Giới thiệu sách Hoàng Sa – Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc
Ngày cập nhật 25/03/2016

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là chủ đề nóng bỏng của nước ta trong giai đoạn hiện nay.Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm giữa Biển Đông, như tấm lá chắn cho các dải đất liền dọc bờ biển nước ta từ Quảng Trị đến Cà Mau. Đó là hai quần đảo mà cha ông chúng ta đã chiếm hữu thật sự, chiếm hữu liên tục và hòa bình cách đây hàng mấy trăm năm. Đó là phần lãnh thổ mà các thế hệ người Việt tiếp nối nhau vượt qua dông bão đến với đại dương để khám phá, khai khẩn những vùng đất mới, tạo nên dáng hình Tổ quốc hôm nay. Và đó cũng là nơi thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy.

Nằm giữa biển Đông, ở một vị trí mang tầm chiến lược cả về kinh tế và quân sự, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngày càng có sức hút với nhiều quốc gia trong thời đại mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt. Vì vậy, trong bốn mươi năm gần đây, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành điểm nóng của khu vực biển Đông.

Người dân đất Việt sinh sống và làm ăn ở nơi đầu sóng ngọn gió này, dù là chiến sĩ hay những ngư dân đều phải đối mặt từng giờ từng phút với biết bao thử thách, hiểm nguy rình rập. Họ đã trở thành biểu tượng của đức quả cảm hy sinh trong chiến đấu và lao động, không ít người vì chủ quyền Tổ quốc đã vĩnh viễn ra đi, hóa thân vào hồn thiêng đất nước.

Vua Lê Thánh Tông xưa kia cũng đã nói rằng: “ Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần…Nếu dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di…”

Để giúp độc giả sinh hiểu thêm về cuộc sống của ngư dân và chiến sĩ ở Hoàng Sa – Trường Sa nói riêng và nơi biển đảo nói chung, Nhà Xuất bản Giáo Dục Việt Nam phát hành sách “Hoàng Sa – Trường Sa trong vòng tay tổ quốc” của tác giả Hồng Châu và Minh Tân. Quyển sách này gồm 2 tập:

Tập I. Nơi đầu sóng ngọn gió, gồm 3 phần: Tiếng gọi từ Hoàng Sa; Vòng tròn bất tử; Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong mỗi phần có nhiều chủ đề nhỏ nói về diện tích,các tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa; những ngư dân mấy đời làm biển ở Hoàng Sa; những trận chiến quyết liệt vì Hoàng Sa; những hình ảnh về những người chồng, người cha, người anh đã hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ chủ quyền biển đảo.Ngoài việc cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh bộ đội còn tăng gia sản xuất góp phần đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài những câu chuyện, những lá thư, những sinh hoạt của quân và dân biển đảo, tác giả còn kèm những hình ảnh về bản đồ, những hình ảnh người thực việc thực trên đảo làm cho người đọc rất xúc động khi đọc quyển sách.

Tập II. Nghĩa tình cả nước với Hoàng Sa – Trường Sa. Tập này gồm 6 phần: Hoàng Sa – Trường Sa với luật biển Việt Nam; Góp đá xây Trường Sa; Vì ngư dân Hoàng Sa – Trường Sa; Vì học sinh Trường Sa thân yêu; Máu xương làm dấu mốc biên cương; Gần lắm Trường Sa.

Tập II này cũng gồm những phần nhỏ nói về luật biển Việt Nam; hình ảnh những tấm bản đồ cổ như Đại Nam nhất thống toàn đồ (do Việt Nam lập năm 1834, dưới triều Minh Mạng) đã thể hiện rõ “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam; An Nam đại quốc họa đồ (do Jean – Louis Taberd, Pháp, vẽ năm 1838) cũng thể hiện quần đảo Paracel Seu – Cát Vàng (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam; Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (do nhà Thanh – Trung Quốc lập năm 1904) thể hiện cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam; Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (do Pháp xuất bản năm 1940) thể hiện hai đài khí tượng quan trọng nhất ở Đông Dương là Đài khí tượng Pattle (Hoàng Sa) và Đài Khí tượng Itu Aba (Trường Sa).Trong phần Góp đá xây Trường Sa có những bài viết và hình ảnh về Chương trình chung tay thắp sáng Nhà giàn DK1;Công trình xây kè chắn sóng ở đảo Song Tử Tây; một hình ảnh thật đáng phục là bà Nguyễn Thị Lan góp 100 triệu đồng từ việc để dành lương hưu và từ học sinh, sinh viên …cho đến người bán ve chai cũng góp đá xây Trường Sa. Và còn rất nhiều hình ảnh sống động và thiết thực nói lên nghĩa tình của đồng bào cả nước hướng về biển đảo Việt Nam.

Đọc Hoàng Sa – Trường Sa trong vòng tay tổ quốc, ta sẽ thấy Tổ quốc Việt Nam ta, con người Việt Nam đẹp biết bao, bên cạnh những lớp người đi trước và những người đang chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, chúng ta tự hỏi xem mình đã làm gì để góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 231