Nghĩa trang ở “đảo dừa”
Nằm giữa trùng dương bao la bốn mùa nghe sóng hát, Nghĩa trang liệt sĩ đảo Nam Yết ẩn mình dưới những tán dừa xanh mát. “Đây là nơi yên nghỉ “tạm thời” của 5 đồng đội chúng tôi đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Nam Yết và một số đảo lân cận”, trung tá Ngô Văn Xô, Chính trị viên phó đảo Nam Yết ngậm ngùi cho biết.
Người trẻ nhất nằm lại ở nghĩa trang này là binh nhất Nguyễn Vũ Hoàng Phương, sinh ngày 23/4/1995, quê xã Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; nhập ngũ tháng 9/2013. Đúng vào ngày lễ tình yêu 14/2/2014, khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở đảo Nam Yết, anh đã mãi mãi ra đi khi mới 19 tuổi xuân. Nằm cận kề bên anh là những đồng đội: Liệt sĩ Đinh Thanh Bình (Thuận Hóa, Quảng Bình) sinh ngày 18/7/1992, nhập ngũ ngày 23/2/2011, hy sinh ngày 19/9/2011; liệt sĩ Nguyễn Văn Hà (Quỳnh Lưu, Nghệ An), sinh ngày 12/10/1989, hy sinh ngày 30/5/2010; liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên), sinh ngày 17/2/1990, nhập ngũ tháng 9/2008 và liệt sĩ Lại Huy Công (Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình), sinh ngày 19/1/1980, nhập ngũ tháng 2/1999 cùng hy sinh ngày 2/2/2012. Trung tá Ngô Văn Xô kể về sự hy sinh của hai đồng đội Nguyễn Văn Cường và Lại Huy Công: Vào ngày 2/2/2012, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển thì bất ngờ giông tố ập đến. Cường bị sóng đánh rơi khỏi xuồng. Thấy vậy Công đã không ngần ngại hiểm nguy lao xuống biển cứu đồng đội. Là người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra, nhưng với sức mạnh và sự hung dữ của sóng gió đại dương, cả hai đồng chí đã hy sinh. Cũng trong thời điểm ấy, vợ đồng chí Công ở quê nhà vừa sinh một cô con gái, nhưng anh đã mãi ra đi và không bao giờ được nhìn thấy mặt con của mình”.
Binh nhất Vũ Lê Duy, chiến sĩ trẻ sinh năm 1998, người con của quê hương hoa phượng đỏ Hải Phòng, gắn bó với đảo dừa Nam Yến từ tháng 8/2017 tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi ngang qua nghĩa trang chúng tôi đều ghé vào nhổ cỏ, tưới nước cho hoa, chăm sóc từng mộ phần của đồng đội. Ngày lễ, ngày Tết, đơn vị tổ chức thắp hương, viếng nghĩa trang. Chúng tôi rất ngưỡng mộ, tự hào về các anh - những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Còn anh lính thông tin Nguyễn Thành Linh, quê xứ Nẫu Phú Yên, chia sẻ: “Những ngôi mộ ở đây như một phần quân số của đơn vị. Dù các anh đã mãi mãi nằm xuống nhưng chúng tôi cảm nhận như các anh vẫn còn sống mãi và đang ngày đêm cùng đồng chí, đồng đội bảo vệ, giữ cho hòn đảo này được bình yên. Bất kỳ đoàn công tác nào từ đất liền ra thăm đảo Nam Yết cũng đều dành thời gian đến với nghĩa trang này, kính cẩn nghiêng mình, thắp hương viếng các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây”.
Ngoài đảo Nam Yết, ở một số đảo khác như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh… cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Dù là người cứng rắn đến mấy cũng không thể nén được xúc động khi nghe kể về những người lính đảo tuổi mới đôi mươi đã ra đi mãi mãi không về trong khi làm nhiệm vụ. Đó là binh nhất Đỗ Khánh, quê ở Gia Lộc, Hải Dương. Vào ngày 16/1/2005 khi ra đón xuồng công tác, bất ngờ bị một cơn gió mạnh, sóng lừng quái ác đã cuốn anh ra biển. Đồng đội tìm mọi cách để cứu anh nhưng bất thành. Mãi đến chiều tối mới tìm ra thi thể của anh. Còn thượng úy Phạm Văn Thế, sinh ngày 8/4/1978, quê ở Phúc Thành, Vũ Thư, Thái Bình hy sinh khi mới ra nhận nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca được 1 tuần. Trong một lần đi chốt gác, anh bị trượt chân té xuống công sự và vô phương cứu chữa. Mộ của các anh đã được công binh hải quân xây to, bề thế nằm bên cạnh mép biển lộng gió và rì rào sóng vỗ. Mỗi lúc đi tuần tra ngang qua, ngày cũng như đêm, đồng đội đều dừng lại đốt nén nhang, tưởng nhớ.
“Nghĩa trang này chỉ là nơi “nghỉ tạm” của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc lao động xây dựng các công trình đảo. Khi có điều kiện, chúng tôi sẽ cất bốc đưa các anh về đất liền để gần gũi với gia đình, người thân của các anh”, đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết.
|
Binh nhất Vũ Lê Duy viếng mộ đồng đội - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Nghĩa trang không bia mộ
Ngoài các nghĩa trang ở một số đảo, ở Trường Sa còn có một nghĩa trang không bia mộ, cũng có người gọi là “nghĩa trang vĩnh hằng”. Đó là nghĩa trang - nơi yên nghỉ của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận “Hải chiến Gạc Ma” với kẻ thù ngày 14/3/1988, trong đó có 2 người con ưu tú của Phú Yên, là liệt sĩ Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) và liệt sĩ Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa). Gọi là nghĩa trang không bia mộ bởi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh đều không có phần mộ như trên đất liền, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là những rạn san hô nhiều màu sắc nằm sâu trong lòng biển cả. Xương cốt của các anh đã hóa thành sóng, thành đá san hô, thành gió biển, mây trời. Nhắc đến các anh, cũng chính là nhắc để mọi người con nước Việt phải biết quý trọng, giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc mà bao đời cha ông ta đã dựng xây gìn giữ bằng cả máu xương.
Ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cũng có một “nghĩa trang không bia mộ”. Đó là nơi yên nghỉ của 10 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Tháng 12/1990, một cơn lốc xuất hiện lúc nửa đêm đã đánh sập Nhà giàn Phúc Tần 3, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, 3 người đã hy sinh; 5 người may mắn được cứu hộ, sống sót. Tiếp đó, tháng 1/1991, bão tố lại xảy ra nhấn chìm con tàu HQ-666 khi tàu này đang làm nhiệm vụ tại khu vực Nhà giàn Tư Chính 1A. Thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển. Chưa hết, đêm 12/12/1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu khiến Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ sập, cuốn xuống biển sâu 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ đã hy sinh. Và đêm 21/4/2001, tại Nhà giàn DK1/16, khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú đã đột ngột ra đi trong cơn đau thắt… vô phương cứu chữa. 13 năm sau, ngày 7/10/2014, đại úy Dương Văn Bắc, trắc thủ radar Nhà giàn DK1/11 lại nằm xuống giữa biển xanh trong khi kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu và bị sóng biển cuốn trôi.
Theo thông lệ, những con tàu của Quân chủng Hải quân mỗi lần chở đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo, khi ngang qua các “nghĩa trang” trên biển, dù trời yên biển lặng hay biển động sóng lừng, đều dừng lại và tổ chức trang trọng lễ thả vòng hoa xuống biển, thắp hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ. Trong giây phút thiêng liêng ngắn ngủi ấy, không ai kìm được nước mắt. Và ai cũng cầu mong cho linh hồn, xương cốt các anh hóa đá san hô, thành khúc quân ca Trường Sa bất tử.
Trường Sa hôm nay ngày càng “thay da đổi thịt”, nước biển ở vùng Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao… vẫn mặn mòi vị chát hay dù có đổi màu, nhưng máu đào của 64 liệt sĩ đã hy sinh 30 năm trước trong trận “Hải chiến Gạc Ma” vẫn không hề phai. Các anh đã ngã xuống để kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la. Những liệt sĩ “nhà giàn” và những liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đảo trong thời gian gần đây cũng thế. Đảo là nhà, biển cả là quê hương - các anh đã góp phần làm cho Trường Sa và thềm lục địa của Tổ quốc thêm xanh và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh... Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
(Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Tổ chức
Ngày Thương binh liệt sĩ đầu tiên, 27/7/1947)
|