Cá ở đây khá nhiều, các cần thủ say sưa trổ tài, chúng tôi cũng bị cuốn vào thú “tiêu khiển” có một không hai này, vì thế thời gian trôi nhanh mà không hề biết. Đến khoảng hơn 4 giờ sáng thì các thủy thủ trên tàu nhắc chúng tôi: “Sắp đến giờ mặt trời thức rồi, hôm nay, với thời tiết này thì ngắm bình minh rõ lắm”. Tôi vội về phòng, lấy máy ảnh rồi chạy thẳng lên boong tầng 3 của tàu, chọn chỗ đẹp nhất để chờ bình minh lên. Một lúc sau, tôi thấy nhiều người trong đoàn cũng lục tục kéo nhau lên boong. Tôi chợt nghĩ, à thì ra “món này” cũng khối người thích đấy nhỉ. Là người chịu khám phá, nên tôi đã từng được hầu “các cụ” để thưởng thức sự thú vị của “Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”, nhưng thú thực, sự háo hức đó không thể ví với đêm nay. Mải miên man suy nghĩ, bỗng có ai đó thốt lên: “Kìa!”. Tôi giật mình, căng mắt nhìn thật sâu, thấy lờ mờ phía tít mù khơi, phơn phớt một thứ ánh sáng thật lạ, như người ta cầm đèn ở đằng xa và dùng tờ giấy bịt lại. Tôi nhủ thầm, có lẽ bắt đầu rồi. Từ một quầng nhỏ, rồi lan dần, lan dần, một lúc sau đã thành một quầng sáng lớn, từ đây, phân định rõ được đâu là trời, đâu là biển. Thế là tôi bắt đầu tác nghiệp và thấy nhiều đồng nghiệp cũng bấm máy lia lịa. Nhìn sang bên cạnh, anh phóng viên trong đoàn cũng đang rê ống kính và hoan hỉ: “Thích quá bác nhỉ, thật đúng là có một không hai”…
Sau khi được trải nghiệm đón bình minh trên biển, hơn 6 giờ, chúng tôi xuống xuồng “đổ bộ” vào đảo. Vẫn những cái bắt tay thật chặt, anh em trên đảo niềm nở đón chúng tôi như những người quen lâu ngày gặp lại. Qua nghi thức ban đầu, mọi người tỏa đi khắp nơi và hình thành các nhóm nhỏ. Người đầu tiên tôi “túm được” là một chàng lính trẻ, đẹp trai, có hàng mi cong như con gái và cái tên rất ấn tượng: Nguyễn Tuấn Anh, quê ở xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, ra đảo từ tháng 7/2015. Tôi hỏi luôn về cảm xúc của em cũng như đồng đội khi mỗi sáng được đón bình minh trên đảo. Cậu lính trẻ bẽn lẽn: “Nơi đây đón ánh bình minh sớm hơn đất liền gần một tiếng đồng hồ. Ngày nào đúng ca gác vào giờ mặt trời mọc, tâm trạng chúng em cũng vẫn giống các anh bây giờ, luôn cảm thấy thiêng liêng và tự hào lắm, vì đây là đảo tiền đồn của đất nước”.
Khi trò chuyện với trung úy Nguyễn Xuân Tình, Chính trị viên đảo, anh cũng thổ lộ với chúng tôi: “Mỗi cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều xác định rõ trách nhiệm của mình là cùng với đồng đội ở các đảo và lực lượng khác bảo vệ vững chắc sườn phía Đông của Tổ quốc, vinh dự lớn lao nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề”. Bên cạnh việc làm tốt công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, đảo còn là điểm tựa cho bà con vươn khơi, bám biển. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, đảo đã khám, chữa bệnh cho 27 ngư dân và cấp thuốc, hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho nhiều lượt tàu đánh cá của bà con ngư dân khi gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Tìm quanh một vòng, tôi nhận ra thiếu tá Phạm Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng đảo đang “bị vây” bởi nhóm đồng hương Thái Bình. Đảo trưởng phấn chấn kể về thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) quê mình, kể về những đồng đội là đồng hương cùng tỉnh mà anh biết, hiện đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Cuộc trò chuyện đang rôm rả thì anh Tuấn “bị” nhóm nam thanh, nữ tú “xông vào” lôi đi tuồn tuột. Mấy cô gái tinh nghịch cười tếu táo và tuyên bố xanh rờn: “Ra đây không chụp được ảnh với Tiên thì chúng em phải chụp ảnh với trai trên đảo”. Thế là tất cả chạy ùa ra ven bờ sóng chụp ảnh và đảo trưởng được làm người mẫu bất đắc dĩ đến mấy chục lần…
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, ai cũng quyến luyến trong giờ phút chia tay. Còn với riêng tôi thì cứ giữ mãi ấn tượng về một đảo Tiên Nữ vợi xa, nơi bình minh đến sớm nhất, báo hiệu ngày mới bắt đầu trên đất nước Việt Nam.