Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Hiện đại hóa nền hành chính để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới
Ngày cập nhật 29/11/2021

Ngày 02/9/2021 Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTG về việc Đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ hiệu quả cho nhân dân. Nắm bắt tầm quan trọng, cũng như xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa nền hành chính, ngành Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp hiện thực hóa những mục tiêu nói trên.

 

* Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính

 Trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu UBND tỉnh  ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung và CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử nói riêng, tiêu biểu có thể kể đến:  Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 03/8/2020 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 20/12/2019 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020; Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 23/12/2020 về triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển CQĐT, dịch vụ đô thị thông minh năm 2021 và nhiều văn bản khác. Những văn bản này là nền tảng để chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC gắn với xây dựng CQĐT.

Từ đầu năm 2017 đến nay, 100% (38/38) TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông đẫ được triển khai ở dịch vụ công mức độ 4 (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn/), và  đưa 10/37 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị vào thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (đạt tỷ lệ 27,03% tổng số TTHC). 100% TTHC đều được quy trình hóa theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015 đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, công tác công khai TTHC trên nhiều kênh thông tin khác nhau giúp công dân/tổ chức dễ dàng tiếp cận và đảm bảo việc công khai TTHC theo quy định của Chính phủ. Từ đó giúp nền hành chính ngày càng khách quan và minh bạch theo đúng chủ trương của Nhà nước.

Với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị quản lý nhà nước về viễn thông - công nghệ thông tin, Sở luôn đi đầu cũng như hỗ trợ các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định) dưới dạng điện tử thông qua phần mềm HueCIT-Edoc đạt 100%.  Đặc biệt, trong  giai đoạn  dịch bênh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã mở phần mềm tác nghiệp trên internet cho cán bộ, công chức làm việc trực tuyến, mục đích là hướng tới môi trường làm việc không giấy tờ; không họp tập trung; giải quyết TTHC không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt.

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng luôn được Sở chú trọng, quan tâm. Hằng năm, Sở đã xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, viên chức theo đúng quy định. Đảng ủy, Ban Giám đốc luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức tham gia các chương trình đào tạo, giao lưu học hỏi kinh nghiệp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị.  Hiện nay, toàn Sở đã có 100% CBCC có trình độ đại học; trong đó: 21 Thạc sĩ, cử 01 cán bộ tham gia chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Nhật Bản/ tổng số 70 CBCCVC toàn đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên chỉ đạo các các cơ quan báo chí cũng như hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu, chuyển tải các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cải cách hành chính.. Nhờ công tác chỉ đạo, định hướng thường xuyên, liên tục, công tác tuyên truyền CCHC những năm vừa qua đã được các cơ quan báo chí triển khai một cách tích cực, đồng bộ, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống truyền thanh cấp huyện đều đã xây dựng và ngày càng nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền CCHC, tiêu biểu có thế kể đến chuyên mục  “Với khán giả truyền hình, “Chuyên đề thuế”, “Lao động xã hội”, “Vấn đề quan tâm”, “Thông tin kinh tế thị trường, “Trang truyền hình địa phương” của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; chuyên trang “Cải cách hành chính”, “Phát luật – Cuộc sống” của Báo Thừa Thiên Huế; Các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện cũng đã  xây dựng các chuyên mục: Cải cách hành chính, Pháp luật và đời sống, Hỏi đáp pháp luật…. xoay quanh các nội dung: Thủ tục cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng một số lĩnh vực chủ yếu như: Đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu, xử phạt vi phạm hành chính... thời lượng mỗi chuyên đề từ 5-10 phút.

* Giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân trong giai đoạn mới

Xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ CCHC cần gắn với công tác xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), Sở Thông tin và Truyền thông đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2030 như sau:

Thứ nhất, về cải cách thủ tục hành chính, để phù hợp với yêu cầu của thời đại 4.0,  cần tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin,  tiếp tục triển khai việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông, áp dụng thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) đối với tất cả TTHC. Thực hiện sử dụng hồ sơ chứng thực điện tử thay cho hồ sơ giấy của một số TTHC. Đặc biệt, áp dụng mô hình robotics thay cho cán bộ tiếp nhận hồ  TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và áp dụng dịch vụ BCCI từ khâu tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn mới là đưa các ứng dụng nền tảng số và dịch vụ thông minh vào các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên cơ sở ứng dụng thành tựu công nghệ mới; Xây dựng mô hình triển khai IOC cho đô thị thuộc Tỉnh (cấp huyện), mô hình chuyển đổi số cấp xã; Triển khai các dịch vụ thuộc các hệ sinh thái về giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh,...

Thứ ba, xây dựng tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đảm bảo các kỹ năng, nghiệp vụ về công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu xây dựng CQĐT. Để xây dựng CQĐT cần phải triển khai điện tử hóa 4 thành phần quan trọng là: cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Đội ngũ công chức điện tử đóng vai trò quan trọng, vì đây là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết TTHC, trực tiếp vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại vào quá trình cải cách TTHC. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông xác định việc  đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng  đội ngũ cán bộ công chức là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn mới.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác truyền thông về CCHC gắn với xây dựng CQĐT. Hiện nay, các cơ quan nhà nước đã cung cấp hệ thống các DVC trực tuyến rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, đa số người dân và doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng nhiều các dịch vụ này. Để khắc phục tình trạng đó thì công tác truyền thông về DVC và CQĐT cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực và Nhà nước kiến tạo. Đặc biệt, khi tình hình diễn biến của dịch Covid-19 còn khá phức tạp, các cơ quan nhà nước cần có biện pháp cụ thể để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của xã hội. Điều này giúp thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phản ánh, kiến nghị thông qua phần mềm Hue-S. “Chung tay cải cách hành chính” - đây chính là sự huy động được sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành và người dân. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, phản ánh, kiến nghị thì các tổ chức, công dân có thể thực hiện phản biện xã hội đối với việc giải quyết TTHC, cung cấp DVC của các cơ quan nhà nước, từ đó, giúp các cơ quan nhà nước cải thiện chất lượng DVC ngày càng tốt hơn.

Với những giải pháp nói trên, tin rằng ngành Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế sẽ góp phần thiết thực vào mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng thành công chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhà.

Bảo Ân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.326.205
Hiện tại 2.217 khách