“Hậu duệ” nghề biển
Ngày cập nhật 21/05/2018
Nhiều ngư dân trẻ tại thôn Đông Hải nối nghiệp tổ tiên, đóng tàu lớn để bám biển

Một thời, làng chài thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) nghèo "rớt mồng tơi", nhưng độ hơn chục năm trở lại đây, nhiều người ví nơi đây là “làng tỉ phú”. Và không chỉ “tỉ phú” của những nhà to, tàu lớn mà còn là “tỉ phú” của con người – những người trẻ can trường trước sóng.

Những “cột mốc” sống

Chuyện người trẻ không quá mặn mà với nghề biển chẳng có gì lạ, lao động biển thời nay dường như bị… già hóa. Lão ngư Trần Vẹm (thôn Đông Hải) khoát tay, lắc đầu nguầy nguậy khi tôi đề cập đến việc này trong câu chuyện. Lão cắt nghĩa nghề biển với những thăng trầm, dập dìu như cuộc đời của những con người "ăn sóng nói gió". Rằng, ngày xưa khi chưa có tàu to, nhiều ngư dân ở làng chài nép mình bên chân phá này phải lang bạt khắp nơi, làm bạn tàu để kiếm tìm cá tôm. Từ các vùng duyên hải miền Trung như, Bình Định, Bình Thuận đến những vùng đất xa ngái tận miền Nam như Vũng Tàu, Cà Mau… không nơi nào không in dấu chân ngư dân Đông Hải.

“Thời trước khó lắm, dù mang nghiệp của cha ông để lại nhưng tiền mô mà đóng tàu to vươn khơi. Mê nghề nên phải theo đuôi cá tôm đến tận những vùng đất ở miền Nam. Đến lúc trở về quê cũng chỉ “đạp” sóng trên những con thuyền nhỏ, công suất vài chục ngựa. Còn chừ, đội tàu xa bờ ở Đông Hải không ai là không biết. Tàu được đầu tư những trang thiết bị hiện đại nên sản lượng khai thác ngày một cao. Đi biển chừ sướng hơn lúc trước nên mắc chi người trẻ bỏ biển. Ở mô không biết chứ tại vùng biển ni, sau thế hệ tui, lớp con cháu vẫn kế tục nghề biển”, ông Vẹm nói.

Mặc dù có đội tàu công suất lớn lên đến hàng chục chiếc nhưng mặt nước Đông Hải luôn vắng bóng con tàu. Con đường bê tông hun hút với những ngôi nhà cao tầng nằm san sát chỉ còn phụ nữ và trẻ con. Và ở vùng biển này, những người như ông Vẹm không hiếm, đó như những “cột mốc” lùi lại phía sau hậu trường, nhường “sân khấu” lớn cho thế hệ kế cận.

Anh Trần Quang, một trong nhiều ngư dân ở thôn Đông Hải mạnh dạn đóng tàu lớn để vươn khơi

Gặp lão ngư Trần Vinh (thôn Đông Hải) vào buổi chiều đầy nắng. Ông đứng tựa mạn con tàu đang lên đà, mắt hướng về phía  biển. Gần 40 năm làm bạn với con sóng, ông hiểu những gì nghề biển mang lại cho ngư dân. “Tàu tui đang để đứa con cầm lái, vươn khơi gần chục ngày nay, lúc trở về sẽ cập cảng ở Đà Nẵng chứ không ra đây. Sau nhiều năm vươn khơi cùng các con, chừ tui cũng đã có tuổi nên nhường lại mọi việc cho chúng nó”, ông Vinh chia sẻ.

Bây giờ, với ông Vinh, nghề biển phần lớn tồn tại trong ký ức, với những mảng màu khác nhau, có cả vui lẫn buồn. Như lời ông Vinh, độ hơn 2 thập kỷ trước, thuyền vượt sóng chỉ toàn là màu xám. Lênh đênh giữa biển không được trang bị đèn đuốc sáng trưng như bây giờ. Mọi công việc đều dựa vào sức vóc và kinh nghiệm của ngư dân. “Máy dò cá, bộ đàm liên lạc, hệ thống đèn chiếu sáng lúc đó làm chi có. Đánh bắt vào ban đêm, mặt nước đen một màu. Thế hệ trẻ ở Đông Hải đa phần theo cha đi biển từ nhỏ nên họ hiểu nỗi cơ cực ngày ấy. Bây chừ qua rồi thời khó khăn nên con cái tiếp nối nghề của tổ tiên, chúng hiểu được những gì mà nghiệp biển mang lại ”, ông Vinh bày tỏ.

Giữ biển bằng tàu lớn

Về Đông Hải, không dễ để gặp những ngư dân trẻ. Bởi mùa này, phần lớn thời gian họ lênh đênh trên biển, đến mùa trăng mới về nhà nghỉ ngơi độ tuần lễ. Ở thời điểm mà những con tàu đánh bắt xa bờ đang còn miệt mài khai thác ở những ngư trường cách đất liền hàng trăm hải lý, anh Trần Quang miệt mài bên con tàu có công suất ước chừng hơn 1.000 CV vẫn còn thơm mùi gỗ. “Tui nói chuyện với anh 30 phút thôi nhé. Bỏ ra gần 10 tỉ bạc đầu tư làm tàu to nên phải chăm chút cẩn thận, còn hỗ trợ thợ làm việc để nhanh chóng hạ thủy”, anh Quang dặn dò trước khi tôi bắt chuyện.

Từ thuở thiếu thời, anh Quang đã theo cha lang bạt khắp nơi để đánh bắt. Chưa đầy 40 tuổi nhưng đã có gần 25 năm ngang dọc với con nước. Nói về biển, anh tỏ ra khá am tường: “Những năm trở lại đây, không chỉ tại Thừa Thiên Huế mà ngư dân khắp các tỉnh, thành đều đầu tư các trang thiết bị hiện đại để đánh bắt. Máy móc thay thế dần những kinh nghiệm của cha ông thời xưa. Ví dụ như để xác định được cá đã có máy dò định vị đúng ngay tọa độ…”.

Sau nhiều năm vươn khơi với con tàu có công suất 450CV, anh Quang tích cóp, vay mượn từ người thân tự đóng mới chiếc tàu lớn. Trong lúc trò chuyện, tay anh liên tục vuốt nhẹ vào mạn tàu còn chưa sơn quét, màu gỗ còn mới cứng. “Với ngư dân, con tàu là cả cuộc đời. Bất cứ ai khi mang nghiệp biển đều muốn sở hữu cho mình riêng một con tàu. Bây giờ muốn giữ nghề biển phải đóng tàu to. Ở Đông Hải không chỉ tui mà còn nhiều người trẻ khác cũng mạnh dạn đóng tàu to để nối nghiệp của cha ông như, anh Văn Toản, Trần Rin…”, anh Minh bày tỏ.

“Từ nhỏ, anh em tui đã cùng ba vươn khơi. Bây giờ mỗi người đã sở hữu một chiếc tàu riêng. Ba tuổi cao sức yếu nên chỉ theo dõi, đóng vai trò “cố vấn” mà thôi. Ngày trước, khi vươn khơi mạnh ai nấy đánh bắt nhưng chừ đi biển phải có sự liên kết tổ, đội. Do đặc thù của vùng biển Lộc Trì nên tàu của tụi tui phải cập cảng tại Đà Nẵng. Để có sự liên kết, một số người dân ở Lộc Trì cũng mạnh dạn đầu tư cơ sở cung cấp nguyên, nhiên liệu và thu mua ngay tại Đà Nẵng để tạo nên một vòng tròn khép kín”, anh Trần Đen (thôn Đông Hải) chia sẻ.

Hiện nay, số lượng tàu xa bờ tại thôn Đông Hải đã lên đến hàng chục chiếc có công suất lớn. Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì bảo rằng: “Những thế hệ đi biển trước đây bây giờ đã cao tuổi. Đa số những tàu cá tại địa phương, thế hệ trẻ là những người làm thuyền trưởng, tiếp nối nghề biển của ông cha để lại. Theo thống kê có đến gần 80% thuyền trưởng là những người ở độ tuổi từ 30-45. Điều này cho thấy, những người trẻ tuổi vẫn còn đam mê với biển. Họ là “hậu duệ” của nghề ngư”.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.580