|
|
Giới thiệu sách “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” Ngày cập nhật 24/03/2016
Đây là nội dung hội thảo về Biển Đông đầu tiên do xã hội dân sự tổ chức, các tham luận đã trình bày sau đó được tập hợp và Nhà xuất bản Tri Thức phát hành hành. Báo cáo đa phần của các nhà nghiên cứu độc lập đề cập tới lịch sử chủ quyền và tính phi lý của yêu sách "đường lưỡi bò". Trong đó, ba chủ đề chính mà cuốn sách đề cập tới, có sự liên kết liền mạch và xuyên suốt:
- Tâm thức biển: gồm “Từ Trường Sơn Đông tới Song Tử Tây” của linh mục Thiện Cẩm và “Nỗi niềm Biển Đông” của nhà văn Nguyên Ngọc.
- Lịch sử chủ quyền: gồm “Bản đồ cổ thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo Việt Nam” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu, “Sử liệu của thời Nguyễn và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quyết Thắng, còn TS Nguyễn Nhã giới thiệu về “Hoạch định của nhà Nguyễn thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
- Luật pháp quốc tế: gồm “Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó” do TS, luật sư Phan Đăng Thanh khái quát và báo cáo, nhà nghiên cứu Hoàng Việt phản bác về sự phi lý của yêu sách "đường lưỡi bò".
Lời mở đầu cuốn sách cũng chính là lời khai mạc tọa đàm của Linh mục Nguyễn Thái Hợp – Chủ nhiệm CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình. Linh mục “mong muốn rằng Biển Đông và hải đảo Việt Nam sẽ là một cơ hội tốt để đoàn kết tất cả người Việt trong cũng như ngoài nước, vì tiền đồ dân tộc”. Nằm trong mạch cảm xúc này, linh mục Thiện Cẩm chia sẻ trong bài viết của mình hải trình 3 ngày 2 đêm đến với Trường Sa. Điều cuối cùng, linh mục Thiện Cẩm đúc kết: “Xương các chiến sĩ đã kết lại với san hô và đá ngầm, làm thành nền tảng cho những cột mốc, đánh dấu chủ quyền của Việt Nam dưới bầu trời và vùng biển này của Biển Đông. Máu của các chiến sĩ đã hòa vào nước biển để cho tình quân dân mặn mà thắm thiết, và vững bền mãi mãi”. Là bởi thế nên nước biển mình mặn chát, cả máu và nước mắt, là bởi thế nên không để mọi sự hi sinh thành vô ích. Và cũng không thể yêu nước trong sự vô minh.
Trong chủ đề về lịch sử chủ quyền, bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Quyết Thắng và TS Nguyễn Nhã giới thiệu các cứ liệu lịch sử xác lập và duy trì chủ quyền của Việt Nam. Một trong những luận điểm mà nhiều học giả trong giới nghiên cứu sử dụng là việc thành lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được ghi chép rõ trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn như sau: “Ở ngoài Cù lao Ré (tức Lý Sơn ngày nay) có đảo Đại Trường Sa (bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay), ngày trước nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi nên nhà nước có thiết lập đội Hoàng Sa để thu nhặt các hải vật…. họ Nguyễn thiết lập một đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung vào. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng Giêng, ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch…Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tư Chánh (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người Cảnh Dương, lấy những người lính tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải”. Các trích lục từ Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam thực lục chính biên…cũng nhắc về Hoàng Sa – Trường Sa như một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Ngoài hoạt động của đội dân binh như Đội Hoàng Sa, Đội Bắc Hải… TS Nguyễn Nhã nhấn mạnh trong bài viết của ông hoạt động đo đạc, cắm mốc và bia chủ quyền của đội thủy quân nhà Nguyễn, xây dựng chùa miếu, trồng cây trên Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 19. Đây là hoạt động cấp Nhà nước, chiếu theo luật pháp quốc tế, thể hiện hành động xác lập chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng đất. Các bản đồ cổ phương Tây mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu kết hợp giới thiệu, càng củng cố rõ nét về hình ảnh cho chủ quyền của Việt Nam.
Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này với mong muốn tiếp tục được cùng nhau suy nghĩ và thảo luận chung quanh vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.
HĐ Các tin khác
|
|
Lượt truy cập - trang truyền thông Truy câp tổng 976.124 Truy câp hiện tại 229
|