Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh phát triển vùng kinh tế biển và đầm phá theo Nghị quyết Tỉnh ủy
Ngày cập nhật 11/12/2017

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 15/62007 và 5 năm thực hiện nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy, vùng ven biển, đầm phá có những chuyển biến hết sức quan trọng. Kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư tương đối đồng bộ. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá, khai thác thủy sản ngày một tăng, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ phát triển nhanh...

Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá được tỉnh quan tâm đầu tư, công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện quyết liệt. Qua đó, du lịch cũng tăng trưởng theo. Kinh tế hàng hải phát triển đúng định hướng. Đặc biệt, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngày một tương đối hoàn chỉnh hơn.

Tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều công trình trọng điểm của Chính phủ chưa được ưu tiên đầu tư. Dịch vụ hỗ trợ phát triển nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, hệ thống cảng cá, khu neo đậu chưa hoàn thiện, tình trạng bồi lấp cửa biển vẫn liên tục diễn ra. Việc chế biến sản phẩm thủy sản chưa mạnh, khả năng cạnh tranh thấp. Nhiều dự án khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô triển khai chậm. Một bộ phận nhân dân bị mất việc làm, tái nghèo và nguy cơ tái nghèo do tác động của sự cố môi trường biển. Công tác bảo vệ môi trường còn bất cập. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, kinh doanh chưa được đầu tư đúng mức. Chưa có nguồn lực riêng để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, những chương trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt. Đáng chú ý là do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng ở nhiều điểm trên toàn tuyến bờ biển.

Bản đồ quy hoạch cảng Chân Mây - Phú Lộc

Những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian đến như, rà soát các công trình dự án có tính đột phá. Trong đó, xây dựng các dự án khả thi để huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng Thủy Phù – Vinh Thanh, Chợ Mai – Tân Mỹ, quốc lộ 49B, hệ thống giao thông trong khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, đường ven đầm phá, đê chắn sóng cảng Chân Mây. Ưu tiên cân đối bố trí và lồng ghép nguồn lực hợp lý đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ cho nuôi trồng, khai thác thủy sản đồng thời phòng chống thiên tai.

Phát triển mạnh kinh tế thủy sản để nâng cao đời sống và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng biển, đầm phá. Theo đó, tập trung phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ mạnh, hiện đại, vươn khơi bám biển dài ngày. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án khu neo đậu kết hợp bến cá Cầu Hai, mở rộng cảng cá Thuận An, khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải. Khơi thông, nạo vét luồng lạch bảo đảm cho tàu, thuyền hoạt động an toàn...

Phát triển du lịch biển và đầm phá, trong đó quy hoạch phát triển theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng với các dự án lớn của doanh nghiệp. Hỗ trợ, đôn đốc triển khai dự án sân golf Lộc Bình, sân golf quốc tế Vinh Thanh, biệt thự ven biển... nghiên cứu mô hình kinh doanh bất động sản du lịch đối với dự án du lịch có quy mô lớn.

Vận động, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch biển, đầm phá. Liên kết các đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến, điểm du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến giao thông đến điểm du lịch, bến thuyền du lịch.

Phát triển công nghiệp ven biển, đầm phá, cụ thể là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp dệt, may ở khu vực ven biển Phú Đa, Phú Lộc, Phong Điền. Đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp thủy sản. Đầu tư phát triển điện mặt trời, điện gió ở khu vực Phong Điền, Chân Mây – Lăng Cô...

Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện “treo thuyền” trong mùa tôm, cá sinh sản gắn với hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nghiên cứu chọn “Ngày đầm phá Tam Giang – Cầu Hai” vào tháng 7 âm lịch hàng năm để tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường đầm phá, thả tôm, cá giống về với biển, đầm phá, mở rộng khu vực bãi giống...

Triển khai các giải pháp chống xói lở bờ biển Quảng Công, Hải Dương, Thuận An, Tư Hiền, các bờ sông. Xử lý các vấn đề phát sinh do biến động của các cửa biển. Thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển rừng dải rừng sinh thái ngập mặn, hệ thống rừng phòng hộ ven biển...

An Nhiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 454