Xóm dân sinh trên đảo Trường Sa Lớn
Ai từng đến đảo Trường Sa Lớn đều muốn đến thăm những ngôi nhà hạnh phúc của các gia đình sinh sống tại đây. Trường Sa Lớn hôm nay ngày càng phát triển với những căn nhà mái ngói đỏ au, đồng kiến trúc và đảm bảo khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của bão tố. Mỗi căn nhà rộng khoảng 100m², có 3 phòng và công trình phụ được thiết kế khép kín. Trước mỗi căn nhà đều có mảnh vườn nhỏ trồng rau xanh, trồng cây ăn quả như đu đủ, chuối… và chuồng chăn nuôi gà, vịt. Dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng những căn nhà nhỏ nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và hơi ấm tình người.
Thị trấn Trường Sa (Ảnh: HN)
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi hộ gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền, các gia đình ở đảo đều có tủ lạnh, ti vi… Ngoài ra, hệ thống năng lượng sạch và trạm phát sóng điện thoại Viettel, mạng thông tin VSAT cũng giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, liên lạc với người thân trong đất liền dễ dàng hơn.
Người dân trên đảo làm công nhân hợp đồng cho UBND thị trấn, khai thác đánh bắt hải sản, chăn nuôi, trồng rau và cây ăn quả để tăng gia sản xuất. Chị em phụ nữ sau thời gian làm việc tại cơ quan lại về nhà lo bữa cơm gia đình, chăm sóc vườn rau, đàn gà, vịt, còn những người đàn ông trong gia đình ra biển đánh bắt hải sản. Để phát triển cuộc sống của các hộ gia đình, UBND thị trấn đã tạo điều kiện bà con ra biển đánh bắt hải sản và thu mua theo giá thỏa thuận.
Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên - Trần Thị Hoa vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi cùng 2 đứa con nhỏ ra lập nghiệp ở thị trấn Trường Sa. Chị tâm sự: "Khi mới ra đảo, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen với điều kiện sống tại đây. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thị trấn Trường Sa và các anh bộ đội trên đảo, cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi thực sự yên tâm tiếp tục vun đắp cho cuộc sống lâu dài trên đảo". Chị vui vẻ khoe với chúng tôi những tấm bằng khen của các con, trong đó có bức ảnh con gái lớn của chị, bé Mi Sen (10 tuổi) năm 2010 đã được vào đất liền đón Trung thu và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Giữa ngàn khơi nắng và gió nơi đây, 7 hộ dân sinh sống trên thị trấn Trường Sa, thực sự là những bông hoa góp phần quan trọng trong việc xây dựng cuộc sống trên đảo. 7 cặp vợ chồng đang sinh sống trên đảo, không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn của một thị tứ, nơi ươm mầm những chiến sĩ hải quân nhí, mà còn là sự tiếp nối thế hệ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa biển Đông.
"Mầm sống" nơi đảo xa
Đặt chân đến thị trấn Trường Sa, mọi người đều có chung cảm nhận về những đứa trẻ nơi đây. Chúng ngây thơ, trong sáng và hiếu khách đến ngỡ ngàng. Dù gặp lần đầu tiên, các em chào đón các vị khách tới thăm đảo với nụ cười rạng rỡ như với người thân lâu ngày gặp lại và ríu rít dẫn khách đi tham quan hòn đảo của mình. Các em háo hức giới thiệu từng ngôi nhà, từng loại cây, kể chuyện đi học... Chị Trần Thị Hoa (nhà số 4) tâm sự với chúng tôi, bọn trẻ rất tự hào khi giới thiệu cho khách về ngọn hải đăng, về nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, chùa Trường Sa Lớn...
Các em nhỏ cùng nhau vui chơi sau giờ học (Ảnh: HN)
Thị trấn có 11 đứa trẻ, trong đó có 8 em đã đủ tuổi đến trường. Những đứa trẻ mang những cái tên rất đẹp: Đặng Phương Nam, Đặng Bùi Phương Anh, Nguyễn Anh Đức, Võ Văn Hiền, Nguyễn Thị Quỳnh Hương... Chúng cùng học tại Trường tiểu học Trường Sa. Trường chỉ là một căn phòng nhỏ có nhiều cửa sổ, tràn đầy nắng, gió và tiếng sóng vỗ ì ầm. Trường học có 4 khối học với 8 học trò và chỉ có một cô giáo là chị Bùi Thị Nhung. Ở lớp học, các em không học môn khoa học vì chưa có đồ thí nghiệm. Ở đây, các em có nhiều ngày nghỉ lễ hơn vì được đi đón tàu ra thăm đảo. Đi học ở đây, các em không được đi tham quan nhiều như những lớp học trên đất liền, nhưng bù lại, chúng được học những môn học không ở đâu có, như bài học về tình huống khẩn cấp chống bão...
Cô giáo Bùi Thị Nhung chia sẻ: Những ngày đầu đặt chân đến thị trấn, cô cảm thấy rất hạnh phúc nhưng cũng thấy hồi hộp, lo lắng không biết cuộc sống nơi đây sẽ thế nào, mình có làm tốt công việc dạy học cho các em nhỏ ngoài đảo hay không... Nhưng hiện giờ cô thực sự cảm thấy thoải mái với cuộc sống, công việc dạy học nơi đây. Điều động viên lớn đối với cô, là dù điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, nhiều tài liệu và phương tiện dạy học còn thiếu nhưng các em học sinh rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Hàng tuần, hàng tháng cô đều kiểm tra bài vở và phân loại, nhận xét, đánh giá kết quả học tập.
Điều đáng quý nhất, những đứa trẻ ấy rất chăm chỉ học tập, hồn nhiên vui chơi, rất yêu và muốn gắn bó với vùng đất, nơi xung quanh là mênh mông sóng gió gầm gừ. Cô Nhung còn nhớ những lúc tiễn các em học sinh vào đất liền học cấp 2, cả cô và trò đều khóc... Em Võ Viết Hiền, đã ra đảo sinh sống và học tập từ năm 2008, hiện đang học lớp 5 chia sẻ: "Con rất yêu đảo, con muốn được ở lại đảo tiếp, nhưng sang năm con vào lớp 6 rồi nên phải vào đất liền để học lên cấp 2. Con mong sao con được học cấp 2 ngay tại đảo, được gần gia đình, được ở đây cùng các bạn, ở cùng các chú bộ đội... "
Qua ánh mắt của các em, chúng tôi hiểu rằng, những mầm non ấy sẽ mãi xanh tươi ở thị trấn Trường Sa này, những tiếng nói cười khúc khích và ê a học chữ của trẻ thơ sẽ xua tan đi những nhọc nhằn sóng gió nơi đây. Mỗi em bé sinh ra và lớn lên ở Trường Sa là những mầm sống mới đang vươn lên nắng mưa, gian khó để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, yên bình trên mảnh đất quê hương. Chính điều đó đã khẳng định sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.