Phát triển bền vững ‘đặc khu thiên nhiên’ vùng biển
Ngày cập nhật 15/06/2018
Vịnh Hạ Long

Hệ thống “đặc khu thiên nhiên” bao gồm các khu vực có danh hiệu thiên nhiên cấp quốc gia, quốc tế tại các vùng ven biển, hải đảo Việt Nam, là tiềm năng mạnh mẽ để phát triển kinh tế.

Đặc biệt, những vùng có danh hiệu quốc tế trên bờ và trên biển như vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Mỹ Sơn… mang lại hiệu quả phát triển kinh tế to lớn sau khi nhận danh hiệu quốc tế của UNESCO.

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định một trong những mục tiêu cơ bản là “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Để đóng góp vào mục tiêu này, từ năm 2009, Bộ TN&MT tổ chức hằng năm diễn đàn toàn quốc “Thương hiệu biển Việt Nam”. “Thương hiệu biển” từ góc độ tài nguyên-môi trường, đặc biệt thương hiệu theo vùng địa lý là “đặc khu thiên nhiên”, trong đó có các vùng biển được công nhận danh hiệu biển.

Việt Nam đã có nhiều danh hiệu biển được công nhận cấp quốc gia và cấp quốc tế. Trong đó, ở cấp quốc tế có 6 danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 danh hiệu Vịnh đẹp nhất thế giới và 2 danh hiệu Di sản thế giới. Ở mức độ quốc gia thì Khu bảo tồn biển có 16 danh hiệu, Vườn quốc gia 7 danh hiệu, Khu bảo tồn thiên nhiên 3 danh hiệu.

Tác động của vùng địa lý có danh hiệu biển tới kinh tế-xã hội, môi trường quốc gia và địa phương là rất tích cực, với sự đóng góp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng như danh hiệu Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà.

Khi một vùng biển có được danh hiệu biển Việt Nam thì vùng biển đó mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là được nhiều người biết đến hơn; nhiều cấp, ngành và các tổ chức ở trong nước và quốc tế quan tâm; thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường thiên nhiên và điểm đến đối với khách du lịch; một địa chỉ tin cậy hấp dẫn các nhà khoa học, nhà kinh tế và đầu tư liên doanh trên nhiều lĩnh vực; là trung tâm giáo dục truyền thống và phổ biến các tri thức khoa học.

Việt Nam đã bắt đầu có nghiên cứu tác động tích cực của các vùng có danh hiệu biển tới kinh tế-xã hội-môi trường và sinh kế cộng đồng địa phương. Sự gia tăng khách du lịch quốc tế tới các điểm đến là các khu vực “đặc khu thiên nhiên biển” rất lớn và hiệu quả kinh tế tăng mạnh; cơ sở hạ tầng khách sạn, resort phát triển nhanh; việc làm, sinh kế gia tăng.

Từ năm 2003, Chính phủ đã phân ra 5 hạng các khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo tồn loài hoặc sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan, Khu dự trữ tài nguyên. Nước ta cũng đã tham gia và phê chuẩn một số công ước và thỏa thuận quốc tế quan trọng trong vấn đề bảo tồn thiên nhiên biển.

Vì vậy, hệ thống hóa tất cả các vùng có danh hiệu biển và xem xét các tác động kinh tế-xã hội của các khu vực này là rất cần thiết phục vụ quy hoạch và phát triển kinh tế biển bền vững.

Rừng ngập mặn Cần Giờ

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.

Danh hiệu này nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay. Đó là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; duy trì các giá trị văn hoá truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người; phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế.

Hiện Việt Nam có 6 khu vực ven biển và hải đảo được Ủy ban Sinh quyển và con người (MAB) thuộc UNESCO công nhận: Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Quần đảo Cát Bà (2004), Ven biển châu thổ sông Hồng (2004), Ven biển và đảo Kiên Giang (2006), Cù lao Chàm (2009), Mũi Cà Mau (2009).

Khu bảo tồn đất ngập nước ven biển do UNESCO công nhận theo Công ước Ramsar – là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay, cũng như trong tương lai; công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.

Việt Nam có 3 Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar, đó là: Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar ven biển Xuân Thuỷ (được công nhận năm 1989), Cà Mau (2012), Côn Đảo (2014).

CLB những vịnh đẹp nhất thế giới (World”s Most Beautiful Bays-WMBB) đã công nhận 3 vịnh của Việt Nam là: Hạ Long (2003), Nha Trang (2005), Lăng Cô (2009. Riêng Vịnh Hạ Long được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1553 km², bao gồm 1.969 hòn đảo.

Theo Chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.440