Tham dự hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Bộ TT&TT; một số đồng chí Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành ICT; Lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương và địa phương.
Trong bối cảnh tình hình Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều biến động, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng nguy hiểm hơn. Trong bối cảnh đó, ngành TT&TT cũng đã nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó là vừa tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bộ TT&TT hỗ trợ địa phương phòng chống dịch, phát triển kinh tế
Lần đầu tiên có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành và các Địa phương thông qua việc Bộ TT&TT thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính thực hiện hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Số lượng hộ nông dân lên sàn TMĐT: 7.987 hộ (tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020). Số lượng các sản phẩm nông sản đưa lên sàn TMĐT: 14.594 sản phẩm (tăng 268% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn TMĐT: 944 tỷ (tăng 293% so với cùng kỳ năm 2020). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản (vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới" trên nền tảng TMĐT Make in Viet Nam. Lần đầu tiên tại Việt Nam, chỉ riêng với sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, đã có gần 10 triệu lượt truy cập vào 2 sàn TMĐT Postmart và Vỏ sò với tổng lượng vải thiều tiêu thụ là 8.280 tấn, đạt giá trị giao dịch gần 250 tỷ đồng và xuất khẩu được gần 140 tấn vải thiều đi các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Úc...
Bộ TT&TT đã triển khai khảo sát, kết nối gần 9000 camera giám sát tại hơn 700 cơ sở cách ly của 60 tỉnh/thành trên toàn quốc; triển khai nhắn tin với hơn 12 tỷ bản tin SMS và cài đặt âm thông báo nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc-xin chống Covid-19 của Chính phủ và hỗ trợ nhiều địa phương trong vùng dịch. Bên cạnh đó, đã triển khai các hệ thống tiếp nhận hơn 2,5 triệu tin nhắn ủng hộ với gần 114 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin chống Covid-19 của Chính phủ chỉ trong 1 tháng phát động.
Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia với các thành viên nòng cốt là Lãnh đạo các Đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất của Việt Nam. Trung tâm có nhiệm vụ điều phối, phối hợp, hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ TT&TT đã nhiều lần làm việc với Tổng biên tập các báo lớn nhằm định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống dịch để thống nhất cách thức truyền thông hiệu quả, chính xác, không gây hoang mang dư luận về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch. Bộ TT&TT đã hỗ trợ, đặt hàng 86 cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 58 tỷ đồng.
Những điểm nổi bật trong lĩnh vực TT&TT 6 tháng đầu năm
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các chỉ số phát triển trong cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đều có bước tiến đáng ghi nhận.
6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bưu chính đạt gần 900 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ; sản lượng bưu gửi đạt trên 590 triệu bưu gửi, tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ Internet di động có sự cải thiện tương đối rõ rệt, tăng 35,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ TT&TT đã tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) ký kết, triển khai kế hoạch tăng cường xử lý SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng cách áp dụng các giải pháp mới cả về công nghệ và cơ chế quản lý nội bộ. Ước tính số lượng sim rác đã giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2020; số lượng tin nhắn rác giảm 68,6%, số cuộc gọi rác giảm 32%.
Bộ đã tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số: có 12 bộ, ngành và 49 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; 11 bộ, ngành và 37 tỉnh thành phố đã ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số. Bộ TT&TT thúc đẩy Doanh nghiệp Công nghệ số triển khai xây dựng và công bố được 43 nền tảng số
Bộ TT&TT đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Đến nay, 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối thử nghiệm CSDL quốc gia về dân cư.
Trong Báo cáo xếp hạng chỉ số An toàn, An ninh mạng toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia. So với năm 2019, Việt Nam đã tăng 25 bậc.
Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 65 tỷ USD tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số là 61.359. Số lượng DNCNS 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020 tăng 20,11%.
Bộ đã khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam, với thông tin số liệu tổng hợp ban đầu của hơn 59.000 doanh nghiệp ICT và gần 900 sản phẩm, dịch vụ ICT Make in Viet Nam.
Báo chí tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ đã đồng hành với các địa phương trong đầu tư phát triển được 521 đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, tăng 723% so với 6 tháng đầu năm 2020 (72 đài). Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức Hội chợ sách Online, Triển lãm sách Online để tạo ra thị trường mới, diễn đàn mới cho các nhà xuất bản trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những định hướng lớn của ngành TT&TT trong 6 tháng cuối năm
Bộ TT&TT sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các Chiến lược lớn như: Chiến lược phát triển hạ tầng bưu chính; Chiến lược phát triển hạ tầng số; Chiến lược dữ liệu quốc gia hướng tới Chính phủ số; Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia; Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; Chiến lược chuyển đổi số báo chí. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và hoàn thiện nền tảng “Địa chỉ số”, đưa nền tảng Mã địa chỉ bưu chính trên nền tảng Bản đồ số đi vào cuộc sống, đến với từng hộ gia đình; bảo đảm tính chính xác, an toàn, bảo mật và tính riêng tư. Chỉ đạo các Doanh nghiệp công nghệ phát triển các sàn TMĐT, nền tảng truy xuất nguồn gốc, thương hiệu gắn với người nông dân, đưa nông sản đến từng hộ gia đình cả nước.
Lĩnh vực viễn thông: Thúc đẩy việc triển khai đấu giá băng tần; Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông (DNVT) đẩy mạnh cung cấp 5G tại các khu CNTT tập trung, các khu công nghiệp, khu nghiên cứu, các trường đại học tiến tới việc sớm thương mại hóa dịch vụ 5G; triển khai các biện pháp nhằm phủ sóng BRDĐ, triển khai cáp quang tới 100% thôn, bản trong năm 2021. Xử lý triệt để tình trạng rác viễn thông (sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác).
Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin: Tập trung thúc đẩy các Bộ, ngành, Địa phương triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với 03 trụ cột chính lần lượt là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ các bộ, ngành địa phương hoàn thành mục tiêu đưa 100% DVC trực tuyến đủ tiêu chuẩn lên mức độ 4, các mục tiêu quan trọng của phát triển Chính phủ điện tử. Hoàn thiện nền tảng công nghệ số tập trung toàn quốc giúp các tỉnh phòng chống Covid-19
Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng: Thúc đẩy triển khai giải pháp phòng chống mã độc. Ban hành các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TT&TT về: trách nhiệm của các doanh nghiệp nền tảng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng quốc gia; về việc tổ chức triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái tín nhiệm mạng, hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Lĩnh vực kinh tế số: Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê, đo lường về kinh tế số và tính toán tỷ trọng kinh tế số trong GDP/GRDP; Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEs chuyển đổi số; Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của Doanh nghiệp.
Lĩnh vực công nghiệp ICT: Hỗ trợ và thúc đẩy 100% địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, gắn chặt với việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thêm 02 Khu CNTT tập trung: Khu CNTT tập trung Yên Bình của tỉnh Thái Nguyên và Khu CNTT tập trung Bắc Ninh.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Đưa báo chí Việt Nam là kênh phản ánh dòng chảy chính tích cực của một Việt Nam đổi mới; Khơi dậy sức mạnh tinh thần, tạo sự đồng thuận, nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam phát triển, thịnh vượng. Sức mạnh tinh thần giúp hiện thực hoá Khát vọng Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của báo chí, truyền thông là cầu nối giữa chủ trương và thực tiễn, giữa ý Đảng và lòng Dân.
Bộ TT&TT hoàn thiện và trình Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tổ chức sơ kết 2 năm triển khai quy hoạch báo chí. Đánh giá mô hình cơ quan báo chí tại Quảng Ninh, Bình Phước. Triển khai chương trình hành động bảo vệ quyền lợi báo chí Việt Nam trước các nền tảng xuyên biên giới. Tuyên truyền mạnh về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng. Xây dựng và trình TTgCP Đề án “Chương trình Sách Quốc gia”; Triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ TT&TT sẽ tiếp nối những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép để góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành TT&TT nói riêng và của cả đất nước nói chung./.