Tài nguyên phong phú
Với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai kéo dài từ gần ranh giới với Quảng Trị đến vịnh Chân Mây, với chiều dài hơn 70km, diện tích khoảng 22.000 ha, là vùng đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế, gữa vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với các ngành du lịch, nông nghiệp và thủy sản. Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài, trong đó có 43 loài rong có thể dùng cho công nghiệp sản xuất agar hoặc làm phân bón, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị khác. Nhiều loài tôm có giá trị thực phẩm cao, như: tôm sú, tôm lớt, rôm rằn, tôm rảo cùng các loại trìa, vẹm, xanh, ngao... Cùng với hơn 200 loài cá trong đó có đến 23 loài có giá trị thương phẩm cao như cá dầy, cá đối mục, cá dìa, cá mòi cờ chấm, cá sạo chấm, cá dù bạc, cá nâu... Cùng với đó là Đầm Lập An nép mình bên Vịnh đẹp Lăng Cô có diện tích khoảng 1,5m2, có tới 185 loài động vật, trong đó hàu là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có hơn 20km vùng núi đá ven biển từ cửa biển Lăng Cô đến đảo Sơn Chà là vùng biển đa dạng sinh học, khu vực có nhiều thủy sản có giá trị cao, như: tôm hùm, cá mú và là nơi có nguồn tôm, cá bố mẹ cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống và rất thuận lợi cho việc bảo tồn phát triển nuôi các đối tượng thủy sản quý, như tôm hùm, ngọc trai. Đồng thời, đây là vùng sinh thái giá trị với nguồn tài nguyên thủy sinh phong phú, trong đó có san hô, cỏ biển, rong biển, cùng nhiều loài tôm, cá và sinh vật đáy.
Có thể nói, những năm gần đây ngành thủy sản của Thừa Thiên Huế có những bước phát triển lớn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng khai thác thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; sản lượng và hiệu quả nuôi trồng thủy sản cần ổn định, bền vững. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản sinh ra một lượng lớn chất gây ô nhiễm môi trường nước, đồng thời luôn đối mặt với dịch bệnh và môi trường biển bị ô nhiễm. Có nhiều nơi các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản làm cản trở lưu thông nước, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên trong vùng đầm phá.
Ngoài khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản thì du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ tiềm năng của vùng biển, đảo và đầm phá. Các bờ biển đẹp và cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời như Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh, Diền Lộc, Quảng Ngạn... cùng với hệ thống các di tích lịch sử, lễ hội văn hóa, các làng nghề truyền thống, các công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian trải đều ở các địa phương ven biển... là những điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sự phát triển của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên và môi trường vùng biển và đầm phá của tỉnh. Đó là nạn nước thải sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ, các làng nghề truyền thống ven biển, đầm phá có nơi không qua xử lý, thải trực tiếp vào môi trường gây ra những thiệt hại đáng kể tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Tiếp tục đầu tư, củng cố
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng ven biển và đầm phá được đầu tư, nâng cấp. Nhiều cầu đường bộ ven đầm phá như Hòa Duân, Thảo Long, Thuận An, Tư Hiền, Trường Hà được xây dựng. Cầu Tam Giang vượt phá nối liền với tuyến quốc lộ 49B chạy dọc ven biển đã được nâng cấp, thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, kết hợp kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng vùng ven biển; khắc phục tình trạng chia cắt giữa trung tâm với các vùng đất ven biển. Mạng lưới điện quốc gia phủ đến 100% xã, hệ thống thông tin liên lạc phát triển đều khắp, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có cảng nước sâu Chân Mây nằm trong vùng vịnh có độ sâu tự nhiên lớn hơn 10 chiếm 40% diện tích của vịnh, cửa vịnh rộng 7km, hội đủ điều kiện thuận lợi để Cảng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT phục vụ giao lưu hàng hóa với càng khu vực bắc miền Trung, tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh của Lào, Campuchia và miền Trung Thái Lan, phục vụ du lịch quốc tế đường biển.
Với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 68/2014/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, đầm phá trên địa bàn tỉnh, giúp từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua, giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái viển hà hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững biển và hải đảo, phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước theo tinh thần của Nghi quyết 06 – NQ/TU, ngày 15/6/2007 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.