Trong kho tàng âm nhạc đó, đề tài biên giới, biển đảo chiếm một vị trí đáng kể với những âm giai đẹp, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe. Tình ca biên cương Trong tâm thức người Việt, hình ảnh biên giới dường như là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nó đã là nguồn cảm hứng cho hàng chục sáng tác của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Và sức sống mãnh liệt nhất trong dòng nhạc biên giới vẫn là các bản tình ca đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm đôi lứa hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương đất nước.
Dòng ca khúc viết về đề tài biên giới có điểm chung dễ nhận thấy là vẻ đẹp của núi rừng biên ải luôn khiến lòng người rung động. Nhạc sĩ Trần Chung và nhà thơ Lò Ngân Sủn mang đến một vẻ đẹp nao lòng người và rất nên thơ trong “Chiều biên giới”: Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay.
Biên cương trong “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Dương Soái lại êm đềm và tràn chảy nỗi nhớ hậu phương: Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ… Còn trong “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang lại gợi lên những âm hưởng da diết, lãng mạn và chan chứa tình cảm: Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa, hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong… Ca khúc tựa như một lời tâm tình với người bạn gái hậu phương của người lính nơi biên giới.
Vào cuối những năm 70, khi tình hình biên giới phía Bắc và Tây Nam có nhiều bất ổn, các đoàn quân tiến ra tiền phương trong khí thế khẩn trương, quyết tâm giữ vững chủ quyền trên biên giới, hầu hết nhạc sĩ tên tuổi đã đồng hành cùng những người lính bằng những ca khúc tràn đầy nhuệ khí và tinh thần yêu nước.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên có “Chiến đấu vì độc tập tự do”; nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có “Lời tạm biệt lúc lên đường”; nhạc sĩ Trần Tiến với hình ảnh đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc nơi biên giới đã làm nên ca khúc “Những đôi mắt mang hình viên đạn”; nhạc sĩ Thế Hiển có “Hát về anh”, đề cập tới những hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng: Một ba lô cây súng trên vai, người chiến sỹ quen với gian lao. Ngày dài, đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/ rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt/ nặng tình non sông, anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân… đã khiến người nghe phải lay động.
Trong khi đó nhạc sĩ Thanh Trúc có “Ngày mai anh lên đường”; nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác “Gửi lại em”. Cùng với đó là “Tình ca mùa xuân” – nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan; “Cánh hoa lưu ly” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, hay “Mùa xuân bên cửa sổ” của Xuân Hồng; “Hãy yên lòng mẹ ơi” của Lư Nhất Vũ phổ thơ Lê Giang… Cũng trong giai đoạn này, nhạc sĩ Hồ Bắc cho ra đời cùng lúc 2 ca khúc “Hoa hồng trên điểm tựa” và “Hát trên miền biên giới” với giai điệu trầm hùng: Chúng tôi đi lên miền Tây, nơi biên cương đang giục giã…
Chúng tôi đi trong rừng sâu nghe mênh mang hồn đất nước. Chúng tôi đi ven biển khơi nghe sóng hát tình quê hương. Biên giới bao yêu thương. Dường như không nhạc sĩ tên tuổi nào lại không có sáng tác về đề tài biên giới. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có “Đêm trên Cha Lo”; Huy Thục có “Người đẹp và anh lính biên phòng”; An Thuyên có “Thơ tình của núi”; Văn Dung có “Mùa xuân cho em”; Xuân Giao có “Bài ca biên giới”; Trần Chung có “Tình đồng đội”… Một điều thú vị là trong số lượng đồ sộ các tác phẩm viết về biên giới có đến 4 bài hát cùng tên “Chiều biên giới”.
Đầu tiên là của nhạc sĩ Trần Chung phổ thơ Lò Ngân Sủn. Tiếp đó là “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên sáng tác khi trực tiếp tham gia chiến đấu tại vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Một sáng tác về biên giới của nhạc sĩ Đức Miêng ban đầu có tên “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”: Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề, bao nỗi nhớ tha thiết…, đã được khán giả yêu thích lấy 3 từ đầu tiên Chiều biên giới của ca khúc để yêu cầu được nghe qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, để rồi thành tên bài hát lúc nào không hay.
Và năm 1999, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình góp thêm vào “Chiều biên giới” thứ tư. Lấp lánh biển đảo Biển đảo vốn là đề tài rất dễ cảm xúc, tạo “thi hứng” và “nhạc hứng” cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nên đã có nhiều tác phẩm thành công trong tuyến đề tài này. Trong số này phải kể đến ca khúc “Lướt sóng ra khơi” của nhạc sĩ Thế Dương, với tiết tấu rộn ràng như những đợt sóng nhấp nhô cùng nhịp quân hành của người lính biển: Ngoài khơi bát ngát gió reo vui. Biển rộng bao la ta tung lưới từng khoang cá đầy. Bờ biển của ta đây sức sống đang chan hòa. Vượt ngàn sóng gió ta ra khơi giữ yên quê nhà. Ca khúc đã được Hải quân chọn làm bài hát chính thức của binh chủng.
Thời kỳ này cũng nổi bật bài hát của nhạc sĩ Thái Quý “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc”, một khúc nhạc đầy yêu thương, thơ mộng đối với biển đảo quê nhà: Quê hương ta đượm tiếng tình ca. Thôn xóm reo vui bừng lên sức sống chan hòa. Mầu đại dương in nơi chân trời xanh thắm bóng quê hương nhà. Đảo xa tôi đứng đây gìn giữ quê hương này. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đề tài về biển đảo đã được định hình qua tác phẩm của nhạc sĩ Huy Du “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi”: Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi. Bạch Long Vĩ thân yêu nắng cháy đỏ sớm chiều.
Mênh mang trên đầu sóng, mênh mang trên biển Đông, mắt trông về phía quân thù; nhạc sĩ Lương Ngọc Trác với “Bài ca gửi đất liền” (lời Phan Ngạn). Dòng chảy đề tài biển đảo được nối tiếp với “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng. Lời ca đượm chất thơ, nghe dạt dào như tiếng sóng biển: Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao. Con thuyền rất vui, và gió hát ngọt ngào, rồi trở nên da diết Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam.
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng và cuối cùng là thủ thỉ, tâm sự Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương. Đặc biệt bài “Con cua đá” nhạc Ngọc Cứ lời Phan Ngạn với giai điệu tươi vui đã nói lên tinh thần lạc quan yêu đời của người lính trên hòn đảo tiền tiêu Cồn Cỏ những năm tháng chiến tranh ác liệt: Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) là con cua đá. Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe. Nó có tám cái que có hai cái càng… A lính ta chiến đấu suốt ngày đêm. Có canh là canh cua đá. Càng bền là bền sức trai…
Riêng về Trường Sa, Hoàng Sa, đề tài về 2 quần đảo thân yêu này đã gợi mở cho các thế hệ nhạc sĩ cho ra những ca khúc với các giai điệu đủ sắc màu từ trữ tình, lãng mạn đến khỏe khoắn, mạnh mẽ. Đó là các bài “Gần lắm Trường Sa” của Hình Phước Long; “Quần đảo đồng đội” của Hoàng Tạo; “Làng lính trên đảo” của Doãn Nho; “Trường Sa chiều biển nhớ” của Vũ Trọng Tường; “Màu xanh Trường Sa” của Lương Minh; “Đợi mưa trên đảo” của Nguyễn Thịnh (phổ thơ Trần Đăng Khoa); “Chút thư tình người lính biển” nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa da diết nhớ thương: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người, anh đứng gác trời khuya đảo vắng. Biển một bên và em một bên…
Ca khúc nổi bật trong thời kỳ này là bài “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Phút xuất thần trong những giây phút đi thực tế với các chiến sĩ Hải quân đã tạo cho người nhạc sĩ một tác phẩm để đời, vang mãi trong trái tim những người yêu biển đảo quê nhà: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua.
Có thể nói, trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đương đại, chúng ta tự hào có một tuyến đề tài mới về biên giới, biển đảo làm cho âm nhạc cách mạng thêm đa dạng, phong phú trong cuộc hành trình cùng lịch sử nước nhà.