Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Ngày cập nhật 25/06/2018
Thao diễn thủy binh tại Festival Huế 2010. Ảnh minh họa: Võ Nhân

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Chính nhờ vai trò vành đai an ninh quốc phòng vùng biển quan trọng đó mà văn hóa làng xã mang đậm nhiều dấu ấn văn minh sông nước. Ngoài những ngôi làng cổ xưa có bề dày văn hóa sông nước, như Diêm Trường, Phụng Chánh, nơi đây còn được bổ sung nhiều ngôi làng mới được hình thành từ những đơn vị thủy binh thời Nguyễn “giải ngũ”, mà tiêu biểu là các vị “Trung nghĩa quân” sau sự kiện lịch sử về Nam năm Mậu Ngọ (1558), khai lập nên làng Mỹ Lợi, An Bằng...

Hai điểm quan trọng trong dấu ấn làng xã vùng sông nước là chế độ thủy quân và chế độ trường đà (thuyền bánh lái). Từ thời chúa Nguyễn, nhà nước kiểm soát và định ngạch dân đinh, ghe thuyền ở các làng biển trong chế độ trường đà (gồm đà trưởng, đà công, có sự phân loại thuyền rất chi tiết). Các đội trường đà được nhà nước thuê vận tải quân lương, nhu yếu phẩm trong hạn xen kẽ mỗi 6 tháng, hoặc từng năm. Ứng trực công vụ được trả lương, hết hạn họ trở lại công việc đánh bắt hải sản, vận tải hàng hóa, vật hạng bình thường và cũng được đãi ngộ miễn giảm thuế má, sưu dịch. Các đà trưởng, đà công giỏi từ thực tiễn, sẽ được xem xét tuyển bổ vào ngạch thủy quân.

Khảo sát di sản văn hóa làng Diêm Trường (Vinh Hưng, Phú Lộc) cho thấy, ngoài dấu ấn tượng binh rõ ràng của ông bà Trà Quận công, nơi đây còn giàu truyền thống thủy quân, nổi bật như dòng họ Hoàng gắn liền dấu ấn ngài Hoàng Văn Tam, họ Trần Đình với ngài Trần Đình Xuân... với nhiều di tích, tài liệu Hán Nôm quý giá.

Ở vùng ven biển, họ Hoàng làng Diêm Trường nhiều đời có người tham gia thủy quân từ thời Nguyễn, trong đó có ngài Hoàng Văn Tam. Từ cuối năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhờ “làm việc trong quân đã lâu năm, am tường việc sai phái”, ông được bổ chức Ngoại ủy Đội trưởng của Tam đội, Nhị vệ, Tả doanh ở Kinh Kỳ Thủy sư. Đầu năm Tự Đức thứ 6 (1853), cũng nhờ “làm việc đã lâu năm, chuyên cần, mẫn cán”, ông được chính thức bổ nhiệm Đội trưởng ở chính đơn vị thủy quân này. Một năm sau (đầu năm 1854), ông tiếp tục được bổ chức Đội trưởng đội Nhị thập, suất lãnh binh lính trong đội Thập theo quan Suất đội sai phái việc quân.

Quan hàm của Đội trưởng Hoàng Văn Tam được thăng lên Suất đội (Kinh Kỳ thủy sư Tả doanh Nhị vệ Nhất đội Thí sai Chính Đội trưởng Suất đội) vào đầu năm 1857. Ba năm sau (cuối năm 1860), nhờ hoàn thành nhiệm vụ mà Thí sai Chính Đội trưởng Suất đội Hoàng Văn Tam được thăng “Chính Đội trưởng, suất nội đội biền binh tòng Cai quản viên phân phái công vụ”, trật Tòng Ngũ phẩm. Đến năm Tự Đức thứ 18 (1865), chính Đội trưởng Suất đội Hoàng Văn Tam lại được Bộ Binh xét bàn, thăng lên làm Cai đội, suất lãnh biền binh thuộc đội theo lệnh viên Cai quản phân bổ, sai phái việc công.

Điển chế tập ấm triều Nguyễn thời Gia Long quy định quan viên văn võ từ chính ngũ phẩm đến chính lục phẩm thì đều cho một người con ruột vào hạng Viên tử, được miễn tòng binh dịch, còn tiền thuế thân chịu nạp ở xã nhà. Nhờ đó, người con trai của Cai đội Hoàng Văn Tam là Hoàng Văn Bòng, từ năm Tự Đức thứ 17 (1864), đã được ân chuẩn vào hạng Viên tử (Tài liệu của họ Hoàng - nhánh II làng Diêm Trường).

Kinh Kỳ thủy sư là lực lượng thủy quân đặc biệt để tác chiến và bảo vệ vùng biển của triều Nguyễn, được phiên chế thành ba doanh: Trung doanh (2.595 lính), Tả doanh  (2.567 lính) và Hữu doanh (2.579 lính), chỉ tuyển người từ Quảng Bình vào đến Bình Định (Hội điển, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tập IX, tr.201). Những người lính trong lực lượng Kinh Kỳ thủy sư nói chung và thủy quân người làng Diêm Trường, họ Hoàng nói riêng đã đóng góp nhiều chiến công lẫy lừng trên vùng biển miền Trung thời Nguyễn và cả dự phần vào những tang thương lịch sử như trong sự biến Thất thủ Thuận An vào cuối năm Quý Mùi - Tự Đức thứ 36 (1883), với hàng trăm binh sĩ tử trận.

Thủy quân có sự bổ trợ hữu hiệu, kịp thời của chế độ trường đà suốt chiều dài lịch sử mở cõi, để thi hành công vụ, vừa sản xuất và vận tải tư nhân, đã hình thành nên thế trận “quốc phòng toàn dân” vững chắc, theo lối “ngụ binh ư ngư” tương tự “ngụ binh ư nông”. Khai thác kinh tế biển, bảo đảm giao thương vận tải biển đồng thời cũng là phương thức cảnh giới biển thường trực, hữu hiệu... đã làm nên vai trò, sứ mệnh lịch sử của thủy quân và trường đà thời Nguyễn, gắn liền với những nhân vật lịch sử ở từng làng xã cụ thể như Suất đội Hoàng Văn Tam ở làng Diêm Trường.

 
 
 
 
 
 
 
Nguồn: khamphahue
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.365