Gió mùa đông bắc năm nay thổi mạnh, không khí lạnh tăng cường hết đợt này đến đợt khác…khiến biển động, sóng ngoài khơi cao hơn, hải trình của các anh chắc sẽ nhiều khó khăn, vất vả hơn! Khi bắt được sóng điện thoại tại điểm đảo đầu tiên, phóng viên Hoàng Trung của Báo Ninh Thuận đã nhắn tin về đất liền, báo tin mình không bị say tàu biển. Thật mừng cho anh! Với những người đi biển dài ngày, điều đáng sợ nhất là cơn say sóng. Không bị say, anh sẽ có điều kiện tác nghiệp tốt hơn, ghi được nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện hay về đời sống của cán bộ, chiến sỹ nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Đảo Sinh Tồn.
Hỏi thăm về chuyến hải trình của tàu HQ - 571 mà anh đang đi, tôi cảm nhận được niềm vui mừng của đồng nghiệp Hoàng Trung khi trên tàu có rất nhiều chiến sỹ “đồng hương” Ninh Thuận ra nhận nhiệm vụ tại các điểm đảo. Anh cũng liên lạc được với những cán bộ, chiến sỹ Ninh Thuận hiện đang công tác ở các điểm đảo mà tàu HQ – 571 sẽ “ghé thăm”. Trên những chuyến hải trình, hai tiếng “đồng hương” được cất lên hết sức thân thương và gần gũi.. Tôi vẫn còn nhớ, vào chuyến công tác đầu tiên của mình ở Trường Sa vào đầu năm 2013, khi cơn say tàu chưa dứt thì những nhịp lắc lư của chiếc xuồng máy làm lòng tôi nôn nao thêm. Thế mà, khi đặt những bước chân đầu tiên của mình lên đảo Sinh Tồn, cậu chiến sỹ phất cờ hiệu chạy lại la lớn: “Chị ơi! Em ở Ninh Thuận nè chị!”, cậu ấy nhìn tôi, cười rạng rỡ như gặp một người thân ruột thịt. Bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tan biến. Suốt hải trình dài ngày, tôi đã được những nụ cười, ánh mắt thân thương từ những thanh niên rắn rỏi của quê hương Ninh Thuận và rất nhiều tình cảm quý mến, ân cần của cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo tiếp sức, truyền nguồn cảm hứng, sự hăng say để tác nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên, đưa những thông tin, hình ảnh sống động, trung thực nhất về biển, đảo quê hương đến với bạn đọc.
Vườn rau xanh trên đảo Sinh Tồn.
Với những chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ, cuộc “chia tay” với đảo khó có cơ hội gặp lại, sự luyến lưu không thể che giấu. Có anh lính đứng trên boong tàu cứ đăm đăm nhìn về phía đảo đang xa dần. Không rời mắt khỏi dải màu lá cây xanh thẳm giữa biển trời bao la, cậu cất tiếng, như nói với chính mình: “Em phải ghi nhớ hình ảnh này thật kỹ, để không bao giờ quên!”. Và tôi đã gửi tặng chàng thanh niên ấy tấm ảnh chụp khá trọn vẹn hòn đảo thân thương của lòng cậu, và của cả lòng tôi.
Có thể nói, những hải trình mang quà Tết, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ vào dịp cuối năm chở nặng tình cảm của đất liền ra với đảo, rồi lại chở nặng tình hơn trên chuyến quay trở về. Chuyến đi sẽ làm dài rộng thêm tình yêu dành cho quê hương, đất nước, làm giàu thêm tình cảm với những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, càng hiểu những hy sinh thầm lặng của các anh, càng thêm phần cảm phục trước tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường của các anh giữa bốn bề sóng gió, như những câu hát trong bài “Đi qua vùng cỏ non” của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn:
“Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu thêm
Như người đứng gác đêm, thầm lặng mà đẹp lắm Đất nước ơi!”