Tiềm năng
Theo đó cần sớm đề xuất các cơ chế, chính sách, những giải pháp cơ bản và cấp bách nhằm thực hiện đạt mục tiêu “Đưa vùng biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành một trong những khu vực kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước”; đánh giá đúng những khó khăn hạn chế, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng và thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đến năm 2020.
Xác định vùng ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược không chỉ trong quốc phòng - an ninh mà còn là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như kinh tế biển, du lịch, công nghiệp, nông - ngư nghiệp… Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 và Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 19/11/2012 về phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đầm phá.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong các Nghị quyết đã cơ bản đạt được, vùng ven biển và đầm phá của tỉnh đã có bước phát triển mới, đời sống của nhân dân được nâng lên. Vùng ven biển đã hình thành các khu đô thị và các khu du lịch tạo điểm nhấn cho lĩnh vực du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Kết quả đạt được đó là, kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, hệ thống đô thị từng bước phát triển gắn với xây dựng NTM, các Trung tâm vùng được phát triển theo hướng đô thị hóa như thị trấn Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hà (huyện Phú Vang), Lộc Bình và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản phát triển khá; năm 2016 khai thác thủy sản đạt 31,4 nghìn tấn tăng 26% so năm 2007, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 51 triệu USD gấp gần 10 lần so năm 2007; nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, kết hợp xen ghép để tạo giá trị bền vững với diện tích khoảng 6,5 nghìn ha; các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống được phục hồi và phát triển nhanh, tạo được thương hiệu trên thị trường. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường vùng đầm phá được đặc biệt quan tâm, tỉnh đã thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản, phục hồi các bãi giống và bãi đẻ của các loài cá, trồng mới gần 600 ha rừng ngập mặn tập trung.
Kinh tế hàng hải phát triển, trọng tâm là cảng Chân Mây và Thuận An; lượng hàng hóa thông quan tại cảng Chân Mây năm 2017 đạt 1,6 triệu tấn, tăng 2,4 lần so năm 2007; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút nhiều nhà đầu tư với nhiều dự án lớn. Hạ tầng du lịch biển dần được hình thành với một số khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế tiêu biểu như dự án du lịch phức hợp Laguna; du lịch biển ở Cảnh Dương, Phú Thuận, Thuận An... đã gắn với du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng và vùng đầm phá. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, Quốc phòng - An ninh của vùng ven biển, đầm phá có chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm còn khoảng 10% so với mức bình quân chung của tỉnh 7,19%; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, nhất là ở vùng có tôn giáo và công giáo.
Cần “đánh thức”
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá của tỉnh vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, xử lý môi trường… thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nguồn lực đầu tư cho nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ và hạn chế; chế biến sản phẩm thủy sản chưa mạnh, thiếu ổn định, khả năng cạnh tranh chưa cao; du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công tác xúc tiến đầu tư các dự án du lịch và hạ tầng còn chậm; nguy cơ tái nghèo cao do tác động của sự cố môi trường biển…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đầm phá trong giai đoạn tới, Tỉnh ủy đã thống nhất đề ra một số giải pháp trọng tâm để tổ chức chỉ đạo, thực hiện. Theo đó, tập trung rà soát các dự án, công trình có tính đột phá, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng để huy động nguồn lực đầu tư; phát triển mạnh kinh tế Thủy sản - làm động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, ưu tiên phát triển đánh bắt hải sản xa bờ và nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao tại vùng đầm phá; quy hoạch phát triển du lịch biển, đầm phá theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng và các dự án du lịch lớn của doanh nghiệp; phát triển một số ngành công nghiệp, chủ yếu là dệt may, đóng tàu thuyền và công nghệ chế biến thủy sản; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ven biển, đầm phá gắn với phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường Quốc phòng - An ninh gắn với phát triển kinh tế...