Ký ức Trường Sa Đông
Đấy là một đêm tháng 5/2009, đoàn công tác đầu tiên của “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn tổ chức được lên đảo Trường Sa Đông để ngủ lại- đêm ngủ đảo duy nhất trong suốt 12 ngày của chuyến hải hành ra Trường Sa năm ấy. Đêm ấy, hơn 100 đại biểu thanh niên đã cùng với anh em lính đảo có một đêm văn nghệ nhớ đời. Bởi bài hát được cất lên nhiều nhất hôm đó là ca khúc “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến Duật. Nói là “nhớ đời” bởi câu kết bài hát đã được anh em sửa lại rất dễ thương “như tình yêu nối lời vô tận, đông Trường Sa nhớ tây Trường Sơn”.
Trường Sa Đông là điểm đảo đêm đó chúng tôi được ngủ lại và Tây Trường Sơn là dải núi xa xanh chạy dài từ bắc xuống nam, khuất sau ngút ngàn biển cả. Trường Sơn, nơi đất nước tựa lưng để ngóng vọng phía bình minh. Bài hát dứt nhưng câu cuối cứ lặp lại mãi, vừa sắp hết nhịp, lại có một giọng ca nào đó vút lên “như tình yêu nối lời vô tận, đông Trường Sa nhớ tây Trường Sơn”…liên tục, liên tục và sẽ là vô tận nếu như không phải đã đến “giờ quân luật” trên đảo.
Cảm xúc của đêm giao lưu trên đảo Trường Sa Đông gần mười năm trước ấy, giờ lại hiện về mồn một trong tôi khi nhìn tấm phông của buổi đón nhận “Đất thiêng gửi Trường Sa” được căng lên trang trọng trước khoảng sân hành lễ của Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn. Bởi NTLS quốc gia Trường Sơn, nơi đoàn công tác của Báo Tuổi Trẻ thỉnh đất thiêng hôm nay không chỉ là nơi cả vạn liệt sĩ đời đời yên nghỉ mà còn là nơi Trường Sơn hội tụ. Đây cũng là nơi thượng nguồn của dòng sông Hiền Lương, dòng sông của khát vọng thống nhất, của lằn ranh vĩ tuyến 17, của nhịp cầu Bến Hải mà để đi qua dòng sông này, đất nước trải hơn 20 năm với bao nhiêu máu xương dằng dặc.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, chọn một vùng đất cho những liệt sĩ Trường Sơn quần tụ về với đội hình người lính, tướng Đồng Sĩ Nguyên và những lãnh đạo của Binh đoàn 559 đã khéo chọn vùng đất đầu nguồn con sông để lập Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia này. Nơi thượng nguồn, linh hồn những người lính sẽ mỗi ngày nhìn xuống con nước của dòng sông Hiền Lương xuôi ra biển, để chứng kiến cái giá hòa bình thống nhất của đất nước hôm nay được trả bằng chính máu xương tuổi trẻ của họ.
Ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản trang của NTLS quốc gia Trường Sơn không giấu được sự xúc động. Đang là mùa hành hương, thăm viếng, chỉ trong buổi sáng 12/5, khi chúng tôi có mặt chuẩn bị lễ đón nhận đất thiêng, đã có rất nhiều đoàn khách về đây, từ những cựu binh phía Bắc, ngực áo gắn đầy huân chương đến đoàn Phật tử của một ngôi chùa tận Gia Lâm (Hà Nội). Những em thiếu nhi từ Đồng Hới (Quảng Bình) tại Liên hoan thiếu nhi vượt khó cùng với các thầy cô giáo cũng đến đây từ sớm. “Anh ạ, các đoàn cứ đến liên tục như thế này thì chúng ta không thể tạm dừng để tổ chức riêng phần lễ đón nhận đất cho Báo Tuổi Trẻ đâu, trong khi mọi người thấy hoạt động này lại tỏ ý muốn tham dự cùng các thành viên trong đoàn, các anh thấy sao?”, anh Hồ Tất Ái trao đổi với chúng tôi.
Tất nhiên “còn thấy sao” gì nữa, bởi chương trình buổi lễ dự kiến chỉ làm đủ các thủ tục, thành kính nhưng gọn nhẹ, bây giờ lại đông đủ cả các thành phần “nam phụ lão ấu” từ cựu binh đến thiếu nhi, từ tăng ni đến đoàn viên cùng tham dự thì còn gì bằng…
Trong nắm đất có linh hồn người lính
Cụ ông Hồ Văn Vê, một già bản người dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Trường được mời tham dự buổi lễ đón nhận đất thiêng gặp chúng tôi cứ nắm bàn tay lắc lắc, dường như cụ Vê không biết làm thế nào để diễn tả cảm xúc của mình. Từ ngôi nhà của già Vê ra nghĩa trang Trường Sơn chỉ một quãng đường đi bộ không dài, nhưng để có thể đi bộ bình yên từ bản ra đây, hơn ai hết già Vê cảm thấu được những gì đã trải qua từ chính cuộc đời mình và dân tộc Vân Kiều của mình.
Già Vê là hình ảnh cụ thể của hàng vạn những người dân Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Trường Sơn đã gùi gạo tải đạn phục vụ cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Sẽ không thể nào hình dung về cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn những năm khốc liệt mà thiếu đi hình ảnh hồn hậu bao dung hết lòng cho cách mạng, cho Trường Sơn của những người dân chân chất thật thà chốn núi rừng này.
Đặc biệt là cựu binh, đại úy Thái Xuân Cừ, vốn là sĩ quan kỹ thuật của bộ đội Trường Sơn năm xưa. Sáng hôm ấy, trước lúc làm lễ nhận đất thiêng, đại úy Thái Xuân Cừ đại diện cho những cựu binh Trường Sơn đã nghẹn ngào nhớ về những đồng đội: “Tôi là sĩ quan kỹ thuật, không thể nào quên được những đoàn xe vận tải của chúng ta ngày ấy, những chiếc xe từng vượt qua những “tọa độ lửa”. Chiến trường Trường Sơn ngày ấy có hàng trăm tọa độ lửa như thế, mỗi chuyến xe chở hàng vượt qua được tọa độ lửa an toàn thì máu của anh em ở chiến trường sẽ đỡ đi một phần. Rất nhiều anh em đang nằm trong nghĩa trang này đã hy sinh trong các “tọa độ lửa” như thế.
Đất thiêng được đoàn công tác chuyển lên tàu chuẩn bị hành trình đến với Trường Sa
Những gian khó khốc liệt của “tọa độ lửa” mà người lính Trường Sơn chúng tôi đã vượt qua năm xưa cũng đâu khác gì những anh em đang gìn giữ Trường Sa hôm nay, cho dù vẫn bình yên mỗi ngày nhưng cũng đầy cam go giông bão, vẫn tiềm ẩn những “tọa độ lửa” mà anh em lính trẻ Trường Sa sẽ vượt qua để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương”.
Không chỉ đại úy Cừ, ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Gio Linh cũng lên NTLS quốc gia Trường Sơn từ sớm. Chứng kiến nắm đất thiêng liêng từ một nơi chốn thiêng liêng ra với Trường Sa sẽ là một thời khắc đầy ý nghĩa như ông tâm sự với các thành viên trong đoàn nhận đất.
“Để hương hồn các liệt sĩ chứng giám cho buổi lễ hôm nay, chúng tôi kính mời các đại biểu và các thành viên tham gia chương trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” cùng thỉnh chuông báo cáo với anh linh chiến sĩ trước lúc nhận đất”, ông Hồ Tất Ái dẫn mọi người ra phía sau tượng đài, ở đó có một gác chuông, như một nghi thức tâm linh, chín tiếng chuông được tất cả mọi người cùng thỉnh vang, âm ba tiếng chuông ngân vọng trên bảy mái đồi với hàng hàng mộ bia của hơn một vạn liệt sĩ.
Sau nghi thức thỉnh chuông, trên vuông đất cạnh nhà bia, dưới bóng cây bồ đề huyền thoại đất đã được vun thành nấm. Già làng Hồ Văn Vê, cựu binh Thái Xuân Cừ, Hoàng Liên Sơn, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Vĩnh Trường, những tăng ni phật tử...ai cũng lùa bàn tay mình vốc từng nắm đất nhẹ nhàng và cẩn trọng đặt vào hộp đựng có dòng chữ “Đất thiêng gửi Trường Sa- từ NTLS quốc gia Trường Sơn, Quảng Trị”. Rồi hộp đựng đất được đặt nghiêm trang trên đài tưởng niệm ở trung tâm nghĩa trang.
Dâng nén nhang lên đài và từ vị trí này nhìn ra xung quanh, chợt nhận ra ở NTLS quốc gia Trường Sơn này hiện diện đủ anh linh của mọi miền đất nước. Trên bảy quả đồi của khuôn viên nghĩa trang được chia ra mười khu mộ của từng vùng miền. Trên mộ bia của các liệt sĩ có thể đọc thấy những dòng quê quán từ cực Bắc đến cực Nam.
Vậy là những nắm đất thiêng nơi đây không chỉ tượng trưng cho dải Trường Sơn bất tử, đó còn là hương hồn những người lính Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng... đang nằm ở khu vực phía Bắc hay những liệt sĩ miền Nam đang nằm ở khu vực trung tâm, là những người lính ra đi từ châu thổ sông Hồng với khu mộ Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương ở phía đông đến những người lính khu Bốn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh quần tụ ở khoảng giữa khuôn viên nghĩa trang.
Vượt sóng tới Trường Sa
Là người trực tiếp nhận đất từ ba điểm: Lũng Cú, Lăng Bác và NTLS quốc gia Trường Sơn, tôi may mắn được ban biên tập phân công tiếp tục thực hiện chuyến hải trình mang đất thiêng ra Trường Sa trên con tàu HQ996.
Chiều 21/5, đất thiêng từ những vùng miền được tập kết tại quân cảng Cát Lát (thành phố Hồ Chí Minh) . Buổi sáng trước giờ xuất bến, hơn 200 thành viên trên chuyến hành trình tập trung tại tượng đài tưởng niệm “Đoàn tàu không số” của Lữ đoàn 125 để làm lễ. Ba thùng đất đặt lên trước tượng đài tượng trưng cho ba miền Bắc-Trung-Nam là thùng đất từ Lũng Cú (Bắc), đất từ NTLS quốc gia Trường Sơn (Trung), Mũi Cà Mau (Nam). Đất của mỗi vùng được chọn lấy một nhúm để vào trong bốn chiếc hộp bằng đồng. Đất trong bốn hộp đồng này sẽ được thỉnh vào chùa trên đảo Trường Sa Lớn và đảo Phan Vinh. Những thành viên đoàn hành trình đã thành kính đưa từng thùng đất lên tàu.
Sau gần ba ngày đêm lênh đênh trên biển, sáng 25/5 một số thùng đất được chuyển lên đảo Trường Sa Lớn, trong đó có một thùng đất từ NTLS quốc gia Trường Sơn. Sau lễ khánh thành Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, đất thiêng từ đất liền đã hòa cùng cát san hô ở đảo để cho những mầm xanh của chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đâm chồi nảy lộc, hẹn ngày tỏa bóng mát giữa trùng dương.
Hai hôm sau, thêm những thùng đất thiêng xuống để vào đảo Phan Vinh- điểm đảo chính để triển khai trồng 1.000 cây xanh đầu tiên cho chương trình, mở đầu cho một dự án dài hơi: phủ kín Trường Sa bằng những cây xanh được trồng bởi đất thiêng mang ra từ đất liền hòa trộn vào cát san hô trên mỗi đảo. Đất thiêng mang hồn thiêng sông núi hòa vào cát mịn đảo xa sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quân dân nơi đầu sóng…