Lần đó ngồi cạnh tôi là một đứa con của phá Tam Giang. Anh sinh ra ngay ở đầu con phá, mạ anh sinh anh ra cắt rún ngay trên đò trong một đêm mưa lạnh. Anh kể anh biết bơi cả trước biết đi bởi thế bây chừ bơi trên phá còn thấy dễ dàng hơn chạy trên đường…
Người đàn ông của sông nước nên thiệt thà như bùn đáy sông, hỏi chi nói nấy. Có những kiến thức về phá Tam Giang chừ tôi mới biết là nhờ anh. Đó là chuyện, mỗi lần mưa đầu nguồn đổ về, tất cả các loài thủy sản ở Tam Giang đều phải nổi lên nước mà bơi vô nò sáo. Ngư dân Tam Giang gọi dòng nước trên nguồn đổ về là “ nước độc” bởi khi “ nước độc” đổ về cũng là mùa cá mới của phá Tam Giang và nếu không đánh bắt hết thì tất cả các loài thủy sản này đều tự chết. Có thể so sánh mùa cá tôm trên phá cũng như mùa lúa trên ruộng, gặt xong rồi thì phải có cây lúa mới; cá tôm cũng vậy “ nước độc” về thì tự chết để lại sinh sôi nảy nở những bầy đàn thủy sản mới. Hay như chuyện con lệch, có loài như lệch cú, lệch khoai, lệch huyết thì sống ở phá Tam Giang còn loài lệch roi thì ở trên suối theo nước đổ mà về phá. Anh hỏi tôi biết con cá chi là đặc sản của phá Tam Giang không, tôi trả lời là cá dìa. Anh cười: Không phải, phá Tam Giang tính từ Cửa Lác đến Cửa Thuận loài cá sống nhiều nhất, cho thịt ngon nhất là cá bống vì nước phá Tam Giang đoạn này chỉ lơ lớ mặn thôi…
Trở lại chuyện con cá sơn, hồi đó tôi mới vô năm nhất đại học, một chiều thứ bảy về quê theo đường bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu. Hôm đó trời mưa to gió lớn, ngồi quán nhìn mưa đợi cả tiếng đồng hồ mới có đò đi. Phải đến chập tối mới qua được bên kia phá. Đạp xe hết tốc độ thì lên tới Điền Hải trời cũng đã tối. Hai bên đường nhà nhà đã lên đèn. May mắn cho tôi là nhìn vô nhà thằng Cường thấy hắn đang ôm cây đàn. Rứa là đạp xe thẳng vô nhà bạn tá túc luôn. Thằng Cường lúc đó cũng là sinh viên âm nhạc, cũng mới về nhà cuối tuần từ chiều. Thấy tôi hắn vui lắm: “Về nhà không có ai chơi buồn quá, tự nhiên mi ghé nhà, tối ni mần mấy bản nghe!’. Tôi khi đó bụng đã cồn cào lắm rồi nên nói luôn: “ Tau vẫn chưa ăn bữa tối!”. Thằng Cường nghe rứa xuống bếp, lục cơm nguội và lấy luôn một nồi cá sơn kho cay.
Cái món cá sơn hồi trước tôi vốn không thích lắm vì nó nhỏ lại hơi nhiều xương. Nhưng bữa đó ăn cơm với cá sơn kho ớt, có thêm ít lát gừng ngon chi lạ. Cũng từ bữa ăn qua đường nhà bạn mình bỗng dưng thích món cá sơn kho ớt với gừng. Nhưng cũng lâu lắm rồi chưa ăn lại món cá của phá Tam Giang ngày nào…
Tôi hỏi anh Chiến: “ Cá sơn chắc cũng là một loài cá sống ở núi theo dòng nước trôi về sông, về phá mùa mưa tới? “. Anh Chiến cười giải thích: “ Tên nó là sơn nhưng nó sống ở phá Tam Giang chơ không phải ở núi như mấy con cá lúi hay chình. Sở dĩ cá sơn được đánh bắt nhiều khi mùa mưa tới vì dòng nước lạ từ nguồn đổ về khiến cá sơn phản ứng di chuyển lên mặt nước và đi vào nò, sáo…”
Cá sơn không phải được liệt vào loài cá đặc sản của phá Tam Giang như cá dìa, cá nâu, cá bống, cá kình…Bởi thế đến mùa cá sơn, giá mỗi cân cũng chỉ hai ba chục ngàn, có khi rẻ chỉ đến chục ngàn. Cũng ít ai nấu canh với cá sơn mà chỉ chế biến cá sơn với món kho cay với ớt gừng hoặc kho ném. Những con cá sơn to bằng ba ngón tay có thể lóc thịt làm món chả cá sơn chiên ăn cũng rất thấm thía…Có thêm một món khá “độc” được chế biến từ cá sơn đó là mắm cá sơn. Cá sơn rửa sạch, cắt kỳ, vây rồi phơi qua một hai nắng.Sau đó đem làm món mắm theo công thức ba cá, một muối. Món mắm cá sơn ít phổ biến như mắm các loại cá biển nhưng đã ăn một vài lần thì nhớ mãi vì cái vị riêng của loại cá nước lợ.
Cá sơn rẻ là vậy nên là món ăn chủ lực của những người dân làm ruộng nghèo bên phá Tam Giang. Món cá sơn kho với ớt gừng cùng với mo cơm nắm bới theo trong cặp đã từng đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò phải đi học xa nhà những năm còn thiếu thốn…
Nghe anh Chiến nói rằng: mấy ngày ni ở xóm sáo tui đổ nò cả đến gần cả tấn cá sơn, buổi sáng cá sơn bày bán trắng cả mấy hàng cá chợ Mới; tự nhiên nhớ nồi cá sơn kho ở nhà đứa bạn chiều nao. Chắc cuối tuần, phải tranh thủ chạy xe về xóm Sáo, ngồi nhà chồ để thưởng thức mấy món thủy sản mùa mưa, mà phải có nồi cá sơn kho với ớt và gừng…