Rời đảo Đá Tây, tàu KN 490 vượt sóng gió đến với đảo Trường Sa Đông, hòn đảo nổi cách Đá Tây chừng 6 hải lý (khoảng 11,1km). Trường Sa Đông là hòn đảo khá đẹp bởi hình thành từ một bãi cát nằm theo trục Đông-Tây, nổi lên trên rạn san hô cạn có chiều dài khoảng 200m, chiều rộng khoảng 60m. Diện tích của đảo khoảng 3ha, ở phần phía tây của đảo còn có một dải cát nhỏ. Nhìn từ xa, đảo hiện lên một màu xanh ngắt, giữa bốn bề sóng biển.
Tàu KN 490 tuy hiện đại nhưng vẫn rất khó khăn khi tìm vị trí thả neo gần đảo. Nước biển sâu, dòng chảy ngầm mạnh cùng với thời tiết giông gió làm tàu rung lắc sau mỗi lần dừng lại thả neo. Từ vị trí tàu thả neo, cách đảo không xa, chỉ khoảng 400m, nhưng do biển động, sóng cao nên xuồng trung chuyển không thể ra, vào đảo theo đúng kế hoạch. Mất 4 ngày chờ đợi, nhưng giông gió vẫn thất thường, Trưởng đoàn công tác, Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 phải họp đoàn công tác và đi đến quyết định: Dù thời tiết xấu nhưng vẫn quyết tâm vào đảo, bởi thời gian theo kế hoạch không cho phép kéo dài. Xuồng nhỏ chòng chành, lắc lư theo con sóng như muốn lật nhào. Những người thợ máy, người kéo dây và tổ lái xuồng phải vận động cật lực, tìm cách tốt nhất có thể để đưa người và hàng hóa lên xuồng vào đảo an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông trồng cây tạo màu xanh cho đảo.
Ngồi trên xuồng nhỏ giữa biển trời mênh mông, tận mắt chứng kiến những vòng xoáy nước, những đợt sóng lừng khiến chúng tôi không khỏi lo âu, tay nắm chặt vào xuồng, mắt nhìn thẳng về hướng đảo, thầm mong mọi sự bình an… Hạnh phúc vỡ òa khi bước được chân lên đảo, trong sự hỗ trợ đắc lực của những người lính hải quân, mọi người ôm chầm lấy nhau như gặp lại người thân lâu ngày xa cách. Cảm xúc lắng đọng chực dâng trào trong từng ánh nhìn, cử chỉ.
Đối lập với giông gió biển khơi, ấn tượng đầu tiên khi đoàn chúng tôi đặt chân lên Trường Sa Đông là đảo nhỏ thanh bình đến kỳ lạ với một màu xanh ngát của bàng vuông, bàng ta, cây tra, cây dừa, phong ba, bão táp... Từ một đảo đá san hô và cát biển trơ trọi, cằn cỗi, đến nay cây xanh đã chiếm hơn 80% diện tích của đảo. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng, mưa, giông bão thất thường, lại nằm trên bãi san hô ngập nước, lớp mùn san hô trên đảo mỏng, rất khó cho việc trồng cây xanh. Thế nhưng, dưới bàn tay, khối óc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo trong nhiều năm qua, đảo Trường Sa Đông giờ đã được phủ một màu xanh của sự sống.
Chúng tôi đi giữa những lối đi nhỏ bằng bê tông xuyên dưới tán bàng vuông, cây tra đã vào tuổi đại thụ, cảm giác như đang trên một làng quê biển ở đất liền. Trung tá Trần Minh Đức, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết: Để thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp chúng tôi thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong việc trồng và chăm sóc cây xanh. Hàng năm, đều trồng mới, nhân giống bàng vuông, bàng ta bằng hạt và chiết cành, thông qua việc truyền cho nhau kinh nghiệm của những người đi trước. Để quản lý và chăm sóc tốt, đảo có đánh số cây, giao về từng bộ phận có trách nhiệm duy trì, phát triển hệ thống cây xanh trên đảo, coi đây là một tiêu chí thi đua. Riêng trong năm 2017, toàn đảo đã trồng mới được trên 285 cây tạo màu xanh cho đảo, chủ yếu là bàng vuông, dừa và tra.
Hưởng ứng Tết trồng cây, đảo đã duy trì việc trồng cây vào dịp đầu xuân và các phong trào Đoàn thanh niên. Đặc biệt, các đồng chí công tác tại đảo sau khi rời đảo sẽ trồng cây lưu niệm để tạo màu xanh tươi cho đảo và góp thêm niềm tin giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trung tá Trần Minh Đức cho biết thêm: Năm 2017, do ảnh hưởng của bão số 15 và 16, hệ thống cây xanh đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Để hạn chế thiệt hại, trước bão chúng tôi đã chủ động cắt tỉa những cành cao dễ gãy đổ. Sau bão những cây bị ngã đổ đã được dựng lại, chăm sóc nên hiện nay cây đã phát triển tốt, có màu xanh trở lại.
Không chỉ có màu xanh, một ngày Đoàn công tác lưu lại trên đảo Trường Sa Đông là thời gian chúng tôi đón nhận trọn vẹn tình cảm chân tình của những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng Tổ quốc, các anh chăm lo chu đáo từng bữa cơm, nhường nơi ngủ vốn ít ỏi cho khách... Nghĩa tình còn gói trọn trong từng tấm bánh chưng xanh mà bộ đội trên đảo đã thức đêm canh nấu; là lời ca, tiếng hát trao gửi trong đêm văn nghệ, hái hoa dân chủ “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Chúng tôi cũng cảm nhận được sự chịu thương, chịu khó của những người lính trẻ sau giờ huấn luyện lại cùng nhau tăng gia sản xuất, chăm sóc đàn heo, đàn gà, vịt và vườn rau xanh...
Những phút giây ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận về tinh thần người lính đảo luôn sống lạc quan, yêu đời, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Những cây bàng vuông, cây phong ba vẫn tỏa bóng mát xanh, như sức sống của người lính đảo, luôn kiên cường trong giông bão, để Trường Sa Đông mãi vững như bức thành đồng.