Chủ quyền biển đảo: Tiếp nhận đất thiêng
Ngày cập nhật 15/12/2017

 “Hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở đây để thực hiện nghi thức tiếp nhận đất thiêng của Cố đô Huế gửi ra Trường Sa - vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Cùng với đất thiêng tiếp nhận từ cả ba miền của Tổ quốc, những nắm đất từ Cố đô Huế sẽ hòa quyện vào đất Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền non sông, tiếp nối sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam”- nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung trang trọng tại buổi tiếp nhận đất thiêng Cố đô Huế gửi Trường Sa.

Buổi sáng tháng 5/2017, hôm ấy trời xanh trong nắng vàng, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, một người thuộc dòng dõi Nguyễn phước tộc được chọn thay mặt đoàn thực hiện các nghi lễ trước giờ lấy đất. Trong tâm thế kính cẩn nghiêm trang với trang phục áo dài, khăn đóng ông thắp nén hương cùng cả đoàn khấn vái với đất trời xin phép lấy đất gửi Trường Sa.

Khi nén hương vừa tàn, cũng là lúc đoàn chọn một điểm đất ngay trong khuôn viên đàn Nam Giao, tất cả dường như lắng lại, đoàn hạ chiếc hộp gắn dòng chữ “Đất thiêng gửi Trường Sa - từ Cố đô Huế” rồi thận trọng xới đất đưa vào hộp. Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, chuyên gia về lễ nghi ở Huế, thành kính vốc bốn nắm đất ở bốn phương đông tây nam bắc, trang trọng đặt vào chiếc hộp gửi đi Trường Sa. Đoàn tiếp tục đi về phía đầu nguồn sông Hương nơi có Văn Miếu và Võ Miếu. Dưới chân hai hàng bia đá ghi danh những người có công lao bảo vệ đất nước, nắm đất từ Văn Miếu - Võ Miếu gửi ra Trường Sa là để nối liền hào khí bao đời của dân tộc.

Tiếp đến đoàn dừng chân xin lấy đất ở đàn Xã Tắc nằm ở Kinh thành Huế, được xây dựng năm Gia Long thứ 5 (1806). Ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình khi xây dựng đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trên toàn quốc theo chỉ dụ của triều đình phải góp đất sạch để đắp đàn. Đàn Xã Tắc trở thành biểu tượng thiêng liêng của quốc gia – tượng trưng cho đất đai của cả nước.

Sau khi lấy xong nắm đất ở điểm cuối cùng là Hoàng thành Huế, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao nói: “Trong khuôn đất này có đủ cả thiên - địa - nhân, trời - đất - con người nước Việt. Đặc biệt là đất đàn Xã Tắc là đất cả nước góp về Huế. Bây giờ đất Huế đưa ra Trường Sa. Hồn thiêng xã tắc quốc gia sẽ tạo vượng khí cho vùng đảo xa của Tổ quốc”.

Từ Kinh thành Huế, chúng tôi nghĩ về những đội hùng binh Hoàng Sa, Bắc Hải năm xưa và những người lính trên quần đảo Trường Sa hôm nay. Nắm đất từ Cố đô Huế thấm đẫm bao hồn người Việt sẽ hòa tan vào những tấc đất thiêng liêng của Trường Sa. Để Trường Sa luôn xanh tốt và vững chải trước sóng gió biển khơi.

Và không chỉ ở Cố đô Huế, chương trình còn đi khắp cả nước tiếp nhận những khuôn đất thiêng được lấy từ Lũng Cú, đồi A1 Điện Biên Phủ, đất Tổ Đền Hùng, lăng Bác, dãy Trường Sơn, địa đạo Củ Chi và đất Mũi... Tiếp đến, đoàn công tác Quân chủng Hải quân Việt Nam đưa đất thiêng từ mọi miền ra và trộn lẫn với đất Trường Sa.

Không chờ đợi quá lâu, đến ngày 28/9/2017, đại diện báo Tuổi trẻ và Quân chủng Hải quân Việt Nam đã mang những khuôn đất từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa về với đất liền để hòa vào đàn Xã Tắc, với ý nghĩa xã tắc non sông vẹn toàn, Trường Sa luôn ở trong lòng người dân Việt. Ngay sau lễ tiếp nhận, nghi thức hòa đất thiêng của Trường Sa vào đàn Xã Tắc đã được tiến hành trong không gian nghiêm cẩn.

Chứng kiến khoảnh khắc hôm ấy, khi mỗi nắm đất hòa vào đất mẹ hôm nay là khát vọng chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển, đảo bao la. Mỗi nắm đất là một phần máu xương của bao thế hệ người Việt ngã xuống góp phần bảo vệ biên cương, lãnh hải, tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

H.Đ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 466