Người canh mộ “ngài ngư”
Ngày cập nhật 02/10/2017

Mặt biển thôn Phương Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) những ngày này phẳng êm, con sóng vỗ nhẹ bờ cát thoai thoải. Người đàn ông với chiếc áo tím cũ hướng mắt về phía trùng khơi, ánh mắt ấy dường như chưa bao giờ xưa cũ…

Huyền tích

Khi tôi tìm đến, ông Hồ Thạnh (63 tuổi, thôn Phương Diên) thoáng chút giật mình. Hình như lâu lắm rồi ông mới thấy người lạ đến chào hỏi đường đột như vậy. “Hôm ni, thuyền đi nhiều không bác?”. “Cỡ 30 chiếc”. “Lúc mô thuyền vô ạ”. “Tí nữa”. “Răng bác không đi biển”. “Tui chỉ gánh thuyền cho người ta mà thôi”. Màn làm quen cực nhanh phá tan sự hồ nghi và yên tĩnh trước đó.

Rồi câu chuyện giữa hai thế hệ bắt đầu với ký ức của lão ngư chừng hơn mấy chục năm trước. Tất nhiên là khi ấy, ông không "ngồi đồng" ngóng biển như lúc này mà dong buồm vượt sóng như bao ngư dân khác trong làng. Những mùa cá ông còn nắm rõ trong lòng bàn tay. Và rồi quy luật của tạo hóa buộc ông phải dừng việc đuổi theo con sóng.\

Trò chuyện, ông Thạnh không nói nhiều về nghề vì có lẽ những kinh nghiệm đó ông đã truyền hết cho con cháu. Ông chỉ dừng lại thật lâu khi nói về những cơn cuồng nộ của biển, nhấn chìm những chiếc thuyền nan lọt thỏm giữa trùng khơi.

“Nhờ “ngài ngư” hết chú ơi, không có “ngài” dân gặp nguy không biết đếm mấy lần cho ngạ”, ông tự độc thoại trước sự ngỡ ngàng của tôi. “Ngài ngư á”, ông thêm một lần nhấn mạnh để giúp tôi hiểu về “vị thần” của biển.

Ông kể, ngày trước mỗi khi thuyền bị đánh chìm, “ngài” thường đội thuyền lên mặt biển, đưa ngư dân theo con nước dạt vào bờ. Có thể lúc ấy, ông còn quá nhỏ để tỏ tường hết được những lời kể của ông cha. Nhưng bây giờ khi đã đi gần hết cả cuộc đời, ông chắc nịch về giai thoại của ngày xưa.

“Người dân đánh bắt trên biển nếu gặp bất trắc, cầu nguyện thì “ngài ngư” sẽ giúp đỡ. Tui không nhớ rõ có bao nhiêu người trong làng được “ngài ngư” cứu, mấy năm trước thuyền của ông T. bị sóng đánh chìm được “ngài” đưa vào bờ, hay gần đây nhất bà M. phát hiện cá ngài vì không biết mang đi bán, sau đó phải tìm đến tận nơi để xin lại mang về chôn cất”, ông nói.

Cá ngài trong tâm thức ông Thạnh không phải là loài cá voi được ngư dân nhiều nơi thờ phụng. Ông bảo rằng, cá voi chỉ là “đàn em” của cá ngài mà thôi. Cá ngài nặng đến hàng trăm tấn, đầu hình thoi, lưng có vây, dọc thân có những chấm màu sẫm và trên đầu có những chùm râu như râu rồng, đặc biệt có lưỡi giống với con người.

“Ngày xưa, khi cá ngài vào bờ, cả trăm người xuống biển để chôn cất. Nghi lễ chôn cất không khác chi đám tang. Và trong lúc đánh bắt nếu người mô phát hiện cá ngài thì người đó phải chịu tang. Cá ngài có thể giống cá hố, cá thu nhưng điểm khác biệt duy nhất là trong miệng có lưỡi”, ông Thạnh chia sẻ.

Kể từ ngày ông Thạnh thôi vượt sóng, ông được dân làng “tiến cử” canh, hương khói mộ và đền thờ “ngài ngư”. Hàng ngày ông đều đi hết những phần mộ để thắp hương, quét dọn đền thờ để tưởng niệm “ngài” và cầu xin cho bà con đánh bắt đầy khoang và an toàn qua con sóng dữ.

“Khi phát hiện cá ngài dạt vào bờ biển, sau 3 năm chôn cất, dân làng tiến hành nghi lễ bốc cốt của “ngài” về thờ phụng tại ngôi đền chung của làng. Nếu thuyền nào phát hiện cá ngài thì chủ thuyền đó phải bịt khăn đỏ để tang. Cứ đến ngày lễ, rằm thì tui lại đặt lễ, thắp hưởng tưởng nhớ”, ông Thạnh bày tỏ.

"Ghé vai" vào sóng

Tôi mãi lắng nghe câu chuyện về “thần biển” đến khi những chiếc thuyền lần lượt cập bờ, ông Thạnh vội vã đạp những con sóng vỗ bờ, ghé vai cùng ngư dân gánh thuyền lên bãi. Cứ khi thuyền này được tập kết đúng vị trí, ông lại chạy sang gánh thuyền khác, độ chừng gần 10 chiếc liên tiếp. Thì ra, trong lời đầu chào hỏi, ông đã tiết lộ nghề của mình, đó là gánh thuyền thuê, công việc gắn với ông hơn chục năm nay.

So với những hộ dân khác trong làng, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Cũng bởi cái nghèo mà các con ông dắt díu nhau mưu sinh nơi đất khách. Ngôi nhà lụp xụp, nằm lọt thỏm trên con đường gồ ghề chỉ còn đôi vợ chồng già. Họ sống với nhau bằng chính con cá, con tôm mà ngư dân cho sau mỗi lần ông Thạnh ghé vai gánh thuyền.

Bây giờ, sức khỏe ông không còn sung mãn nhưng lạ thay đôi vai gầy guộc ấy lại chịu được sức nặng không hề dễ chịu của chiếc thuyền nan công suất 24CV. Mỗi ngày, ông gom góp mớ cá mụn của dân làng cho bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Và số tiền ít ỏi đó còn để dành cho việc hương khói tại đền thờ “ngài ngư” mỗi ngày.

“Nhà nghèo nên 3 đứa con vô miền Nam kiếm sống, chừ chúng nó đã lập gia đình, nên không lo được chi nhiều cho vợ chồng tui. Chừ không đi biển được nên kiếm sống bằng nghề gánh thuyền. Tất cả có gần 150 chiếc thuyền to nhỏ, nhưng sức khỏe không còn như trước nên ngày mô hung lắm chỉ gánh được khoảng 30 thuyền mà thôi. Dân đi biển mà gặp cá tôm nhiều thì tui cũng "trúng" theo. Trung bình mỗi ngày tui kiếm được 70-100 nghìn. Dân làng giao cho tui chăm nom đền thờ nên phải tự bỏ tiền một phần hương khói, số còn lại cũng đủ trang trải cho cuộc sống”, ông Thạnh nói.

Bóng chiều đổ xuống trên bãi cát dài trắng xóa, dấu chân của người canh mộ “ngài ngư” với giỏ cá mụn tiến về ngôi đền thờ “ngài”. Như thường lệ, ông quét dọn, hương khói và lẩm bẩm một điều gì đó mà tôi trộm nghĩ, sắp vào mùa biển động, ngư dân sẽ khó khăn hơn lúc dong buồm vượt sóng, chắc ông cầu “ngài ngư” mang đến sự bình yên, no đủ cho dân làng.

Ông Nguyễn Ngọc Phường, Trưởng thôn Phương Diên cho biết: “Tục lệ của làng là người nào làm việc “từ” (hương khói cho đền thờ, miếu mạo) thì kiêm luôn việc gánh thuyền cho ngư dân khi cập bờ. Đối với dân miền biển, đền thờ “ngài ngư” là nơi linh thiêng, do vậy làng đã cử 2 ông là Hồ Thạnh và Mai Minh Dùng trông coi. Riêng hộ ông Thạnh thuộc diện hộ nghèo, ông không còn đủ sức khỏe đi biển nên mưu sinh bằng việc gánh thuyền đổi cá

 

 

theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 569