Vừa trở về sau gần 20 ngày lên đênh trên biển, dừng chân ở 8 điểm đảo phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa, với những bạn sinh viên của Đội Văn nghệ xung kích Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế đó là một kỉ niệm không thể nào quên.
Đem Huế ra với Trường Sa
“Hành trình đem tiếng hát ra với chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các điểm đảo nằm trong quần đảo Trường Sa sẽ là kí ức tuyệt với trong cuộc đời chúng mình. Có những kỉ niệm khó nói được thành lời…”, các thành viên Đội Văn nghệ xung kích Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế hào hứng chia sẻ ngay sau khi trở về Cố đô thân yêu.
Màu áo dài tím Huế hòa cùng màu áo lính biển. Ảnh: Văn Cảnh
Những ngày cuối tháng 5, con tàu KN-409 chở đoàn thân nhân các chiến sĩ cùng những bạn trẻ Đội văn nghệ xung kích của Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế rời cảng Cái Lát (TP. Hồ Chí Minh) xuất phát đi thăm các điểm đảo phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa. Vừa đặt chân lên tàu, ai cũng có chung cảm giác háo hức, mong được đến nơi để gặp các chiến sĩ. “Và rồi khi đặt chân lên điểm đảo đầu tiên, chứng kiến cảnh người thân và các chiến sĩ ôm nhau khóc, chúng mình cũng không kìm được nước mắt. Một hình ảnh thật xúc động”, Phạm Văn Lương (sinh viên năm 4, khoa Ngữ văn) – thành viên của đoàn kể lại.
Lương cho biết, chuyến đi này không chỉ với vai trò đem tiếng hát để phục vụ các chiến sĩ, mà đây là chuyến đi của cuộc đời. Cùng với trách nhiệm của một người trẻ, Lương nhận ra rằng, mọi thứ gian nan, vất vả chẳng là gì so với những người lính trẻ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển chủ quyền Tổ quốc. “Cảm giác được trò chuyện, hát cùng những người lính trẻ cùng lứa tuổi mọi khoảng cách giữa đất liền và đảo xa đã không còn nữa. Tiếng hát cất lên gợi cho mình nhiều cảm xúc, sự tri ân về những công việc thầm lặng của các chiến sĩ”, Lương chia sẻ.
Có chung cảm xúc như Lương là sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh viên năm 4, khoa Ngữ văn), thành viên có giọng ca “ngọt” nhất trong đoàn văn nghệ lần này. Linh tâm sự, mỗi điểm đảo đặt chân đến mang một cảm xúc khác nhau. “Điểm đảo đầu tiên mình đặt chân lên là Song Tử Tây. Khi tàu còn ở xa, nhìn vào mọi thứ ẩn hiện với tán cây xanh, mái ngói trên đảo khiến mình liên tưởng đến một miền quê hương thân quen. Dù thời tiết ở đây khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường bám biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc khiến mình vô cùng cảm phục ”, Linh nói.
Linh, Lương và các thành viên trong đội đã khiến các chiến sĩ ấn tượng với sự chuẩn bị kĩ lưỡng khi đưa hình ảnh tà áo dài tím, chiếc nón lá và những ca khúc viết về Huế ra đảo lần này. Ấn tượng nhất có lẽ màn trình diễn ca khúc Rất Huế. Bằng giọng nhẹ nhàng, ấm cúng cùng điệu múa uyển chuyển, những ca từ thân thương của vùng đất Cố đô như tiếp thêm một ngọn lửa trong trái tim của những người lính nơi biên cương. “Khi ca khúc vừa kết thúc, một chiến sĩ đã tặng mình một bông hoa sứ và xin được cài lên mái tóc. Đó có lẽ là kỉ niệm ấn tượng nhất mà mình không bao giờ quên trong chuyến đi này”, Linh nhớ lại.
Trường Sa… không xa
Đó là khẳng định của các thành viên đội Văn nghệ xung kích khi nói về chuyến đi Trường Sa ý nghĩa. Anh Đoàn Văn Cảnh, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, “tổng đạo diễn” các tiết mục trong chuyến đi lần này không khỏi tự hào khi được đem lời ca tiếng hát đến với những người chiến sĩ. Không sân khấu được trang trí hoành tráng, không âm thanh sang trọng, chỉ có cây đàn ghita nhưng không khí lúc nào cũng sôi nổi, gần gũi, ấm áp bên chân sóng, nơi đầu ngọn gió và dường như không có khoảng cách giữa khán giả với ca sĩ, người hát… Anh Cảnh tâm tình: “Dù không phải là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng chúng mình cảm thấy tự hào khi được biểu diễn, được hát cho nhau nghe, kể cho nhau những câu chuyện. Hơn nữa, các chiến sĩ cũng trẻ tuổi nên có sự tương đồng trong suy nghĩ”.
Các thành viên Đội Văn nghệ xung kích Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế cùng cán bộ nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: Văn Cảnh
Với vô vàng cảm xúc trong chuyến đi này, anh Cảnh đã tự mình viết nên hay ca khúc Tự hào người lính Trường Sa và Tặng anh người lính đảo để tặng cho các chiến sĩ. Cả hai ca khúc đều lấy bối cảnh tình yêu bình đảo, người lính và sự can trường của họ. Khi lời hát vang lên, ai cũng nghẹn ngào.
Trong chuyến đi lần này, có lẽ nhiều người sẽ không quên được buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14/3/1988 vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Ngay tại khu vực đảo Len Đao, đoàn đã được nghe về sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam.
Một tiết mục múa của Đội Văn nghệ xung kích Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế phục vụ cho hàng trăm chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ảnh: Văn Cảnh
Dâng nén hương, nhiều người không kìm được nước mắt. TS Vũ Đình Bảy, giảng viên khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, thành viên của đoàn nói rằng, chuyến đi lần này chưa dừng lại đây. Tất cả sẽ là bài học để lưu lại và nhắc nhở cho thệ hệ mai sau biết được ông cha ta đã bảo vệ chủ quyền như thế nào. “Chuyến đi này sẽ được chúng tôi đưa vào từng bài giảng, ấy là những câu chuyện chân thật nhất, minh chứng lịch sử cụ thể nhất. Thông qua đó, để các bạn trẻ sau này hiểu hơn, thêm yêu đất nước và ra sức để bảo vệ chủ quyền tổ quốc”, thầy Bảy khẳng định.
Trở về đất liền với những kỉ vật như trái bàng vuông, bông hoa sứ chưa kịp héo hay những nắm cát, vỏ ốc… nhưng ai ai cũng tràn đầy cảm xúc hân hoan. Những cái ôm thật chặt, giọt nước mắt ân tình tất cả như vẫn còn đó. Trường Sa nhưng không xa, và ước nguyện của họ cũng như nhiều bạn trẻ khác sẽ được quay trở lại hoặc được đến vùng biển thiêng liêng ấy ít nhất dù một lần trong đời.