Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Vì sao Việt Nam tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng CPĐT của UNDP?
Ngày cập nhật 25/11/2022

Theo báo cáo Khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 76, tăng 5 bậc so với năm 2020. Góp phần không nhỏ vào bước tăng trưởng ấy là những quyết định kịp thời, phù hợp của bộ ngành phụ trách và sáng kiến tiêu biểu từ cấp bộ ngành đến cấp địa phương.

 

Liên tục tăng hạng

Liên tục từ năm 2020, Việt Nam đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ trên bảng xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 2014 đến năm 2020, chúng ta đã tăng 13 bậc, từ hạng 99 lên hạng 86/193 quốc gia, hạng 23/47 châu Á và hạng 6/11 Đông Nam Á. Năm 2022, chúng ta vươn lên thứ hạng 76/193 quốc gia. Định hướng đến năm 2025 thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu và đến 2030 sẽ thuộc top 30 nước theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc. Đây là những bước tiến mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, việc tập trung đầu tư công nghệ để “đi tắt, đón đầu” cũng mới chỉ diễn ra, có lẽ, cũng chưa tròn một thập kỷ. Rất nhiều chuyên gia có chung nhận định với tốc độ phát triển như vậy, mục tiêu lọt vào top 30 quốc gia phát triển chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên HIệp Quốc vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.

Vì sao Việt Nam có sự cải thiện thứ bậc vượt trội?

Đầu tiên, năm nay, Liên hợp quốc đã có sự thay đổi phương pháp đánh giá chỉ số dịch vụ trực tuyến. Theo phương pháp mới, có 5 nhóm tiêu chí được đưa ra là Khung thể chế; Cung cấp nội dung; Cung cấp dịch vụ; Công nghệ và Tham gia điện tử. Ngoài ra, tổ chức này cũng lần đầu tiên đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ đánh giá có cung cấp dịch vụ trực tuyến hay không như trước kia. Đây là một bước tiến lớn, tập trung đo lường thực chất, trong đó, mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến là khả năng thực hiện toàn bộ giao dịch của dịch vụ trên môi trường mạng hay chỉ thực hiện trực tuyến một phần và người dân vẫn phải hiện diện để hoàn thành hầu hết các giao dịch. Đây cũng chính là nội dung quy định mới về mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trong Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, hiện đã có 14 bộ, ngành, địa phương là là Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Hà Tĩnh; Bắc Giang; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bến Tre; Thái Nguyên; Điện Biên; Lạng Sơn; Sóc Trăng; Lào Cai; Hòa Bình, Vĩnh Long gửi danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần về Bộ Thông tin và Truyền thông. 23 tỉnh, thành phố là Hòa Bình, Long An, Đắk Lắk, TP. Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Nông, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Bến Tre, TP. Cần Thơ, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ninh; Kon Tum; Lào Cai; Thái Bình; Sóc Trăng ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. 7 tỉnh thành là TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Long An ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ. đã gửi danh mục DVCTT toàn trình và một phần về Bộ Thông tin và truyền thông. Như vậy, có thể nói nguyên do đầu tiên của việc Việt Nam có những bước thăng hạng ấn tượng đến từ việc chúng ta đã chủ động đưa ra những quy định mới trong việc hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số chính phủ điện tử mà những quy định này lại rất phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Tiếp theo, theo nhận định chung từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã có nhiều sáng tạo tiêu biểu trong việc cải cách, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, từ cấp bộ ngành đến cấp địa phương. Đầu tiên là về bộ ngành, trong năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng khi thực hiện rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) trong phạm vi tiếp nhận và giải quyết của mình và xác định Danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần. Cụ thể:

Bộ Khoa học và Công nghệ có 260 TTHC cấp trung ương, trong đó có: 184 TTHC được cung cấp, tích hợp mức độ toàn trình trên Cổng Dịch vụ công của Bộ theo quy định tại Quyết định số 1905/QĐ-BKHCN ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ và Cổng Dịch vụ công Quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ; 76 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 55 TTHC cấp trung ương, trong đó có: 31 TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT toàn trình, 24 TTHC cung cấp DVCTT một phần.

Như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 02 đơn vị đầu tiên trong khối các bộ, ngành thực hiện rà soát và công bố danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần để triển khai cung cấp DVCTT theo quy định mới tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

Về phía địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả rất tích cực trong việc Thông báo trả kết quả sớm hạn một số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, về chỉ đạo chung, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có chỉ đạo về việc rà soát, triển khai quyết liệt các giải pháp, biện pháp để nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong các tháng cuối năm; trong đó đặc biệt chú ý giảm thời gian xử lý và trả hồ sơ trực tuyến (so với hồ sơ trực tiếp); hỗ trợ phí chuyển tiền qua mạng khi thanh toán phí, lệ phí; hỗ trợ phí bưu điện nhận hồ sơ/trả kết quả tại nhà cho công dân theo yêu cầu; triển khai Tổ/Đội hỗ trợ công dân sử dụng giao dịch trực tuyến với cơ quan công quyền. Các đầu việc đề ra phải có chỉ tiêu cụ thể, đồng thời thực hiện rà soát kết quả theo từng tháng, nếu có vướng mắc phát sinh, tập hợp gửi Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố chỉ đạo kịp thời. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nếu triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt chỉ tiêu đề ra, Sở Nội vụ có trách nhiệm xem xét, tham mưu, đánh giá.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ vừa có Thông báo về việc ưu tiên giải quyết, trả kết quả sớm hạn đối với một số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính; góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, văn minh, thuận tiện phục vụ tổ chức, công dân, Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên giải quyết, trả kết quả sớm hạn (từ 10% đến 20%) so với thời gian quy định khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả trực truyến đối với một số thủ tục hành chính. Kết quả, 11 hạng mục quản lý hành chính nhà nước thuộc 2 lĩnh vực An toàn bức xạ hạt nhân và Hoạt động khoa học và công nghệ đã kéo giảm được thời gian giải quyết từ 01 đến 03 ngày. Đây là một nỗ lực và quyết tâm đáng được ghi nhận và trân trọng của Thành phố Đà Nẵng nói chung và Sở Khoa học và Công nghệ nói riêng.

Như vậy, có thể tạm kết luận rằng việc chủ động đưa ra các chính sách, quyết định, hướng dẫn thực hiện đánh giá, thúc đẩy chính phủ điện tử và việc nỗ lực sáng tạo, cải tiến quy trình theo hướng tinh giảm, hiệu quả là hai nguyên nhân trực tiếp giúp Việt Nam có được những bước tăng trưởng mạnh mẽ trên con đường xây dựng, phát triển nền chính phủ điện tử.

 

Phuong Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.049 khách