Theo đó, mục tiêu ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 100% tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; 100% tỷ lệ Cổng thông tin điện tử cấp tỉnh tuân thủ các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC. 90% tỷ lệ DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử.
Bên cạnh đó, đảm bảo 100% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Các mục tiêu về hồ sơ công việc xử lý ở cấp xã, huyện, tỉnh phải đạt từ 80% trở lên. Rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử, 100% cơ quan Nhà nước sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp từ cấp tỉnh đến cấp xã: Tiếp tục đánh giá nhân rộng cho cấp xã dùng chung 01 hệ thống thống nhất.
Để hướng tới một nền kinh tế số, Kế hoạch 367 còn đặt mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng thành phố thông minh, phấn đấu 100% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền, 80% tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Ngoài ra, Kế hoạch còn đề ra 3 nội dung xây dựng chính quyền số và 39 danh mục các văn bản, nhiệm vụ, chương trình, dự án năm 2022. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy định, chính sách để tạo giải pháp đảm bảo môi trường pháp lý trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách CNTT đảm bảo mục tiêu phát triển của các ngành, địa phương.