Gắn phục hồi hệ sinh thái biển với tạo nghề nghiệp ổn định cho ngư dân
Ngày cập nhật 17/05/2018

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về thực hiện công tác chi trả hỗ trợ, bồi thường sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh vào chiều 16/5, tại thị trấn Thuận An (Phú Vang).

 

Tham dự cùng đoàn công tác Chính phủ có các ông: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía tỉnh có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Mong không để xảy ra sự cố tương tự

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, trước sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương ven biển sâu sát nắm bắt thông tin, báo cáo, tham mưu, đề xuất kịp thời, xử lý nhanh chóng các phần việc trong thẩm quyền, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Sau gần 2 năm, đến thời điểm hiện tại, hoạt động khai thác thủy hải sản biển đã ổn định và dần tăng về sản lượng. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã khôi phục trở lại, thị trường tiêu thụ hải sản ổn định, người dân buôn bán bình thường như trước...

Đến 15/3/2018, toàn tỉnh đã có 46.218 đối tượng được chi trả bồi thường với tổng kinh phí hơn 980 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành công tác chi trả.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác được nghe chính người dân trình bày những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đến đời sống của họ, đề đạt các tâm tư, nguyện vọng để có cuộc sống tốt hơn. Người dân đề xuất Thủ tướng cần chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, đừng để xảy ra thêm một sự cố nào tương tự sự cố Formosa. Ngư dân cũng cảm ơn sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ ngành sớm giúp người dân vùng ảnh hưởng ổn định đời sống. Đồng thời cho biết, bà con đã dành số tiền nhận được từ nguồn hỗ trợ, đền bù để mua sắm ngư lưới cụ, phương tiện tiếp tục vươn khơi, bám biển.

UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực hiện các dự án từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế đặc thù về đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; dự án khôi phục hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản của tỉnh; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định danh mục các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá...

Hỗ trợ tốt hơn nữa đời sống người dân vùng ảnh hưởng

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi chứng kiến cảnh phấn khởi của người dân được nhận tiền đền bù thỏa đáng và sử dụng có hiệu quả nguồn tiền đền bù, hỗ trợ. Vui mừng vì đời sống của Nhân dân tốt hơn, thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn sau những khó khăn do sự cố môi trường. Thủ tướng đánh giá cao sự công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác trong hỗ trợ, đền bù của tỉnh, nhờ sự giám sát của Nhân dân, của chính quyền, cấp ủy đã hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo, không phát sinh khiếu kiện đông người vượt cấp, điểm nóng.

Thủ tướng nhấn mạnh, số tiền hỗ trợ, đền bù đã đi vào đúng các hộ trực tiếp thiệt hại, đã giải quyết được đời sống trước mắt và hỗ trợ cho bà con mua sắm công cụ, phương tiện cho đánh bắt lâu dài, nuôi trồng thủy hải sản. Thay mặt Chính Phủ, Thủ tướng biểu dương tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Vang, trong đó có thị trấn Thuận An đã làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ người dân sau sự cố.

Về một số đề xuất của tỉnh, của ngư dân, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phục hồi hệ sinh thái biển, tạo nghề nghiệp ổn định cho bà con. Thủ tướng quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, chuyển đổi nghề với phương châm đa nghề, đa lĩnh vực, cơ cấu lao động hợp lý. Trước hết, cần quy hoạch lại vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, vừa phát triển du lịch vừa nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh làm tốt hơn việc này. Về đầu tư xây dựng một số cơ sở vật chất, Thủ tướng nói Chính phủ sẽ dành nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh sớm khắc phục khó khăn, trong đó chú trọng tới âu neo đậu tàu thuyền, hậu cần nghề cá. Thủ tướng mong muốn lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ tốt hơn nữa đời sống người dân vùng ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà cho 20 ngư dân; đồng thời, đến tận nhà thăm hỏi, động viên 2 hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Ngày 17/5, hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm về hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quảng Trị sẽ được khai mạc. Tại hội nghị này, Chính phủ cùng với các bộ, ngành và 4 địa phương  bị tác động sẽ đánh giá, tìm giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

 

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.575