formosa xả thải gây nên thảm họa cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, nguồn lợi thủy hải sản nơi đây giờ đã dần được khôi phục tuy chưa thể như trước.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho người dân đang bị thiệt thòi nơi đây có nguy cơ vô hiệu nếu không được các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc quyêt liệt. Đó là nạn các tàu giã cào đang vi phạm các quy định về quyền khai thác thủy sản trên biển, cướp đi ngư trường cùng nguồn lợi thủy sản của những ngư dân nghèo đang đánh bắt cá tại các bãi ngang ven biển Miền Trung.
Trở lại vùng biển Thừa Thiên Huế, được chứng kiến những vất vả nhọc nhằn của người dân nơi đây, tận mắt thấy những chiếc thuyền nan vượt sóng trở về cùng những thùng xốp lèo tèo cá với trọng lượng một hai chục ký, giá bán từ 20 đến 30 ngàn mỗi ký. Sau khi trừ đi tiền dầu, đồ ăn… chia cho ba người, mỗi người chỉ được ngót nghét trăm bạc, nhiều hôm còn về trắng tay mới thấy xót xa, cám cảnh cho họ.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sản lượng đánh bắt thủy sản biển lại thấp như vậy phóng viên mới vỡ lẽ.
Ngư dân Nguyễn Long – xã Quảng Công cho biết: “Sau sự cố môi trường biển năm 2016 đến nay biển đang dần hồi phục, cá đã bắt đầu có tuy còn nhỏ và hiếm gặp các loại cá lớn, nhất là cá ăn tầng đáy. Sản lượng đánh bắt rất thấp bởi phần lớn do các tàu “giã cào” từ các tỉnh nam Trung bộ ra đánh bắt trộm. Họ sử dụng tàu to, công suất lớn cùng hệ thống lưới cào rộng, sâu quét hết hải sản ven bờ khiến cho ngư dân không còn thủy sản để đánh bắt. tệ hơn nữa họ còn lấy đi nhiều ngư lưới cụ được người dân thả trên biển trị giá hàng trăm triệu đồng”.
Biết có phóng viên về tìm hiểu về vấn đề này, nhiều ngư dân tìm gặp và bày tỏ thái độ rất bức xúc về nạn tàu giã cào đang tận diệt môi trường sống của bà con mà chưa thấy các cấp chính quyền ra tay ngăn chặn.
Phóng viên tìm gặp lãnh đạo xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, nơi có hơn 85 thuyền của ngư dân đang sinh sống bằng nghề đi biển, ông Phan Văn Trí – Phó Chủ tịch xã cho biết: Chính quyền địa phương đã nhận được nhiều kiến nghị của người dân về nạn tàu giã cào ngang nhiên bất chấp pháp luật thường xuyên vào đánh bắt thủy sản tại khu vực bãi ngang ven bờ, nơi ngư trường của người dân có thuyền nan công suất nhỏ.
Lãnh đạo địa phương cũng đang rất khó khăn trong việc giải quyết vấn nạn này, ngoài việc vận động bà con tránh va chạm với các tàu giã cào vì họ rất manh động và sẵn sàng va đâm. Hiện, xã đã gửi kiến nghị lên huyện, tỉnh để xin chỉ đạo, xử lý.
“Mặc dù quản lý và giữ trật tự an ninh trên địa bàn các xã ven biển khu vực có Đồn biên phòng Phong Hải, tuy nhiên Đồn cũng không có phương tiện, kinh phí và lực lượng chuyên trách, chỉ có Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế nằm tại Thuận An đảm trách nên khó có điều kiện kiểm soát và xử lý các vi phạm của các tàu giã cào vì khoảng cách từ Thuận An đến địa phương xa hàng chục km”. – ông Trí cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Truyền - Phó Chủ tịch xã Quảng Công (Quảng Điền) cũng lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi đang kiến nghị lên Tỉnh để tìm biện pháp giải quyết giúp bà con nhưng chưa có kết quả”.
Đi sâu tìm hiểu, phóng viên được anh Phan Danh – Phân hội nghề cá xã Quảng Công cho biết: “Hiện tại các xã ven biển đều có các Chi, phân hội nghề cá. Các chủ thuyền đã đóng góp kinh phí 100.000 mỗi năm để mua dầu phục vụ việc xua đuổi các tàu giã cào song cũng không làm gì được họ bởi tàu họ quá lớn.
Chúng tôi chỉ biết điện báo cho Chi hội mỗi khi thấy tàu giã cào vi phạm ngư trường còn sau đó ra sao cũng không biết nữa. Hiện tại người dân cũng không được thông tin đầy đủ về số điện thoại hay hộp thư điện tử thuộc đường dây nóng để có thể trực tiếp gọi điện hoặc gửi hình ảnh hay video về các tàu vi phạm. Ngư dân chúng tôi không những bị mất nguồn lợi thủy sản mà còn mất nhiều ngư, lưới cụ dùng để đánh bắt hải sản ven bờ bởi các tàu giã cào”.
Là người chứng kiến và ghi lại được những hình ảnh hoạt động trái phép của tàu giã cào tại vùng biển quê nhà, anh Dương Quốc Danh (Thôn Tây Hải, Xã Quảng Ngạn, Quảng Điền) nói trong bức xúc: “Từ nhiều năm nay, các tầu giã cào công suất lớn thường xuyên và ngang nhiên vô sát bờ, cào vét từ đáy đến mặt nước biển khiến vùng biển nơi đây không còn mấy thủy hải sản. Rất nhiều ngư lưới cụ của bà con thả ngoài biển trị giá cả tỷ đồng bị họ lấy đi hết. Ghe thuyền chúng tôi nhỏ không thể tiếp cận và xua đuổi mà chỉ biết gọi điện báo cho Đồn Biên phòng Phong Hải và UBND xã nhưng kết quả thì hàng ngày vẫn thấy các tàu giã cào vô càn quét ngư trường của chúng tôi, người dân hết sức hoang mang lo lắng bởi cuộc sống gia đình chỉ trông cậy vô nghề biển”.
Hoạt động của nhiều tàu giã cào ngày càng thường xuyên và đông đảo hơn khi mối quan tâm của các cơ quan chức năng tỏ ra lơ là hoặc cố tình làm ngơ bởi nguồn lợi mà các tàu này mang lại không hề nhỏ. Người dân tại các tỉnh đã phải chịu thiệt thòi sau sự cố môi trường biển từ Formosa một lần nữa lại thêm khó khăn hơn sau khi tiêu dùng hết số tiền được đền bù mà không có cơ hội tái tạo sức lao động. Nhiều thuyền không muốn ra biển bởi đi về tiền bán cá không bù nổi chi phí.
Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ việc quản lý hoạt động khai thác thủy hải sản trên các vùng biển Việt Nam. Theo đó, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, bất chấp các quy định nêu trên, các tàu giã cào vẫn ngang nhiên khai thác tận diệt nguồn lợi thủy hải sản, hủy hoại môi trường của các loài thủy sản biển thường sinh sản theo mùa tại các khu vực nước nông ven bờ khiến cho nguồn lợi thủy sản từ biển ngày càng cạn kiệt và khó phục hồi.
Nguy cơ xảy ra xung đột khi người dân bị dồn nén bức xúc với các tàu giã cào có thể xảy ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển nếu không có sự chỉ đạo sát sao từ trung ương tới địa phương cùng sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng biên phòng, sự phối hợp của người dân và một đường dây nóng 24/24h.