Những chủ nhân tương lai của Trường Sa
Đã nhiều lần được nghe ca khúc Quê em ở Trường Sa của nữ nhạc sĩ, nhà báo, nguyên biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhưng chỉ đến khi được nghe chính những công dân “nhí”- chủ nhân tương lai của Trường Sa trực tiếp hát tặng những vị khách trên chuyến tàu HQ571 Quân chủng Hải quân ra thăm Trường Sa vào đầu năm 2018, tôi mới cảm nhận đầy đủ hơn về ý nghĩa của bài hát này.
Hôm ấy, dưới những tán cây mát rượi của khu công viên đảo Song Tử Tây, bên cạnh cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hơn mười cô cậu học trò từ lớp mẫu giáo đến lớp 3 ngồi quây quần bên nhau cùng trò chuyện với khách đất liền và say sưa hát: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”. Tiếng hát đong đầy, hồn nhiên hòa cùng nhịp sóng dạt dào của biển. Giai điệu tươi trẻ, tiết tấu hiện đại, cấu trúc mạch lạc, ca từ mộc mạc phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Trước đây, nhiều người biết đến Trường Sa qua những ca khúc như: Nơi ấy là đảo xa (của Thế Song), Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn (của Hình Phước Long), Mưa Trường Sa (của Xuân An)… Còn bây giờ, ngoài các ca khúc nổi tiếng này, các vị khách đất liền còn được biết đến Quê em ở Trường Sa. Đây là “đặc sản”, món quà tinh thần vô giá.
Mặc dù “chủ” mới gặp “khách” lần đầu nhưng không hề có khoảng cách xa lạ. Cháu nào cũng rạng rỡ nụ cười, ríu ra ríu rít kể về gia đình, lớp học… và về hòn đảo thân yêu của mình. Có cháu ngồi hẳn vào lòng của khách không chút e dè. Cô bé 9 tuổi Nguyễn Trương Quỳnh Như, lớp trưởng “3 trong 1” (từ lớp 1 đến lớp 3, ghép chung thành một lớp - PV) Trường tiểu học Song Tử Tây và là “thủ lĩnh” nhóm thiếu nhi trên đảo lém lỉnh: “Trong lớp của cháu, bạn nào cũng thuộc bài hát này. Chúng cháu rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở Trường Sa”. Còn cô bé 3 tuổi Đoàn Phúc Vi Sa (con gái của anh Đoàn Duy Kiệt, dân quân xã đảo) thỏ thẻ: “Cháu được các chú bộ đội, thầy giáo và ba mẹ tập bài hát này và nhiều bài hát về Trường Sa. Cháu rất yêu nơi này vì có ba mẹ, có các chú bộ đội”. Khi được hỏi, con thích ở đất liền hay ở đảo, cô bé này trả lời ngay: “Ở đất liền con cũng thích mà ở đảo con cũng thích. Ở đất liền có rất đông người, nhiều xe cộ và nhiều trò chơi hơn. Còn ở đảo có ba mẹ, các anh chị, lúc nào cũng nghe tiếng sóng…”.
Ngoài bài Quê em ở Trường Sa các con còn thuộc bài nào về Trường Sa không? Tôi hỏi. Có ạ, như bài Nu na nu nống, cậu bé 6 tuổi, trên ngực áo có đề tên Đặng Nguyên Khôi lễ phép trả lời. Và ngay lập tức, cả nhóm đồng thanh hát: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Huyện đảo xa bờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước Việt mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa…”. Nghe các cháu hát, mọi người cũng vỗ nhịp hòa theo.
Nghe kể lại, năm 2015, trong chuyến ra thăm quân dân quần đảo Trường Sa, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, khi đó là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Chuẩn Đô đốc Lê Bá Sổ, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân… cũng đã lên sân khấu cùng hát với các cháu thiếu nhi trên đảo những bài hát này.
Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển - Ảnh: XUÂN HIẾU
Chung một mái nhà
Song Tử Tây là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa. Nhìn từ xa, Song Tử Tây có dáng hình bầu dục, lòng đảo trũng xung quanh cao so với mực nước biển 4-6m. Màu xanh của cây cỏ hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình, hòn đảo trông như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Theo Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Nguyễn Đức Độ, có 7 hộ dân sinh sống trên đảo đã nhiều năm qua. Công việc hàng ngày của họ là chồng đi kéo lưới bắt hải sản, vợ ở nhà trồng rau, chăn nuôi heo, gà… và đưa đón con đi học. Có những công dân “nhí” theo cha mẹ từ đất liền ra đảo và cũng có những công dân được sinh ra ở chính nơi phên dậu biên cương của Tổ quốc này. So với trước, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo đã và đang từng bước được cải thiện. 100% hộ đều có nhà ở riêng, được xây dựng khang trang; có điện sinh hoạt và được trang bị ti vi dễ dàng thu sóng của VTV, cùng những đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Trụ sở của UBND xã nơi tiếp và giải quyết các thủ tục của dân cũng được xây dựng kiên cố, gần với khu dân cư. Hòn đảo là mái nhà chung của mọi người. Quân và dân xã đảo này đã đầu tư rất nhiều ngày công để tu sửa, san lấp mặt bằng, trồng cây xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Cũng theo người đứng đầu cấp chính quyền của xã đảo này và tôi được tận mắt chứng kiến, ngoài khu dân cư, khu hành chính là nơi làm việc của các ban ngành, đoàn thể; trên đảo Song Tử Tây còn có ngôi chùa cổ kính phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân; có trường học, sân bóng đá, công viên và khu vui chơi cho thiếu nhi. Một âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn cũng đã được xây dựng. Đây là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung khai thác hải sản ở vùng biển này. Đặc biệt, liền kề với khu dân cư 7 hộ dân đang sinh sống là khu làng chài với 3 dãy nhà 3 tầng và một số công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt khác, đảm bảo chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt cho 300 ngư dân cùng lúc. Ngoài ra, xã đảo này còn có khu cung cấp nước ngọt, cung cấp xăng dầu cho ngư dân với giá bán ưu đãi bằng với giá trong đất liền. Theo vị Chủ tịch UBND xã, sắp tới đảo Song Tử Tây sẽ được đầu tư xây dựng khu vực sân phơi và chế biến đá phục vụ nghề cá.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, trước đây sinh sống ở đảo Bình Ba (TP Cam Ranh), là công dân của xã Song Tử Tây gần 5 năm nay chia sẻ: “Những ngày đầu đến với đảo xa chúng tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ và rất nhớ đất liền. Nhưng chính cuộc sống thanh bình, không khí trong lành, tình người dạt dào đã làm cho tôi không muốn rời xa nơi đây. Ở ngôi nhà chung này, mọi người sống, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, tình quân dân ngày càng gần gũi, gắn bó, thân thiết với nhau hơn”. Còn anh Đoàn Duy Kiệt tâm sự: “Con em chúng tôi, những công dân sinh ra và lớn lên trên đảo, tuy không được sống ở nơi phố thị, đông vui, nhộn nhịp hơn, nhưng bù lại các em được học những bài học giản dị từ thiên nhiên về những loài thủy hải sản, về các loài cây phong ba, bão táp, bàng vuông. Ngày ngày các cháu được nô đùa với những cánh hải âu bên chân sóng; tiếp xúc và học được bản lĩnh kiên cường của những người lính đảo. Sau này lớn lên, có đi khắp phương trời, con cháu chúng tôi có thể tự hào kể về Trường Sa - nơi chúng đã sinh ra và lớn lên”.
Chia tay Song Tử Tây. Tạm biệt đảo xa. Điều đọng lại sâu lắng trong tôi và cũng là của mọi người trong chuyến hải trình này mà ai cũng cảm nhận được, đó là ý chí, niềm tin, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự đoàn kết gắn bó keo sơn của quân và dân trên đảo. Song Tử Tây - Trường Sa thân yêu vẫn luôn hiển hiện tiếng cười, tiếng hát hồn nhiên, trong trẻo và tươi sáng của những công dân “nhí” - những đứa con của biển, chủ nhân tương lai của một phần nước Việt thân thương: “Quê em ở Trường Sa/những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ em là con của biển…”.