Giàu tiềm năng
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho phát triển nghề nuôi trồng hải sản (NTHS) trên biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ven biển nước ta có điều kiện thuận lợi về địa hình (diện tích, độ sâu, dòng chảy, kín sóng, gió nhờ nhiều đảo và bán đảo che chắn…) để phát triển nuôi cá biển bằng lồng nhỏ, đơn giản, đầu tư thấp, đặt rải rác trong vũng vịnh, cửa sông có độ sâu >5 m khi thủy triều thấp nhất.
Các vùng bãi bồi ở cửa sông thuộc Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bẳng sông Cửu Long (ĐBSCL) có độ mặn và nguồn thức ăn phù hợp nuôi nhuyễn thể bãi triều. Hơn nữa, chúng ta đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hầu hết các đối tượng cá biển (như cá song, giò, hồng mỹ, vược…); các đối tượng nhuyễn thể (như tu hài, hàu, ốc hương, nghêu…). Bên cạnh việc sử dụng lồng gỗ truyền thống, công nghệ nuôi sử dụng lồng tròn với vật liệu HDPE có khả năng chịu sóng gió cũng đã phát triển. Ngoài ra, nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm thuận lợi cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách, định hướng phát triển ngành nuôi biển thông qua các chiến lược và quy hoạch đã đảm bảo hành lang pháp lý cho phát triển nuôi biển.
Để khai thác và sử dụng tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển và hải đảo có vai trò, vị trí rất quan trọng và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của nước ta. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo, tạo điều kiện thuân lợi cho các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng hải sản trên biển, hải đảo. Một số chính sách tiêu biểu như giao và cho thuê mặt nước biển; đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho công tác quy hoạch, nhập khẩu giống, đào tạo cán bộ, ưu tiên bố trí kinh phí khuyến ngư cho nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo. Do đó, trong những năm qua nuôi trồng hải sản nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và hải đảo.
Thực tế, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 đã tiến hành một số mô hình nuôi biển hiện đại cho năng suất cao, hạn chế được nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm rất lớn.
Hiện nay, cả nước có ba doanh nghiệp tham gia nuôi cá biển với quy mô công nghiệp tập trung tại Bình Định, Phú Yên (nuôi cá giò), Khánh Hòa (cá giò và cá chim vây vàng). Sản lượng cá thu hoạch được chủ yếu là xuất khẩu, một phần bán tại nội địa.
Nhiều thử thách
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi thủy sản, nhưng đến nay nghề nuôi thủy sản biển mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và tự phát là chính. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng sản lượng nuôi cá biển chỉ chiếm 1,19%, nhuyễn thể 19,48%, rong biển 2,78%, các đối tượng hải sản khác 6,35%. Theo quy hoạch của ngành thủy sản biển, đến năm 2020, diện tích nuôi cá biển đạt 7.270 ha, cho sản lượng 122.000 tấn, giá trị sản xuất 26.190 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 180 triệu USD.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trong nước không mặn mà đầu tư, mục tiêu trên cũng khó lòng đạt được. Trong số hàng trăm doanh nghiệp thủy sản hiện nay, không doanh nghiệp nào của Việt Nam đầu tư vào nuôi cá biển vì nhiều lí do, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề vốn đầu tư.
Trong tương lai, nghề nuôi biển nước ta còn đối diện với nhiều thách thức và rủi ro về con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ, suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu và sự xung đột lợi ích với ngành khác. Việc sản xuất con giống ở quy mô nhỏ lẻ trong khi còn phụ thuộc nguồn nhập khẩu tiểu ngạch sẽ dẫn tới sự thiếu hụt con giống cả về số và chất lượng, cũng như không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ. Thức ăn cho đối tượng nuôi biển không thể phụ thuộc mãi vào nguồn cá tạp, trong khi thức ăn công nghiệp chưa được phát triển đúng mức. Theo Tổng cục Thủy sản, có tới 80% thức ăn thủy sản từ nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển cũng đang là thách thức cho phát triển bền vững nghề nuôi biển. Hiện, sản phẩm nuôi trồng thường ở dạng tươi sống và chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, một ít bán cho khách du lịch qua các nhà hàng, đầu mối và chợ địa phương. Các nhà máy chế biến trong nước hầu như không tham gia mắt xích tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Ngoài ra, mâu thuẫn trong sử dụng mặt nước giữa nuôi thủy sản và các ngành kinh tế khác (như du lịch, vận tải biển, phát triển khu công nghiệp) sẽ càng gay gắt. Thực tiễn cho thấy, việc quy hoạch phát triển du lịch ở các vùng ven biển (như Cửa Lò, vịnh Hạ Long) hoặc phát triển khu công nghiệp (như Nghi Sơn hoặc Vân Phong) đã buộc các lồng bè phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc phải di dời tìm địa điểm mới. Hơn nữa, bùng phát dịch bệnh và môi trường bị biến đổi theo chiều hướng xấu do phát triển nuôi biển tự phát, thiếu hoặc không thực hiện quy hoạch. Nhiều vùng nuôi hiện nay có dấu hiệu ô nhiễm nặng (như khu vực Bến Bèo, huyện Cát Bà, Hải Phòng), do độ sâu và tốc độ dòng chảy thấp, mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt, chất thải từ chính các hoạt động nuôi quá lớn.
Đặc biệt, những tác động mạnh của biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển sẽ có những tác động đến nghề này trong tương lai. Nước biển dâng và nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới công trình nuôi biển như lồng bè, bãi triều nuôi nghêu mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường nuôi, dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Hơn nữa, sự thay đổi tần suất, cường độ bão và áp suất nhiệt đới do biến đổi khí hậu có thể sẽ phá vỡ hệ thống đê bao, lồng bè nuôi biển và làm thay đổi môi trường sinh thái vùng nuôi, trong khi lượng mưa tăng có thể gây lũ lụt phá hủy công trình nuôi hoặc giảm độ mặn ở vùng nuôi ven biển và cửa sông.
Để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển, Việt Nam cần quy hoạch nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cần ban hành một Nghị định về khuyến khích nuôi biển, những chính sách ưu đãi đầu tư, tín dụng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp nuôi biển với công nghiệp du lịch, dầu khí, quốc phòng./.