Hiên ngang Đá Thị
Ngày cập nhật 19/06/2018
Chiến sĩ Võ Văn Ny làm nhiệm vụ đứng canh ở nơi cột mốc chủ quyền - Ảnh: XUÂN HIẾU

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng trong tôi vẫn còn ấn tượng sâu sắc khi lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo nhỏ nằm ở mạn sườn phía đông của quần đảo Trường Sa: Đá Thị. 

Trước khi đến đảo, chúng tôi được các anh ở Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cung cấp các thông tin cơ bản: Đá Thị (hay Núi Thị) là đảo chìm nằm ở 10024’40’’ vĩ độ Bắc - 114034’48’’ kinh độ Đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía Đông - Đông Bắc và cách bán đảo Cam Ranh khoảng 335 hải lý về phía Đông - Đông Nam, thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Sau Tiên Nữ, Đá Thị cùng với Sinh Tồn Đông là hai đảo ở xa nhất về phía Đông, trong số 21 đảo, bãi, 33 điểm đóng quân do Hải quân Việt Nam quản lý ở quần đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Đá Thị được hình thành từ một rạn san hô có hình ô van, dài chưa đầy 2km, chỉ nhô lên mặt nước rất ít khi thủy triều xuống. Là đảo nhỏ, nhưng Đá Thị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, canh giữ sườn cho cả quần đảo Trường Sa.

Vì sao đảo có tên là Đá (Núi) Thị? Có người trong đoàn hỏi và được nhiều người tự giải thích bằng nhiều cách: “Vì những hòn đá trên đảo có mùi thơm như quả thị”, “vì có nhiều hòn đá chỉ to và tròn như quả thị”, “chắc trên đảo có nhiều cây thị”… Dù giải thích bằng cách nào, trong lòng những người khách đất liền vẫn rất tò mò, thú vị và nóng lòng muốn được sớm đặt chân lên đảo.

Đón khách đất liền giữa cơn mưa

Tính từ ngày rời quân cảng Cam Ranh, phải mất 11 ngày chúng tôi mới rời tàu mẹ (HQ 571) xuống xuồng con lên đảo, sau khi đến với các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, lỡ hẹn với đảo Đá Nam và nhiều ngày đêm neo tàu tránh áp thấp, chờ sóng bớt hung hãn để bảo đảm an toàn. Khoảng 7 giờ sáng, tàu mẹ vừa thả neo cách đảo chừng 1 hải lý thì trời cũng bắt đầu đổ mưa. Mặc dù vậy, để đảm bảo thời gian chủ yếu là phụ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống, bằng kinh nghiệm của một người từng xuôi ngược Trường Sa, Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Trưởng đoàn công tác vẫn quyết định cho mọi người lần lượt xuống xuồng lên đảo.

Lực lượng tiền trạm, phục vụ và các nhà báo được ưu tiên đi các chuyến đầu. Tiếp đó là bộ đội ra làm nhiệm vụ thay quân. Hàng và quà được chuyển lên đảo sau cùng gồm rất nhiều rau củ quả, các loại nhu yếu phẩm, có cả máy lọc nước biển và những giò lan, chậu quất thật đẹp. Những món quà này không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là tình cảm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong cả nước và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân… gửi tặng các cán bộ chiến sĩ đảo chìm Đá Thị.

Mặc dù mưa có phần nặng hạt nhưng đảo vẫn tổ chức đón thủ trưởng và đoàn công tác theo đúng nghi thức trong quân đội. Thấy vậy, từ trên xuồng, đại tá Bùi Đình Dương phất tay ra hiệu cho bộ đội giải tán vào trú mưa. Nhưng như “nắng hạ gặp mưa rào”, nhiều cán bộ chiến sĩ vẫn dầm mình trong mưa, ra tận nơi chân sóng để được là người đầu tiên đón khách đất liền lên đảo. Vui mừng không kém các chủ nhân, cả bầy chó có đến vài chục con cũng nhào ra nguẩy đuôi, ôm chân khách, thi thoảng dừng lại ghếch chân ra vẻ trìu mến, trong đó có con vừa mới lượn nước lên bờ, có con từ trong ổ đẻ chui ra.

Đoàn kết, kiên trung, quyết tâm giữ đảo

Cuộc làm việc, kiểm tra đơn vị, thăm và chúc Tết của thủ trưởng Lữ đoàn 146 với cán bộ chiến sĩ đảo Đá Thị diễn ra rất khẩn trương. Hầu hết thời gian còn lại trên đảo, trưởng đoàn đều dành cho các nhà báo tác nghiệp. Trong phòng làm việc với diện tích khá khiêm tốn của Ban Chỉ huy, Đại úy Nguyễn Văn Dương, đảo trưởng cho biết truyền thống và những hoạt động của đơn vị: Chỉ một ngày sau sự kiện đẫm máu ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ở quần đảo Trường Sa, một lực lượng của Lữ đoàn 146 và Công binh Hải quân đã tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến dịch CQ-88, triển khai quân đóng giữ, bảo vệ đảo Đá Thị. Trải qua 40 năm, được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cả nước, đảo Đá Thị đã được đầu tư xây dựng với điều kiện ngày càng tốt hơn.

Vườn rau “nổi” ở đảo chìm Đá Thị - Ảnh: XUÂN HIẾU

 “Cũng như các đảo chìm khác, khó khăn nhất ở Đá Thị là thiếu nước ngọt và không có đất để trồng cây, rau xanh… Ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước trời. Còn rau xanh thì được trồng trong những khay xốp, thậm chí là vỏ chai nước ngọt”, thượng úy Nguyễn Hữu Son, chính trị viên đảo Đá Thị cho biết. Khó khăn là vậy nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ của đảo luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung sĩ Võ Văn Ny (21 tuổi), khẩu đội trưởng ĐKZ, đang làm nhiệm vụ đứng canh ở cột mốc chủ quyền cho biết, Ny là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, ba mẹ là nông dân ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đây, anh trai thứ ba của Ny cũng là bộ đội Hải quân. “Được tiếp nối anh trai của mình và các thế hệ đi trước làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tôi rất lấy làm vinh dự. Dù khó khăn đến mấy, tôi cùng đồng đội cũng cố gắng vượt qua”, Võ Văn Ny quả quyết.

Còn Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Phi, người con của cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) có những 5 năm liên tục công tác ở Trường Sa, từ Nam Yết đến Sinh Tồn, Tiên Nữ và hiện tại là Đá Thị, chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ được quân chủng đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên các đảo chìm đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Hầu như mỗi giọt nước mưa rơi xuống hòn đảo nhỏ này đều được cán bộ chiến sĩ trên đảo tìm mọi cách để cho vào bể chứa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Hiện dự án lắp máy lọc nước biển thành nước ngọt cũng đang được triển khai dựa vào đóng góp thiện nguyện từ xã hội. Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đảo Đá Thị đã được xây dựng nhà lâu bền khang trang, sạch đẹp, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Trên đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật… Đảo cũng được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại; có trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam… giúp cho cán bộ chiến sĩ cập nhật kịp thời thông tin trong nước và thế giới. Từ đó góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác, rút ngắn khoảng cách giữa đảo chìm với đảo nổi và giữa đất liền với đảo xa, cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Giây phút thật sự xúc động đối với tôi là khi được Chính trị viên của đảo, Thượng úy Nguyễn Hữu Son, người con của quê hương “đất võ trời văn” trao lá cờ Tổ quốc đã từng tung bay ở nơi cột mốc chủ quyền trên đảo gửi tặng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn Báo Phú Yên kèm theo câu nói quả quyết: “Màu cờ tuy đã bạc vì sóng gió nhưng niềm tin và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân của những người lính đảo Trường Sa chúng tôi thì không bao giờ phai nhạt. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, kiên trung, quyết tâm bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khi chia tay thủ trưởng và đoàn công tác, Đại úy Nguyễn Văn Dương, Đảo trưởng đảo Đá Thị một lần nữa quả quyết: “Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng (Lữ đoàn 146 Hải quân ngày nay) qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ chiến sĩ đảo Đá Thị chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nguồn: Chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.445