Can trường trên biển xa
Rạng sáng 27/1, tàu 632 thuộc Hải đội 511 Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân hụ những hồi còi trầm hùng chào đồng đội, rời đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thực hiện nhiệm vụ bắt đầu cuộc hành trình đưa đoàn công tác hơn 100 phóng viên báo, đài Trung ương, địa phương trên toàn quốc và đại diện Đảng bộ, chính quyền các tỉnh phía Nam đến với chiến sĩ, Nhân dân trên tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Thuyền trưởng là Thượng úy Phan Văn Hiếu, 33 tuổi. Sĩ quan, chiến sĩ trên tàu đều còn rất trẻ. Sóng lớn. Tàu chao, lắc, nhưng những bước chân từ mạn trái sang mạn phải, lên boong tàu, ca bin…, thoăn thoắt, động tác thực hiện nhiệm vụ luôn đảm bảo chính xác. Anh Hiếu bảo, lênh đênh trên biển, sóng gió, gian khổ đã tôi luyện vững vàng, can trường cho người lính. Và những chuyến làm nhiệm vụ tính bằng tháng, nhiều tháng, có khi gần nửa năm trời trên biển là chuyện bình thường đối với bộ đội hải quân. Có chuyến làm nhiệm vụ kéo dài 99 ngày, tàu của Hiếu gặp 3 cơn bão lớn. Con tàu chỉ chịu được sóng gió cấp 7, nhưng bão giật cấp 12. Có lúc tàu nghiêng đến 28 độ. Boong đầy nước. Nước ùa lên ca bin, sóng tưởng như trùm cả con tàu. Lúc đó, thuyền trưởng phải chỉ huy điều khiển tàu ngược gió, ngược dòng, lúc đi chếch mạn trái, khi chếch mạn phải, tùy cơ ứng biến, có thể đi chậm, đi lùi để “luồn” qua bão dữ. Nếu người chiến sĩ hải quân không ý chí can trường, không quyết tâm, đồng lòng thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ bình yên biển đảo của Tổ quốc, bình yên cuộc sống.
Lê Văn Hùng, Trung úy quân y sĩ Đội điều trị 78 Phòng Hậu cần Vùng 5 Hải quân, nhận nhiệm vụ trong chuyến công tác lần này, là người đã từng ròng rã 18 tháng trên tàu đưa chiến sĩ công binh, vật liệu xây dựng ra Trường Sa xây dựng đảo Trường Sa Đông và Đá Lát. Anh chia sẻ rằng, sẽ không bao giờ quên những tháng ngày gian khổ nhưng rất đáng tự hào. 540 ngày lênh đênh là những ngày không nguôi nỗi nhớ gia đình, vượt qua nhiều cơn bão tố, anh đã cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Tân binh lần đầu gặp sóng to gió lớn, say sóng nằm bẹp dí, không ăn được gì, nôn ra mật xanh mật vàng. Ngay cả tôi là y sĩ và dày dạn sóng gió mà cũng rất mệt. Nhưng mệt thì mệt, tôi không cho phép mình đuối vì còn phải chăm sóc đảm bảo sức khỏe cho người khác”. Trung úy Hùng kể, trong những cơn chao lắc dữ dội, anh cố gắng đưa từng hộp sữa đã găm sẵn ống hút cho tân binh. Rất thương khi có em đến sữa cũng không uống nổi. Thế nhưng, “rèn” qua vài trận bão, các tân binh dần dần trở thành người lính hải quân vững chãi trong phong ba.
Những trái tim thắp lửa
Từ xóm chài nghèo nằm dưới chân đảo Hòn Chuối (thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nhóm phóng viên chúng tôi gần như đứt hơi mới leo lên được lưng chừng vách dốc cheo leo, nơi có Đồn Biên phòng 704 (Đồn Biên phòng Hòn Chuối). Trong lớp học tình thương của đồn, 22 học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 chăm chú vào trang vở, bảng đen. Thầy giáo-Trung úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, hết giảng cho “lớp” này xong, quay qua dạy “lớp” khác. Những ánh mắt trẻ thơ khiến không gian dịu lắng đi giữa cái nắng cái gió.
Lễ tiễn quân của Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân
Hòn đảo chủ yếu là vách đứng, không có bãi cát, đi lại khó khăn. Nước ngọt thiếu. 54 hộ với 177 nhân khẩu trên đảo hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo. Trẻ em mới nhúm tuổi đã phải phụ cha mẹ mưu sinh. Nhiều năm trước, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã mở lớp học để dạy chữ, xóa mù cho người dân trên đảo. Nhưng cái ăn còn thiếu nên bà con không thiết tha chữ nghĩa, chẳng mặn mà việc cho con đi học. “Các em đói chữ, nhiều cánh cửa ước mơ sẽ khép lại. Ai cũng có lòng trắc ẩn. Nhưng là người lính, xót thương phải đi đôi với hành động”. Đó là suy nghĩ của Trung úy Phục. Nung nấu “thắp lửa” lớp học tình thương, anh đề xuất cho được dạy thử. Quyết tâm của anh cũng chính là tâm huyết của đồn trưởng và cán bộ chiến sĩ đơn vị, học trò đến tuổi phải được đến trường. Ngày nối ngày, các anh đến từng nhà vận động, dấu chân mòn dốc. Cha mẹ học trò “ngập ngừng” cho con đến lớp.
Thầy Phục miệt mài soạn giáo án, đứng lớp ròng rã, tận tình chỉ dạy cho từng em, “quên” cả thời gian nghỉ phép hiếm hoi dành cho gia đình. Anh vừa dạy vừa tự học thêm để nâng cao kiến thức, kỹ năng. 7 năm với biết bao tâm huyết của Trung úy Phục, của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, đến bây giờ, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến lớp, và đã có 17 em vào đất liền tiếp tục theo con chữ, chắp cánh ước mơ. Đó là điều kỳ diệu các anh đã tạo ra nơi đảo xa.
Lớp học do Đồn Biên phòng Hòn Chuối tổ chức
Đó cũng là tình yêu, quyết tâm giữ vững những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, mà Trung úy Nguyễn Văn Quang, quân y Trạm radar 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân (đóng trên đảo Hòn Khoai, hòn đảo chưa có dân ở, tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) và đồng đội thắp lên trong lồng ngực, lan tỏa đến gia đình, hậu phương. “Khi vợ tôi ở Hà Nội sắp sinh con đầu lòng, tôi được đơn vị cho về phép. Thế nhưng lúc đó biển động, tàu không thể cập đảo nên tôi đành… ngóng về nhà, cầu mong mẹ tròn con vuông”. Trung úy Quang kể, sau đó anh nhận nhiệm vụ đi trao đá chủ quyền của Trường Sa cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, nên đến lúc về thăm nhà thì con đã 1 tuổi. Cô con gái khóc ré lên khi bố ôm chầm, vì chưa thấy mặt, chưa nghe hơi bố bao giờ. 9 năm chồng đằng đẵng đảo xa, nhưng người vợ vẫn động viên anh yên tâm công tác. Cũng như không biết bao nhiêu người vợ khác, chị chấp nhận xa cách, nhớ nhung…, bởi phải có người lính cầm chắc tay súng nơi hải đảo, biên cương, cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc.
Giữa trưa, không gian lắng đọng càng nghe rõ tiếng sóng biển trầm vang dội vào vách đá. Chính trị viên trạm radar 615 (đóng trên đảo Hòn Chuối, thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) dõi ánh mắt xa xăm về cuối chân trời. Nhưng anh lại nở nụ cười, dí dỏm kể: “Mỗi lần nói chuyện điện thoại với con trai, mẹ tôi thường “dỗi”, mày đừng về nữa. Mày đi quá lâu, xa mẹ quá lâu rồi. Mẹ đã quen với cảnh xa con. Nếu mày về, mẹ lại… không quen. Nói vậy, nhưng tôi biết lúc nào mẹ cũng mong tôi hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của người lính giữ biển, giữ đảo. Đó cũng là ước nguyện của cha tôi, một người lính. Lúc còn sống, khi tôi nói sẽ học, sẽ phấn đấu để được giống như cha, ông đã cười rất hạnh phúc, nắm tay tôi thật chặt như những người đồng đội, tiếp bước cha ông, cùng chung một chí hướng, tình yêu…