Có nhiều chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo. Tiếc là, không ít người quá ỷ lại các chính sách hỗ trợ, thậm chí còn vin vào “thương hiệu hộ nghèo” để đòi hỏi theo nhu cầu của gia đình. Chính suy nghĩ ấy ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xóa nghèo chứ không hoàn toàn do chính sách hỗ trợ không hiệu quả.Câu chuyện hỗ trợ người nghèo “con cá” hay “cần câu” luôn nóng. Suy cho cùng, con cá hay cần câu đều khó đem lại hiệu quả bền vững nếu người nghèo không biết cách biến một con cá thành nhiều con cá và không biết dùng cần câu để câu cá. Khảo sát nhu cầu của người nghèo mới đây tại xã Hương Hữu (Nam Đông), nhiều người nghèo bày tỏ: “Chúng tôi muốn được tặng quà hay tiền bạc để chi tiêu trong gia đình. Các đơn vị hỗ trợ tư liệu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cũng nhiều rồi nhưng đều không hiệu quả”. Đã có không ít hộ nghèo đề xuất nhu cầu hỗ trợ nhà ở, tiền mặt với mức bình quân từ 40 -– 60 triệu đồng. Các đơn vị không đáp ứng, họ quay sang không hợp tác”. Thế nên, có đơn vị đem cây giống lên hỗ trợ hộ nghèo, quá nản khi chính gia chủ bỏ sang nhà hàng xóm chơi (?!), mặc cho mọi người hì hục trồng trọt. Có hộ nghèo được tặng ngô giống nhưng lại đem... ra cho gà ăn.
Các mô hình điểm về hỗ trợ sản xuất đã làm nhiều và thành công nhưng không đủ khả năng nhân rộng, khi không được tiếp tục hỗ trợ phân, giống thì người dân không làm. Đất núi gắn với rừng, trồng rừng kinh tế là chính sách mở giúp các hộ dân có cơ hội tạo thêm thu nhập. Người dân được giao quyền sở hữu và khai thác rừng trồng nhưng cũng chính người dân bán đi “cần câu cơm” của mình để cuối cùng phải đi làm thuê trên chính mảnh rừng đó.
“Không phải chỉ có đồng bào muốn “con cá’ mà ngay chính chủ tịch, bí thư của một số xã cũng thiếu tinh thần, trách nhiệm. Chúng tôi năm lần bảy lượt đề nghị làm việc với chủ tịch, bí thư xã mà đơn vị được phân công hỗ trợ vẫn không gặp được. Không nắm bắt nhu cầu của người dân cần giúp đỡ, các đơn vị được phân công đành lên trực tiếp gặp hộ nghèo để hỗ trợ theo kiểu “được chăng, hay chớ”. - đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết.
Vấn đề đặt ra được nhiều người đồng thuận. Các đơn vị hỗ trợ hộ nghèo cần hạn chế việc tặng quà, mà tập trung hỗ trợ sản xuất và cải thiện các chiều thiếu hụt khác của người nghèo. Quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo bằng hình thức cho không đã bộc lộ nhiều bất cập. Người dân ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, không muốn thoát nghèo. Hạn chế cho không tức là chuyển từ việc cấp phát sang hỗ trợ có điều kiện, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước vươn lên thoát nghèo. Chính sách và các dự án giảm nghèo nên được triển khai theo hướng giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp, cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn để nâng cao ý thức, nỗ lực thoát nghèo của từng hộ”.
Nhiều ý kiến trăn trở, các cơ quan, đơn vị trợ giúp và địa phương cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người nghèo trong chi tiêu tiết kiệm và biết tích lũy để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Trong đó, cần tập trung vào đối tượng là con em hộ nghèo, cận nghèo trong nhận thức nghề nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm và thay đổi phương thức sản xuất... Giảm nghèo phải giải quyết được vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và khuyến khích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thống, nói: “Cách lý tưởng nhất là tập huấn cho những người dân có đủ năng lực ở địa phương để chia sẻ lại với cộng đồng qua ngôn ngữ, văn hóa của chính họ. Người nghèo không chỉ cần tri thức, tài chính, họ cần tin chính mình và niềm tin từ cộng đồng vào việc họ có đủ năng lực để thoát nghèo, thậm chí trở nên khá giả. Công tác truyền thông rất cần cho người nghèo, giúp họ nhận thức phải có trách nhiệm sử dụng nguồn hỗ trợ sao cho hiệu quả”.
Tại buổi họp giao ban đánh giá kết quả bước đầu của các ban ngành, đoàn thể trong việc giúp đỡ hộ nghèo, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: "Người nghèo phải là chủ thể, nếu chính họ không có kế hoạch giảm nghèo ắt sẽ thất bại. Người nghèo vẫn đứng ngoài cuộc, không tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức thì rất khó có cơ hội thoát nghèo bền vững. Các đơn vị không nhất thiết phải giúp đỡ tất cả các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nếu địa phương đó không có kế hoạch thoát nghèo. Ngay cả chính người nghèo không có động thái tích cực để thoát nghèo thì các đơn vị cương quyết từ chối hỗ trợ. Các hoạt động trợ giúp cần hướng đến tính bền vững, như trợ giúp cần có cam kết, điều kiện kèm theo và hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất kinh doanh, đồng thời phối hợp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo".
Trao quyền thực sự cho người nghèo để huy động sức mạnh, khuyến khích tinh thần tự lực của người dân là điều mà các ngành được phân công giúp đỡ cần phải làm.