Ngày 29/4 này tròn 43 năm Trường Sa giải phóng. Song không phải ai cũng tường tận 43 năm trước ở “quần đảo bão tố”, những người lính “áo vằn cánh sóng” trẻ tuổi ở Đoàn đặc công Hải quân 126 và Trung đoàn 83, Trung đoàn 131 Công binh Hải quân đã gác lại tuổi thanh xuân của mình đi giải phóng và xây đảo Trường Sa. Xương máu của họ đã đổ xuống để Trường Sa ngày nay trường tồn bất tử giữa ngàn khơi Tổ quốc.
Trong khi 5 cánh quân hùng dũng tiến về giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, có một lực lượng đặc biệt tiến ra biển Đông giải phóng Trường Sa góp phần đưa đất nước giang san thu về một mối. Đó là cán bộ, chiến sĩ Đoàn đặc công Hải quân 126-những người được coi là “rái biển” trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đánh địch “vượt cạn” trên biển
Cho đến bây giờ sau 43 năm quần đảo Trường Sa được giải phóng, nhưng cuộc hải trình thần tốc và chiến đấu oanh liệt trên đảo Trường Sa ngày ấy vẫn in đậm trong trí nhớ của Thiếu tướng Mai Năng-người chỉ huy lực lượng ra giải phóng Trường Sa tháng 4 năm 1975. “Chuyện giải phóng Trường Sa thì tôi quên sao được. Đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong đời lính biển của tôi” - ông nói như vậy tại nhà riêng ở TP Hải Phòng.
Nhấp ngụm nước trà xanh, Tướng Năng nhìn ra khoảng sân trước nhà như lục lại ký ức một thời hoa lửa. “Lớp chúng tôi ngày ấy nói đi Trường Sa hăng hái lắm. Khi nhận được kế hoạch giải phóng Trường Sa, tôi nghĩ có thể mình sẽ không trở lại nữa, nhưng khí thế của ngày giải phóng đất nước cứ hừng hực trong tim. Vậy là lên đường không hề do dự gì”-ông Năng chia sẻ.
Đêm 10/4/1975, từ bến cảng Sơn Trà Đà Nẵng, đoàn tàu không số được ngụy trang thành “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi trong bạt ngàn giông tố. Những đợt sóng lừng vô tận, liên tiếp như muốn vùi dập những con tàu nhỏ bé xuống biển sâu, hất lên cao, rồi lại vùi xuống. Trong bụng những con tàu đó chứa gần 300 chiến sĩ Đội 1 Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng chục tấn đạn dược hải trình thần tốc ra đảo. Để bảo đảm bí mật, cán bộ chiến sĩ trên các tàu lúc đó phải ẩn giấu trong khoang kín, vừa bị say sóng, vừa thiếu không khí, nên mọi người ai cũng mệt nhoài.
Thiếu tướng Mai Năng lúc đó đeo lon Trung tá đi trên tàu 675 giữ chức Chỉ huy biên đội tàu. Trước lúc lên đường, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho biên đội tàu: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào, tranh thủ thời cơ có lợi giải phóng quần đảo Trường Sa. Trận này ta không thể đánh theo cách của đặc công nước, phải đánh trinh sát vũ trang, có chỗ phải dùng hỏa lực. Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác”.
Được Phó Tư lệnh giao nhiệm vụ, Trung tá Năng tính toán trong đầu: “Phải vận dụng chiến thuật đánh trên bộ kết hợp dưới biển mới có thể đánh thắng địch. Đây là trận đánh quan trọng đến sinh mệnh của Trường Sa”.
Nằm trên boong tàu, ông Năng suy nghĩ về bao khó khăn đang ở phía trước mà ông và những người lính trẻ phải đối mặt, trong khi đó tuy là lính đặc công nước nhưng hầu hết là lính mới chưa một ngày trải qua chiến đấu. Phải làm thế nào để bớt đổ máu, để giải phóng Trường Sa và thắng lợi hoàn toàn? Bao câu hỏi đặt ra trong đầu người chỉ huy. Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp “đánh địch vượt cạn trên biển”.
Giải thích về điều này, ông Năng cho biết: “Vì bộ đội đặc công chỉ quen đánh địch đổ bộ sông biển, nhưng địa hình là đảo, sóng lớn, nên đánh được địch phải vượt biển, tránh sóng, thắng được địch trên đảo phải áp dụng chiến thuật tiến công, chốt chặn, ẩn nấp. Chiến thuật đánh vượt cạn trên biển là vậy”.
Chiến công đầu tiên
Sau hơn 3 ngày đêm hải trình khẩn cấp, rạng sáng ngày 13/4/1975, biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường Sa, trỏ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này … Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”.
Mệnh lệnh đanh thép từ người chỉ huy dày dạn trận mạc như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho từng chiến sĩ. Hướng về phía Đội trưởng đội 1 Nguyễn Ngọc Quế - người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy bộ đội giải phóng đảo Song Tử Tây, Trung tá Năng nói: “Đồng chí cứ theo phương án đó mà thực hiện”.
Trong khi hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết, thì tàu 673 do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy bí mật trinh sát vòng ngoài quanh đảo, xác định rõ vị trí tiến công, những yếu tố bí mật bất ngờ, những khó khăn thuận lợi. 7 giờ sáng ngày 13/4/1975 Nguyễn Ngọc Quế báo cáo, xin thông qua phương án tác chiến, quyết định: Hướng đổ bộ lên đảo là hướng Tây Nam nơi có bãi cát phẳng và đá san hô.
1 giờ sáng ngày 14/4/1975, biên đội tàu 673, 674, 675 đã bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây cách 3 hải lý. Nhìn từ phía biển, đảo Song Tử Tây là đảo san hô khá lớn “bập bềnh” trong sóng lớn. Trên đảo phát ra vài quầng sáng yếu ớt của mấy ngọn đèn bảo vệ trên từ các lô cốt. Xác định đây là thời cơ thuận lợi để hạ xuồng cho quân bí mật áp sát đảo, làm bàn đạp để tiến công. Mệnh lệnh “thả xuồng” được truyền đi từ đài chỉ huy. Tàu 673 nhanh chóng quay mũi về hướng Bắc để giữ bí mật, chọn chiều gió, hướng sóng thuận lợi để tàu đổ bộ. Tàu 674, 675 ở phía Tây và phía Bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. Cuộc chiến đấu bắt đầu.
Giữa biển đêm đen, sóng gió ầm ầm, nhưng vẫn nghe được tiếng ken két phát ra từ ròng rọng hạ xuồng đổ bộ. Khí thế chiến đấu của bộ đội hừng hực. Lợi dụng thủy triều xuống thấp, tàu 673 khẩn cấp cho các chiến sĩ bí mật tiếp cận đảo. “Mặc dù thủy triều xuống thấp thuận lợi cho bộ đội cơ động, song cũng mất hơn 3 giờ mới tiếp cận được đảo. Các chiến sĩ nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật bí mật sẵn sàng chờ lệnh nổ súng”-Thiếu tướng Năng cho biết.
Đảo Song Tử Tây nửa đêm về sáng lặng lẽ hoang vu. Từ phía lô cốt địch, thỉnh thoảng lại lóe lên một chấm sáng nhỏ. Tất cả im lặng. Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ phân đội 1 bí mật bò sát mép đảo vào vị trí chiến đấu, đội trưởng Quế hạ lệnh “nổ súng”, ắt một loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt, ụ súng địch.
Những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch và nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài.
“Cuộc chiến đấu diễn ra rất oanh liệt. Các chiến sĩ trẻ rất dũng cảm, thương vong không đáng kể. Nhưng đây là chiến công đầu tiên, khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến đấu làm chủ vùng biển của Hải quân Việt Nam”, ông Năng kể lại.
Thừa thắng, các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên. Biết không thể cố thủ mãi trong hầm hào công sự, lính ngụy đã giương cờ trắng xin hàng. Phía đường hào cuối đảo, những khuôn mặt phờ phạc ngơ ngác của kẻ thất trận, cầm cờ trắng, đưa tay lên đầu xin hàng vô điều kiện. Lá cờ của mặt trận giải phóng miền Nam Việt được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14/4/1975.
Sau khi giải phóng Song Tử Tây, đêm 23, rạng sáng 24/4, tàu 673 tiếp tục chở lực lượng đặc công giải phóng các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa như đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. 9 giờ sáng ngày 29/4, Hải quân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn đảo Trường Sa Lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương giao cho Hải quân.
Hòa bình lập lại, giữa đại dương bao la, những người lính Hải quân dầm mình trong mưa rào, nắng lửa và đối mặt với bao gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của bão tố. Để rồi sau nhiều tháng ngày chạy đua với sóng gió, những “loa thành” mang dáng hình Tổ quốc đầu tiên mang tên Trường Sa mọc giữa biển Đông.