Chủ quyền biên đảo: Góp cờ Tổ quốc ra đảo
Ngày cập nhật 19/12/2017

Chúng tôi thật sự bị tác động mạnh khi được Tiến sĩ Vũ Đình Bảy, Trưởng Khoa Giáo dục chính trị (Trường Đại học Sư phạm Huế) - người khởi xướng chương trình Góp cờ Tổ quốc cho biết: “Chỉ sau 9 tháng phát động, chương trình đã nhận được gần 11.000 lá cờ Tổ quốc của hàng vạn đồng bào trên khắp mọi miền đất nước, của kiều bào và bạn bè nước ngoài gửi tặng”. 

Tiến sĩ Vũ Đình Bảy cho biết trước đó, đoàn đã gửi tặng 3.500 lá cờ cho các chiến sĩ Trường Sa. Chương trình nằm trong khuôn khổ phát động để hưởng ứng kỷ niệm 20 năm thành lập khoa và 60 năm thành lập trường, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng, đồng nghiệp, sinh viên, cho đến các cựu sinh viên, các cô chú tiểu thương, ... từ mọi miền gửi về với những lời nhắn đầy xúc động.

“Có những cựu sinh viên lặn lội từ Hà Tĩnh, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ra tận nơi để ủng hộ cờ. Cũng có những giáo viên, học sinh ở tận Bắc Kạn hay kiều bào ở Mỹ, Úc, Lào... tổ chức kêu gọi ủng hộ rồi đóng thùng gửi về cho chúng tôi. Tất cả những việc làm ấy góp phần vun đắp lòng yêu nước, yêu quê hương vô bờ của mỗi người con Việt Nam”, Tiến sĩ Bảy tâm sự.

Khi có cờ Tổ quốc gửi về số lượng rất lớn, đoàn thống nhất chọn kích thước cờ 0,8 - 1,2m. Cờ gửi tặng phải mới, chất lượng vải tốt để chống chịu được khí hậu thời tiết khắc nghiệt ở các đảo và nhà giàn, nhằm kéo dài thời gian treo cũng như lâu phai màu. Đặc biệt là trong suốt hành trình “Góp cờ Tổ quốc”, khi đi qua các tỉnh, đoàn còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cán bộ phường, xã, trường học, các chiến sĩ cảnh sát... “Nhờ mọi người cho chúng tôi gửi tình yêu nhỏ này đến các ngư dân, chiến sĩ”, “Mong rằng, lá cờ này sẽ bay giữa Trường Sa thân yêu” , “Tất cả vì biển đảo quê hương” - đó là những lời nhắn gửi đầy cảm xúc của các cán bộ, thầy cô giáo, chiến sĩ, người dân trong cuộc hành trình dài ngày mà đoàn có được.

Khi đoàn đến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), một buổi lễ trao tặng cờ diễn ra thật xúc động giữa đoàn và cán bộ cùng dân đảo nơi đây. 3.000 lá cờ Tổ quốc rất đỗi thân quen mà thiêng liêng vô cùng khi được đoàn trao tận tay ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Để từ đây, lá cờ Tổ quốc mang theo tình cảm nồng ấm của đất liền sẽ sát cánh cùng ngư dân trong những chuyến biển xa.

Tiếp tục hành trình về quân cảng Cam Ranh, đoàn tiếp tục trao những món quà ý nghĩa đến với quân và dân Trường Sa. Hơn 4.000 lá cờ Tổ quốc và 2.000 tập vở đã được gửi đến đại diện Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân để chuyển cho quân và dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Chính ủy Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân - Đại tá Nguyễn Văn Thắng thật sự cảm động trước những tấm lòng dành cho người dân, chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc. “Ở đảo xa lúc nào cũng nhận được hơi ấm đất liền. Đó là nguồn động viên vô giá để chúng tôi dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”, Đại tá Thắng hứa.

Suốt chặng đường rong ruổi về các miền biển đảo của Tổ quốc thân yêu để ghi lại những khoảnh khắc, hoạt động hướng về biển đảo, tôi thật sự cảm kích trước chương trình đầy nhân bản hướng tới niềm tự hào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Huế. Chương trình đã thực sự có sức lan tỏa lớn, khi mà 11.000 lá cờ của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các em nhỏ cho đến các cụ lớn tuổi và đồng bào ở nước ngoài gửi về. “Mong rằng những lá cờ Tổ quốc sẽ tiếp sức cho các chiến sĩ, ngư dân bền chí, vững tâm hơn trong công cuộc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo. Thông điệp của chúng tôi là luôn sát cánh ở bên các chiến sĩ và ngư dân”, lãnh đạo trường gửi gắm.

Khi Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân đã gửi tặng lại 30 lá cờ Tổ quốc được đem về từ 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa cho Trường Đại học Sư phạm Huế làm cho đoàn dâng trào cảm xúc. Mỗi thành viên đoàn khi được nhận lấy “kỷ vật từ Trường Sa” ai cũng rưng rưng nước mắt vì cảm động. Đây là những lá cờ đã trải qua phong ba bão gió, cờ được treo ở các đảo, thể hiện chủ quyền của Việt Nam. Giữa muôn trùng biển khơi, những lá cờ này được các chiến sĩ đem trở về đất liền. Có những lá cờ tuy không còn nguyên vẹn bởi phong ba bão táp nhưng đã được các chiến sĩ nâng niu, gấp xếp tặng lại Trường Đại học Sư phạm Huế. Trên từng lá cờ ấy đều có đóng dấu, và ký tên của chính trị viên điểm đảo đó.

Cũng từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đoàn trường được quân và dân nơi đây trao tặng túi cát mang về từ Hoàng Sa cùng lá cờ từng được treo trên đỉnh núi Thới Lới. Đó là những tình cảm chan chứa, ăm ắp nghĩa tình của bà con, chiến sĩ xứ đảo thân yêu gửi về đất liền.

Qua sự kiện tiếp nhận đất thiêng từ cả ba miền đất nước hòa vào đất đảo và góp cờ Tổ quốc đến với quân và dân vùng biển, đảo quê hương... như biểu tượng của non sông thêm một lần nữa được “thắp sáng”. Và cùng với những Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Bái Tử Long, Hạ Long, Hòn Mê, Hòn Mát, Hòn Ngư, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Cù Lao Thu, Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Phú Quốc... luôn nhắc nhớ chúng ta hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần đất thiêng liêng của Tổ quốc, do nhiều đời ông cha ta khám phá và thực thi chủ quyền từ xa xưa, mà trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam muôn đời sau phải quyết tâm gìn giữ và bảo vệ.

H.Đ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 395