Còn lạc hậu
Sau 2 năm kể từ khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đạt con số 360, tăng gần 100 chiếc. Dự kiến đến cuối năm 2017, đội tàu đánh bắt xa bờ được nâng lên 400 chiếc, trong đó tàu có công suất 400 CV trở lên chiếm hơn một nửa. Điều này cho thấy, động lực từ Nghị định 67 và ý chí vươn khơi, bám biển của ngư dân rất lớn. Tuy nhiên, trong khi nỗ lực cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, ngư dân lại thiếu sự quan tâm đầu tư các thiết bị tiên tiến, hiện đại để hỗ trợ nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Ngư dân Phan Văn Giàu ở xã Vinh Hiền (Phú Lộc) thừa nhận: “Mặc dù có truyền thống nghề biển từ bao đời nay, nhưng ngư dân vẫn luẩn quẩn các nghề khai thác cá nục, trích, hố, bánh lái...có giá trị kinh tế thấp. Các loại ngư cụ đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá thu, cờ, chủa, cam...còn hạn chế. Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đến nay vẫn chưa có; trong khi ngư dân các tỉnh khác đã đầu tư ngư cụ, kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đại dương, mỗi chuyến biển thu nhập cả tỷ đồng”.
Ngư dân Ngô Dần ở xã Phú Thuận (Phú Vang) chia sẻ: “Các nghề đánh bắt lâu nay là lưới mành, rê, vây rút chì...chủ yếu đánh bắt các loại cá nhỏ giá trị kinh tế không cao. Hệ thống lưới ngắn, thấp, chưa hiệu quả. Các thiết bị, công nghệ hỗ trợ đánh bắt còn lạc hậu. Hệ thống đèn chiếu sáng chạy bằng dầu, chi chí nhiên liệu cao, chiếm đến 40% chi phí/chuyến biển. Máy dò cá đã lạc hậu, phát hiện được luồng cá nhưng không thể bám đuổi để đánh bắt”.
Hiện, ngoài một số tàu công suất lớn từ 750 CV trở lên được đóng mới theo Nghị định 67 đã trang bị công nghệ bảo quản hải sản khá hiện đại, còn lại hầu hết các tàu đều lạc hậu nên mỗi chuyến đánh bắt chỉ một tuần đến 10 ngày. Công nghệ bảo quản hải sản bằng ướp đá trong khoang tàu làm giảm đến 20% sản lượng. Theo tính toán của TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, với sản lượng bị giảm 20%, tương đương mỗi năm giảm khoảng 7.000-8.000 tấn cá, trị giá trên 100 tỷ đồng.
Cần ứng dụng công nghệ hiện đại
Ngư dân Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An, chủ tàu công suất lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh cho biết, công nghệ đánh bắt hiện đại đã được ngư dân nhiều tỉnh ứng dụng, thật sự mang lại hiệu quả. Ở Thừa Thiên Huế, hiện nay mới chỉ một vài chủ tàu trang bị và ứng dụng máy dò cá-dò ngang CH 250, sản lượng khai thác cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với các loại máy dò khác. Một số tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã trang bị đèn LED tiết kiệm năng lượng, tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng quá trình hỗ trợ khai thác giảm chi phí đến 80% so với hệ thống chiếu sáng chạy bằng máy dầu.
Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, các ban ngành, địa phương cần tổ chức giới thiệu các sản phẩm công nghệ hiện đại, tiên tiến đến với ngư dân; đồng thời tuyên truyền, vận động ngư dân mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Người dân có thể tiếp cận các nguồn vốn vay theo Nghị định 67, Quyết định 12... để đầu tư mua sắm, nâng cấp hệ thống ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại.
|
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình thông tin, hiện nay nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được ứng dụng, ngư dân trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đầu tư mua sắm nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt. Ngoài máy dò ngang CH 250 còn có máy dò ngang Koden KDS-6.000 BB hỗ trợ nghề đánh bắt bằng lưới vây, hay máy dò ngang sử dụng sóng siêu âm...Ngư dân ở Khánh Hòa và một số tỉnh đã ứng dụng các loại máy dò ngang này, giúp mỗi chuyến biển đạt năng suất cao gấp đôi so với sử dụng các máy dò thông thường. Việc sử dụng máy dò ngang còn giảm chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác từ 20-25%.
Công nghệ bảo quản hải sản cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm sau mỗi chuyến biển. Với hầm bảo quản như lâu nay của ngư dân không chỉ giảm sản lượng, mà còn hạn chế đến chất lượng sản phẩm. Một loại công nghệ mới mà ngư dân nhiều tỉnh đã sử dụng bảo quản hải sản mang lại hiệu quả cao là hầm làm bằng vật liệu PU, hay còn gọi là PU foam. Sử dụng công nghệ này có thể bảo quản hải sản đến 1 tháng, nhờ được bọc inox 304 có tác dụng cách nhiệt tốt. Hầm PU hạn chế lượng nước đá tiêu hao đến 95%, giảm tổn thất sản lượng sau khai thác, chỉ còn 5-10% so với các loại hầm khác, chất lượng sản phẩm đảm bảo xuất khẩu.
Ngoài nâng cao hiệu quả đánh bắt, ngư dân cũng cần đầu tư công nghệ hiện đại để bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong quá trình khai thác xa bờ. Một trong những công nghệ mà người dân cần quan tâm đầu tư đó là hệ thống ra-đa. Khi tàu di chuyển trong điều kiện sương mù, tầm quan sát hạn chế, mưa lớn...thì nhờ ra-đa dẫn đường. Khi gặp các vật nguy hiểm, hay các tàu khác tiếp cận có thể gây nguy hiểm, hoặc lưới có nguy cơ bị mất do các tàu khác kéo thì hệ thống ra-đa sẽ báo động, giúp ngư dân di chuyển tàu né tránh kịp thời...