Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Xây dựng Chính quyền số phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp
Ngày cập nhật 25/11/2022

Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây là một trong những điểm sáng về xây dựng chính quyền điện tử hướng đến CQS, ĐTTM. Việc chú trọng đẩy mạnh CĐS nhằm xây dựng CQS, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp (DN), người dân là mục tiêu mà tỉnh đề ra. 

 

Năm 2019, dự án Trung tâm Điều hành ĐTTM của tỉnh Thừa Thiên Huế được nhận Giải thưởng Viễn thông châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”. Năm 2020, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, Thừa Thiên Huế đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng CNTT (ICT Index). Năm 2021, nền tảng dịch vụ ĐTTM Hue-S đã xuất sắc được công nhận “Giải thưởng Sao Khuê năm 2021” trong các lĩnh vực nền tảng CĐS và được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và CĐS vinh danh là địa phương có thành tích tiêu biểu thực hiện công nghiệp 4.0 và CĐS3. Năm 2022, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế vinh dự giành được Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.

Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022

Đặc biệt, từ năm 2019 - 2022, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả lớn trong xây dựng CQS thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch.

Nhằm tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, ngày 10/8/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0. Bên cạnh đó, hằng năm, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, CQS của tỉnh cũng được UBND tỉnh ban hành.

Đối với CĐS, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 về phê duyệt chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế và Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21/10/2020 về triển khai chương trình CĐS đến năm 2025.

Đối với phát triển dịch vụ ĐTTM, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 về ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 1.0.

Để tiếp tục hướng tới sự minh bạch, tạo ra các giá trị xã hội và thương mại, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc quản trị tại địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 về ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, về phát triển hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ ĐTTM.

Hiện nay, hạ tầng CNTT trong cơ quan nhà nước được tỉnh đầu tư đồng bộ, mạng diện rộng được kết nối 100% cấp xã qua mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước; trung tâm dữ liệu được đầu tư để triển khai các hệ thống phục vụ chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

Đối với hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng 3G/4G được phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Chất lượng và vùng phủ 4G được mở rộng; đang dần dần triển khai hạ ngầm cáp, dây thuê bao đến nhà dân; bước đầu đã hoàn thành số hóa cơ sở dữ liệu trạm thu phát sóng di động (BTS) trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý; khai trương triển khai 5G tại thành phố Huế.

Thứ ba, về hoàn thiện chính quyền điện tử

Hạ tầng kết nối từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia đã được thiết lập và vận hành hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp chính quyền điện tử như: nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP) kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP).

Đối với dịch vụ công trực tuyến, tỉnh  triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp công cụ cho cá nhân, DN, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua môi trường mạng với sự tham gia của 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến năm 2021, đã có hơn 516.000 tài khoản công dân, tổ chức, DN tham gia. Ngoài ra, tỉnh tích hợp chữ ký số, email, SMS lên cổng dịch vụ công. Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S; thanh toán trực tuyến trên nền tảng Hue-S.

Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước được hoàn thiện với mô hình liên thông. Tính từ khi bắt đầu áp dụng hệ thống đến nay đã có khoảng 1.400.000 hồ sơ được số hóa thành phần tiếp nhận, luân chuyển, xử lý và trả kết quả điện tử trên hệ thống, góp phần tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ đồng thay cho các thao tác xử lý qua văn bản giấy.

Đối với việc ứng dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin, tỉnh đã triển khai 91 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; 73 hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các ngành; 100% hồ sơ khai thuế của DN được nộp qua mạng; 100% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội; 98% DN đăng ký kinh doanh qua mạng; 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng; 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được áp dụng thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đã có gần 6.000.000 văn bản điện tử được số hóa từ văn bản giấy nhằm phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý và ban hành văn bản, góp phần tiết kiệm khoảng 5,8 tỷ đồng thay cho việc phô tô, xử lý văn bản giấy tương đương. 100% UBND cấp xã có hạ tầng CNTT đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến.

Đối với hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an toàn thông tin, đã triển khai mạng diện rộng tỉnh theo mô hình mạng CPNet kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ; thiết lập việc truy nhập internet trong cơ quan nhà nước tỉnh theo hướng tập trung với 454 điểm kết nối. Trung tâm dữ liệu dùng chung phục vụ cho chính quyền điện tử và ĐTTM đã được vận hành và Trung tâm An toàn thông tin (SOC) cũng đã được triển khai. Hiện đã có 179 đơn vị đăng ký cài đặt phần mềm với tổng số 3.103 máy tính cài đặt phần mềm phòng, chống virus tập trung của BKAV.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chính quyền điện tử, hằng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kiến thức CNTT chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách CNTT; tập huấn an toàn thông tin cho cán bộ, công chức các cấp; tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đến phát triển ngành công nghiệp ICT. Tính đến năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có khoảng 170 DN, tổng số lao động trong các DN này khoảng 1.700 người.

Thứ tư, về phát triển dịch vụ ĐTTM

Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (HueIOC) ra đời trên cơ sở hợp nhất Trung tâm CNTT và Truyền thông và Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử. Đến nay, HueIOC đã đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ (phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới ĐTTM, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát bảo đảm an toàn thông tin để thực hiện tốt nhiệm vụ phân công; triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai và bảo đảm điều kiện các giải pháp làm việc trực tuyến).

Đối với các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, tỉnh đã xây dựng ứng dụng di động, tạo lập môi trường liên lạc điện tử tích hợp trên Hue-S, bảo đảm cung cấp thông tin đồng bộ, nhanh chóng từ sở, phòng, nhà trường đến tận phụ huynh và học sinh thông qua điện thoại di động thông minh và hệ thống thông tin cơ sở. Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở lưu trú phục vụ cho công tác khai báo khách lưu trú, kiểm tra, rà soát khách du lịch; xây dựng cổng thông tin và ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch trên thiết bị di động, thành phố wifi, bản đồ du lịch Huế an toàn thông minh, kho dữ liệu tập trung và hệ thống báo cáo ngành Du lịch, hệ thống phân tích du lịch thông minh.

* Để đẩy mạnh xây dựng CQS, thúc đẩy CĐS và phát triển các dịch vụ ĐTTM, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy CĐS. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp trong tiến trình CĐS, thực hiện tốt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ... Có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ năng lực tham gia phát triển hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS. Xây dựng các chuyên đề trên cổng/trang thông tin điện tử, báo, đài về thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề cho các cơ quan, đơn vị, DN tham gia CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho người dân khi tham gia CĐS. 

Ba là, Phát triển nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh để phục vụ chính quyền điện tử trên hạ tầng nền tảng điện toán đám mây; thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các cơ quan. Hình thành trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập trung hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân. Hỗ trợ, hướng dẫn các DN sản xuất, hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số để tăng năng suất lao động, phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm An toàn thông tin.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CQS và phục vụ CĐS. Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành các hoạt động CĐS cho cán bộ, công chức. Hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân; đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình các cấp học bậc trung học và cao đẳng, đại học của các ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Xây dựng chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách CNTT, CĐS và bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Năm là, Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực CĐS. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị về CĐS nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về CĐS; đồng thời, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong nước, nước ngoài để nâng cao hiệu quả CĐS. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà sản xuất trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.

Sáu là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong CĐS. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ CĐS gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý; mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của trung ương, Tỉnh ủy về công tác CĐS gắn với cải cách hành chính.

 

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.061 khách