Tìm kiếm
Chương trình trợ giúp xã nghèo đến với người dân Thượng Long
Ngày cập nhật 10/11/2017
Người dân xã miền núi Thượng Longcòn thiếu hụt nhiều tiêu chí quan trọng

Tới đây, bên cạnh các chính sách, chương trình giảm nghèo quốc gia, của tỉnh, thì xã đặc biệt khó khăn Thượng Long (huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên Huế) còn nhận được sợ giúp đỡ của Nhóm trợ giúp xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% theo kế hoạch phân công mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành.

Thượng Long là một xã miền núi thuộc huyện Nam Đông, với tổng diện tích tự nhiên 5.071,72 ha. Xã Thượng Long có 8 thôn, dân số toàn xã là 629 hộ, 2.685 nhân khẩu, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 96%.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của huyện Nam Đông, xã Thượng Long đã có những bước phát triển tích cực. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2016 đạt 20,99 triệu đồng/năm. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nếu so sánh với mặt bằng chung của toàn huyện, thì tỷ lệ hộ nghèo ở xã Thượng Long vẫn còn cao. Theo số liệu điều tra tính đến hết ngày 31/12/2016, toàn xã có 220 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,98%.

Những hộ nghèo này chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số, được phân bổ ở 8 thôn của xã, trong đó thôn có số hộ nghèo cao nhất là 41 hộ, thôn ít nhất 10 hộ. Phân tích dữ liệu điều tra hộ nghèo vào cuối năm 2016 cho thấy, xã Thượng Long có 166 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, tỷ lệ 75,45%; 54 hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ 24,55%. Nhóm hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt chủ yếu là các chiều tiếp cận về nhà ở, nước sạch và vệ sinh…

Theo ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn cao thì có nhiều, trong đó chủ yếu là: thiếu đất, thiếu vốn sản xuất; người dân chưa biết cách làm ăn, hạn chế kiến thức khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; do tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân, một bộ phận thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, còn ỷ lại, chưa biết tiết kiệm tích lũy; gia đình có đông người lệ thuộc, ăn theo. Một số diện gia đình chính sách được Nhà nước trợ cấp, nhưng neo đơn, bệnh tật thường xuyên, thiếu lao động nên không thể vươn lên để thoát nghèo.

Một nguyên nhân nữa theo sự tìm hiểu của phóng viên, đó chính là nạn tảo hôn, kết hôn sớm từ các bạn trẻ. Họ kết hôn khi vừa học xong, hoặc đang học dở dang nên không có công ăn việc làm ổn định, dẫn đến không có thu nhập, trong khi gia đình nhà chồng, vợ lại quá đông con, tư liệu sản xuất ít, thiếu hụt.

Trò truyện với chúng tôi là em Lê Thị Th. (sinh năm 1998, ở thôn 3, Thượng Long). Th. Cho biết, em và chồng (sn 1989, học hết cấp 2 và học bổ túc cấp 3) kết hôn vào tháng 6/2016, khi em vừa mới tốt nghiệp cấp 3 xong. Lấy chồng khi tuổi đời còn quá trẻ, không có nghề nghiệp, việc làm ổn định; còn chồng cũng chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nông, cạo mủ cao su trong gia đình, nên cuộc sống của 2 vợ chồng Th. khá bấp bênh. “Em lấy chồng là con út trong nhà nên còn ở chung với bố mẹ chồng. Gia đình chồng lại đông con, thuộc diện hộ nghèo nên đất đai sản xuất ít. Sau khi xong mùa màng, vợ chồng em quay lại cạo mủ cao su với mấy trăm cây vừa được gia đình chia cho; thỉnh thoảng chồng em phải đi làm thuê bên ngoài thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Em mới đăng ký với trưởng thôn đi học nghề may theo chính sách Nhà nước xong, nhưng không biết có được không nữa”. Đó là những lời tâm sự đượm buồn của cô gái trẻ nhưng đã bước vào cuộc sống gia đình riêng với 2 bàn tay trắng quá sớm.

Bức tranh cuộc đời của em Th. trong tương lai, nếu không có sự thay đổi sẽ được phản chiếu rõ nhất qua số phận của bà Đoàn Thị Vung (gần 60 tuổi, ở thôn 6). Cả hai đều là những người dân tộc thiểu số, đều đến với lo toan cuộc đời quá sớm, khi mà trong tay chẳng có gì. Chỉ có điều em Th. vẫn còn cơ hội lớn phía trước để thay đổi số phận, trong khi với bà Vung, như chính bà tự nhận: “Mẹ già rồi, giờ chỉ trông vào con cái thôi”. Bà Vung cho biết, bà kết hôn từ khi còn quá trẻ, rồi đẻ liên tù tì một lúc 5 đứa con. Khi những đứa con có đứa còn chưa kịp lớn hết, thì chồng bà lại bỏ vợ, bỏ con về bên kia thế giới. Người phụ nữ Cơ Tu ấy phải một mình chăm lo cho con cái nên cái nghèo, cái khổ cứ thể bám lấy bà cho đến ngày hôm nay. Phải chăng, những thói quen, hủ tục lạc hậu đang làm khổ chính người nghèo ở xã Thượng Long?

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, khi phát biểu tại Hội nghị Triển khai các hoạt động giúp đỡ xã Thượng Long phấn đấu giảm nghèo bền vững, đã phải thốt lên rằng, cái nghèo đôi khi nó lại xuất phát từ chính những thói quen, tập tục còn lạc hậu của bà con mình. Ông Hồ bảo: “Nhiều lúc tôi rơi nước mắt vì bà con. Đến đi khám bệnh cũng không có tiền để khám. Nhưng tại sao thế? Đi khám bệnh thì không có tiền, nhưng hễ đám cưới là mấy cũng có, mấy cũng lo, cũng góp được. Bà con cần phải thay đổi thói quen chi tiêu, đừng theo kiểu làm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí là tiêu thâm hụt số làm ra. Bà con phải biết tiết kiệm, đầu tư vào kế hoạch sinh lợi, chỉ có như thế thì mình mới có thể thoát nghèo được.”

Thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ biết cách làm ăn, từng bước cải thiện đời sống hướng đến thoát nghèo bền vững cũng chính là mục tiêu mà Nhóm trợ giúp xã Thượng Long, gồm 3 cơ quan: Sở LĐ – TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường Cao đẳng nghề 23 Bộ Quốc phòng cũng như 8 cơ quan của huyện Nam Đông được phân công hướng tới. Chương trình đã chính thức được khởi động sau Hội nghị Triển khai sáng ngày 17/5 tại trụ sở xã Thượng Long với phương trâm “Mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ theo cơ chế trao quyền trọn gói” và theo hướng “chỉ cấp cần câu, không cho con cá” như trước đây. Các hoạt động trợ giúp sẽ được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, cụ thể, không hình thức và không dàn trải.

Mục tiêu của chương trình là phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thượng Long giảm xuống dưới 20%. Riêng trong năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 – 5%, tương ứng từ 18 – 31 hộ thoát nghèo. Đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo trong danh sách được UBND huyện Nam Đông thẩm định, UBND xã Thượng Long công nhận (số liệu tính đến hết ngày 31/12/2016), trong đó ưu tiên các hộ nghèo còn thiếu một số tiêu chí, có khả năng lao động và nhanh chóng thoát nghèo theo hướng bền vững trong thời gian ngắn hạn.

Cụ thể, trong năm 2017, Nhóm trợ giúp sẽ giúp cho 15 hộ nghèo vay vốn (mỗi cơ quan 5 hộ) để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để nâng cao thu nhập; giúp hỗ trợ có điều kiện cho 9 hộ nghèo (mỗi cơ quan 3 hộ) xây dựng 9 nhà vệ sinh; vận động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ “vốn khởi nghiệp” cho 5 lao động ở xã Thượng Long, sau khi được đào tạo nghề, có cam kết tự tạo việc làm nhưng thiếu vốn.

Anh Uyên
Xem tin theo ngày