Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên các vùng biển, hải đảo là một công việc thiêng liêng, trọng đại và phức tạp. Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau của quốc gia – dân tộc, cuộc đấu tranh mang những đặc điểm, sắc thái khác nhau, đòi hỏi những biện pháp và phương thức đấu tranh khác nhau.
Cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo là một cuộc đấu tranh phức tạp về nhiều mặt, đòi hỏi không chỉ các nhân tố nội lực truyền thống mà đòi hỏi người tham gia đấu tranh phải có tri thức toàn diện, có văn hóa chính trị, hiểu biết lịch sử và ngoại giao, biết vận dụng luật pháp, lý luận, công luận trong và ngoài nước. Trong cuộc đấu tranh này Việt Nam phải đối diện với các bên, trong đó có cả những đối tác chiến lược của mình.
Việc Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014, đã trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm của thế giới, làm dấy lên những làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ cả ở trong nước và ngoài nước. Nó bộc lộ một nấc thang mới trong việc áp đặt mang tính nước lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng trên biển, hải đảo không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhiều quốc gia khác trong khu vực. Chưa kịp lắng xuống sau việc Trung Quốc rút giàn khoan, dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có liên quan lại dấy lên sự quan ngại sâu sắc, dường như còn nghiêm trọng hơn nhiều, đó là việc Trung Quốc tiến hành xây dựng một cách trái phép các đảo nhân tạo bằng cách hủy hoại các rạn san hô tại bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực trái phép vào năm 1988 và 1995). Các đảo nhân tạo có diện tích bề nổi lớn gấp từ hàng chục, thậm chí hàng trăn lần so với trạng thái trước kia. Đồng thời với hoạt động đó trên thực địa, là một số quan chức Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố và phát biểu bất chấp những yêu cầu sơ đẳng của công pháp và những thỏa ước quốc tế cũng như khu vực mà Trung Quốc vốn là một thành viên tham gia.
Toàn bộ chuỗi sự kiện này đã thu hút cao độ sự quan tâm của thế giới. Đối với Việt Nam, chuỗi sự kiện này là những bằng chứng càng ngày càng thể hiện rõ ràng âm mưu bành trướng bá quyền, chủ nghĩa dân tộc nước lớn của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng, đi ngược lại thỏa thuận giữa lãnh đạo cao cấp hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ hữu nghị, truyền thống hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Cuốn sách Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông giúp độc giả có được những hiểu biết trung thực, khách quan và nhiều mặt về chuỗi sự kiện này cũng như những kiến thức cơ bản về Biển Đông, những cơ sở lịch sử mang tính pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là đi sâu lý giải, vạch trần âm mưu của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông từ góc độ văn hóa, lịch sử... từ đó phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng biển và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Phần 2: Cơ sở lịch sử - pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vi phạm của Trung Quốc nhìn từ luật pháp quốc tế
Phần 3: Quan điểm của Việt Nam và dư luận thế giới trước tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần Phụ lục đưa đến những hình ảnh chân thực nhất về thực trạng Trung Quốc tạo lập đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá, những bản đồ mang tính pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng một số ảnh minh họa sinh động về phong cảnh và cuộc sống của quân và dân trên đảo.