Mùa thu hoạch hàu trên Đầm Lập An
Ngày cập nhật 01/03/2017

Với diện tích mặt nước rộng hơn 1600ha nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, kéo dài từ chân đèo Phú Gia tới cửa biển Hải Vân, Lập An là một vùng nước lợ nằm ở phía tây vịnh Lăng Cô. Bao quanh đầm là con đường nhỏ nằm uốn lượn như dải lụa mềm. Xa xa, dãy núi Bạch Mã chạy dài nhấp nhô, trùng điệp. Mùa xuân, cũng là mùa bà con ngư dân Lăng Cô thu hoạch hàu, một đặc sản đặc trưng của địa phương nơi đây...

Đặc sản hàu

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đầm Lập An còn là môi trường sinh sống của nhiều loại động, thực vật thủy sinh, nhiều nhất là hàu. Thịt hàu có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều công dụng nên được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Bởi thế mà người dân địa phương coi hàu như “lộc trời ban” cho vùng đất này và sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi hàu. Để thuận tiện cho việc nuôi và đánh bắt hàu, người dân địa phương dựng nhiều chòi nổi trên mặt đầm để làm nơi trông coi và đậu những con thuyền gỗ ven đầm để ra chòi vào mỗi buổi bình minh.

Khung cảnh nên thơ của đầm Lập An

Khi đặt chân đến đây, dù là thời điểm nào trong ngày, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp yên bình và thơ mộng như chốn tiên cảnh. Nhưng đầm Lập An đẹp nhất vào lúc hoàng hôn buông xuống, bất cứ ai cũng muốn được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng của tạo hóa. Đó là khoảnh khắc làm rung động biết bao tâm hồn du khách. Ở Lập An, du khách như lạc vào cõi thiên nhiên hoang sơ, đắm mình trong không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng, quên hết những bộn bề, lo toan của cuộc sống đời thường.

Không chỉ có cảnh sắc, đầm Lập An còn được thiên nhiên ưu ái khi sở hữu hàng trăm loại động, thực vật sinh sống, trong đó hàu được coi là đặc sản nổi tiếng bậc nhất nơi đây. Thịt hàu rất được lòng du khách gần xa không chỉ vì thơm ngon, béo, mà đây còn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều công dụng như tăng khả năng miễn dịch, tăng cường quá trình trao đổi chất…

Người dân nơi đây coi hàu là thứ “lộc trời” ban cho riêng mảnh đất này. Họ từng ví loài hàu Lăng Cô là thứ đặc sản chẳng nơi nào sánh kịp. Đời sống của dân làng đầm Lập An như bước sang trang trang mới từ khi chuyển sang nuôi và kinh doanh loài thủy sản này.

Thời điểm đẹp nhất để ngắm cảnh đầm Lập An là vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời bắt đầu ngả bóng sau dãy núi Bạch Mã. Khung cảnh đầm lúc này vô cùng huyền ảo, trên mặt nước phẳng lặng xuất hiện những gam màu vàng đỏ, xanh thẫm... đan xen nhau như một tấm lụa sặc sỡ nhiều màu sắc. Ở đây, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ngon được chế biến từ hàu như: hàu hấp gừng, hàu xào chua ngọt, đậu phụ nhồi hàu, mỳ sốt hàu...

Tăng cường quản lý để nghề hàu phát triển

Do cấu tạo địa chất, nguồn nước ở đầm Lập An nên con hàu rất thích nghi, phát triển tốt. Ngày trước, hễ cắm cọc tre, cọc gỗ xuống đầm là hàu đeo bám sống. Từ năm 2000, người dân chú trọng đến việc nuôi hàu trên đầm và trở thành một nghề mang lại nguồn thu đáng kể, ổn định đời sống của nhiều người dân quanh đầm.  Hiện nay chính quyền địa phương đã quy hoạch, sắp xếp lại việc nuôi hàu trên đầm Lập An, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trong khu vực theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo cảnh quanh môi trường vịnh Lăng Cô. Tuy nhiên, thực tế chính quyền địa phương rất lúng túng, bởi kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm này vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ. “Để trả lại cảnh quan môi trường du lịch của vịnh đẹp Lăng Cô nhất thiết chúng tôi phải sớm vào cuộc. Thế nhưng, thực tế này rất mong các ngành các cấp quan tâm hỗ trợ cho chính quyền địa phương bởi khi triển khai đề án đặt ra nhiều vấn đề như hỗ trợ, bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân lâu đã gắn bó với nghề nuôi hàu từ đời này qua đời khác...”. một cán bộ thị trấn Lăng Cô cho biết.

Phương án tháo dỡ sắp xếp lại cọc trên đầm Lập An của UBND thị trấn Lăng thực hiện 1.278 triệu đồng, do UBND huyện Phú Lộc cấp. Hiện tại, đã có khoảng 244 hộ nuôi hàu với 142.440 cọc tre, gỗ và hơn 1.007.150 lốp xe chiếm khoảng 239ha mặt nước đầm. Chưa kể các loại đáy rớ, ngư lưới cụ đang nuôi trồng đánh bắt trên đầm. Việc tháo dỡ, sắp xếp trên đầm Lập An tại các vùng mũi Rạng Đình, mũi Cửa Khẩu, vịnh Loan Lý, An Cư Tân, An Cư Đông, Mũi Chùa, An Cư Tây và sắp xếp lại từ mũi Đình Rạng đến Hói Dừa sau đó phân cụm hoặc phân thành nhóm để sản xuất chung theo tiêu chí: vùng nuôi có độ sâu trung bình 2m, cách bờ từ 50m và phát triển ra tối đa không quá 200 mét; mỗi cụm có quy mô 200-400m2 và cụm cách cụm tối thiếu 15-20m; phải để luồng lạch đi lại cho tàu thuyền ra vào bờ tối thiểu từ 50m trở lên; đồng thời không bố trí vùng có khe suối nước ngọt, nước thải và các vùng trao đổi nước kém có năng suất sản lượng thấp.

Hiện khu vực đầm Lập An đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng thành phố đi bộ, kéo dài dọc khu vực đầm (thị trấn Lăng Cô). Hai bên phố đi bộ được bố trí xây dựng 6 khu vực, bao gồm: khu trồng cây xanh, khu công viên nước, khu dịch vụ biểu diễn, khu đài phun nước nghệ thuật, khu ẩm thực và nhà hàng, khu câu lạc bộ bến thuyền.

Với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng cùng quy hoạch đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng, đầm Lập An hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Thừa Thiên Huế. 

Hương Mai
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 773