Nhà giàn DK1
Với nhiệm vụ nghiên cứu và bảo vệ chủ quyền vùng biển khu vực phía Đông Nam của Tổ quốc, ngày 5-7-1989, Cụm “Dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật” gọi tắt là DK1 được thành lập với các nhà giàn trên thềm lục địa thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Việc thành lập nhà giàn DK1 tại thềm lục địa phía Nam thể hiện ý chí quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành chiến lược phát triển kinh tế biển phục vụ các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, tạo sự liên hoàn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam và thực hiện có hiệu quả hơn việc bảo vệ lãnh thổ và vùng biển quốc gia.
Nhà giàn là một khung nhà thép kiên cố cắm sâu gần 40 m xuống rạn san hô. Từ mặt nước lên nhà giàn cao 45m, trên điểm cao đó, một khung nhà sắt được dựng lên với diện tích sử dụng khoảng trên dưới 300m2. Thử thách mà những người lính Nhà giàn DK1 thường xuyên phải đối mặt là việc phải hứng chịu những cơn cuồng phong của biển khơi. Để có thể sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, các anh luôn phải khổ luyện để có thể thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu. Các chiến sỹ nhà giàn còn rèn luyện cho mình khả năng xử lý tình huống một cách cương quyết nhưng linh hoạt, thể hiện rõ ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền, cũng như môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Vượt sóng lên nhà giàn
Nhìn ánh mắt các anh, chúng tôi thấu hiểu phần nào những gian nan, vất vả của cuộc sống thường ngày mà các cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua. Nhưng ánh mắt ấy vẫn sáng ngời một niềm tin, tự hào được đứng nơi tuyến đầu của Tổ quốc làm nhiệm vụ thiêng liêng: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương!
Trong chuyến hành trình tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, tôi vinh dự được đến thăm tại Nhà giàn DK1/11, DK1/14. Bình thường, trời yên biển lặng, việc lên thăm sẽ trở nên đơn giản, nhưng ngược lại chỉ cần biển động, gió cấp 4 trở lên, thì việc đến thăm nhà giàn trở nên vô cùng khó khăn. Đến thăm nhà giàn DK1/11, biển động, sóng lừng. Ngay khi vừa chạm nhà giàn, xuồng đã bị sóng hất mạnh vào chân cột thép rồi đẩy ra xa. Bốn năm cán bộ, chiến sĩ đứng trên nhà giàn cố sức kéo mạnh sợi dây thừng để xuồng cập vào. Con xuồng lúc tung lên cao rồi lại bị dìm xuống dưới chân cột. Chuyến thăm tạm dừng lại để chờ biển lặng sóng.
Chiều biển lặng hơn nhưng cũng phải cần đến những chiếc bo bo cơ động. Đoàn chúng tôi lên thăm nhà giàn. Đại uý Lê Quang Huy, Nhà trưởng cho biết: “Những người mới ra nhận nhiệm vụ lần đầu tiên cũng hơi lo, nhưng rồi mọi thứ cũng quen, mà việc cần quen đầu tiên là quen tắm không xà phòng và thiếu vắng tình cảm”. Nhưng có một điều chúng tôi không thể tưởng tượng được trên căn nhà nhỏ chật ấy, những người lính vẫn trồng được rau xanh và nuôi được những con vật thân quen như chó, gà... và cả những chậu hoa lan xinh đẹp. “Để mỗi sáng hay tối lại được nghe gà gáy, chó sủa, thấy màu xanh của rau bớt đi nỗi nhớ nhà, đất liền anh ạ”, Thiếu úy Võ Tá Thành tâm sự với chúng tôi.
Suốt 1/4 thế kỷ qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 luôn vững vàng nơi đầu sóng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, các chiến sĩ Nhà giàn DK1 còn làm nhiệm vụ bảo vệ và là điểm tựa của ngư dân trên biển khơi. Suốt 25 năm qua, hàng trăm ngư dân đã được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 cấp cứu, hỗ trợ nước ngọt, thuốc men kịp thời. Để bà con ngư dân yên tâm bám biển, cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển DK1 luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để vượt qua sóng to, gió lớn thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đồng thời cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men, sửa chữa tàu thuyền...cho bà con ngư dân an tâm bám biển.