Khi “mùa trăng” bắt đầu (từ ngày 10/5 AL), cũng là lúc các tàu đánh bắt xa bờ nối đuôi nhau về bờ, khoang đầy ắp cá.
Cảng Thuận An sáng sớm 25/6 nhộn nhịp khi các lái buôn, phương tiện vận chuyển hải sản tấp nập chờ sẵn trên bờ. Các tàu lần lượt đưa cá lên bờ bàn giao cho các tư thương, giá cả đã thống nhất trên biển qua điện thoại, bộ đàm.
Khác với những chuyến biển từ đầu năm đến tháng 5, nhiều tàu trúng đậm các loại cá thu, ngừ, chũa, cờ… có giá trị kinh tế cao, song chuyến biển tháng 6 này trúng toàn cá nục.
Chủ tàu cá Phan Tước ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) lý giải: “Trong tháng này, do dự báo thời tiết dông, lốc xảy ra bất ngờ, thời tiết diễn biến phức tạp nên nhiều tàu đề cao cảnh giác, không thể vươn khơi đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa mà chủ yếu đánh bắt ở vùng biển từ 60 hải lý trở vào. Vùng biển này rất hiếm khi gặp luồng cá có giá trị kinh tế như chũa, thu, ngừ… mà chủ yếu các loại cá nục, bánh lái, hố… Các loại cá này tuy giá trị kinh tế không cao nhưng sản lượng lớn vẫn cho thu nhập khá”.
Ông Tước cho biết, ông có hai tàu vừa đánh bắt vừa làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển. Qua những chuyến thu mua cá trong tháng 6 này, ông Tước nhận thấy phần lớn các tàu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đều trúng đậm cá nục. Chuyến biển này không kéo dài như nhiều chuyến biển trước, chỉ 5 ngày đến một tuần, nhưng hầu hết các tàu đều thu sản lượng bình quân từ 5-7 tấn cá nục. Giá cá nục thu mua ngay trên biển bình quân 30 ngàn đồng/kg, vận chuyển lên bờ bán 35 ngàn đồng/kg và bán ra thị trường mỗi cân 45 ngàn đồng trở lên. Tàu ông Tước đánh bắt được 7 tấn, doanh thu trên dưới 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi khoảng 70 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) lởi xởi: “Tuy chủ yếu đánh bắt cá nục nhưng nhờ sản lượng khá lớn nên tàu nào cũng có lãi, tàu lãi ít khoảng 50 triệu đồng, lãi cao 70 triệu đồng trở lên”. Theo ông Chiến, chỉ còn chừng 2 tháng nữa là đến mùa bão lũ, tàu nằm bờ nên sau chuyến biển này, các tàu đều tranh thủ vươn khơi dài ngày, với những tàu công suất lớn có thể vươn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao. Kinh nghiệm của ông Chiến cũng như nhiều ngư dân, thời điểm từ nay đến mùa mưa bão thường xuất hiện nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như chũa, thu, ngừ, cờ…, không chỉ ở vùng biển khơi mà ngay cả vùng biển từ 50-60 hải lý.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy chia sẻ, trong điều kiện vùng biển vừa phục hồi sau sự cố môi trường nhưng ngư dân đã có nhiều chuyến biển đánh bắt xa bờ hiệu quả. Điều đó cho thấy tiềm năng hải sản vùng biển gần bờ cũng như xa bờ dồi dào, phong phú. Khi vùng biển khơi không thuận lợi cho việc khai thác hải sản có giá trị kinh tế thì ngư dân có thể hoạt động gần bờ đánh bắt cá nục, cá hố… đạt sản lượng lớn cho thu nhập đáng kể.
Chỉ còn khoảng 4-5 chuyến biển nữa sẽ đến mùa bão lũ, chính quyền địa phương vận động ngư dân tích cực bám biển đánh bắt hiệu quả, chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình.